1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chế tạo vũ khí nắm "đường đi, nước bước" tên lửa siêu vượt âm Nga-Trung

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lầu Năm Góc đang khởi động một dự án mới nhằm đối phó với 2 đối thủ Nga và Trung Quốc, thông qua việc sản xuất loại vũ khí đặc biệt có thể theo dõi vũ khí siêu vượt âm.

Mỹ chế tạo vũ khí nắm đường đi, nước bước tên lửa siêu vượt âm Nga-Trung - 1

Mỹ tính dùng khinh khí cầu để theo dõi các vũ khí Nga - Trung Quốc, đặc biệt là tên lửa siêu vượt âm (Ảnh minh họa: AP).

Politico đưa tin, Mỹ đang bắt tay vào phát triển một loại vũ khí đặc biệt: Khinh khí cầu. Cụ thể, những khối cầu có thể bay với độ cao 18.000-27.000m sẽ được đưa vào mạng lưới giám sát mở rộng của Lầu Năm Góc. Thậm chí, chúng cũng có thể được dùng để theo dõi tên lửa siêu vượt âm của các đối thủ Nga và Trung Quốc.

Theo giới quan sát, ý tưởng trên có thể nghe như "khoa học viễn tưởng". Tuy nhiên chuyên gia Tom Karako tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: "Các nền tảng có thể bay cao hoặc rất cao mang lại nhiều lợi ích khi hoạt động với sức bền cao, khả năng cơ động và cũng như tính linh hoạt".

Trong 2 năm qua, Lầu Năm Góc đã chi khoảng 3,8 triệu USD cho các dự án khinh khí cầu và có kế hoạch chi 27,1 triệu USD trong năm tài khóa 2023 để tiếp tục theo đuổi dự án này.

Một điểm sáng cho chương trình trên là các khinh khí cầu có thể được sử dụng để theo dõi và hỗ trợ ngăn chặn các loại vũ khí siêu vượt âm do Trung Quốc và Nga phát triển, theo Politico. Mỹ trong thời gian qua nhiều lần nhận định đang chậm chân hơn 2 đối thủ trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm. Vì vậy, việc phát triển những vũ khí có thể giúp khắc chế dòng vũ khí trên được xem là một nhiệm vụ quan trọng.

Một nhiệm vụ mà khinh khí cầu có thể làm được là kết hợp với các vệ tinh trong không gian để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tên lửa, sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo.

Trong nhiều năm, Mỹ đã tiến hành các thử nghiệm sử dụng khinh khí cầu bay cao và máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời để thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin liên lạc cho lực lượng mặt đất. Lầu Năm Góc cũng đang âm thầm chuyển các dự án khinh khí cầu sang các cơ quan quân sự để làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu và truyền thông tin đến máy bay.

Khinh khí cầu do Mỹ nghiên cứu không phải là loại thông thường mà được trang bị một bộ phận kiểm soát bay, sử dụng pin năng lượng mặt trời. Nó cũng có thiết bị điều hướng, kiểm soát thông tin liên lạc. Một số khinh khí được trang bị thuật toán nhằm dự đoán hướng gió để khinh khí cầu di chuyển và kết hợp dữ liệu cảm biến trong thời gian thực.

Ưu điểm lớn nhất của khinh khí cầu so với máy bay trinh sát truyền thống và vệ tinh là chi phí và thời gian phát triển. Ví dụ, chi phí để phóng và vận hành khinh khí cầu trong nhiều tuần vào khoảng vài trăm nghìn USD, rẻ hơn rất nhiều so với mức hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD cần để phóng và vận hành máy bay do thám hay vệ tinh.

Nếu khinh khí cầu bay liên tục ở độ cao cố định, nó có thể cung cấp cái nhìn toàn cảnh cho quân đội Mỹ về các mối đe dọa trên không, các diễn biến dưới mặt đất, tạo nên lớp phòng thủ hiệu quả, giá thành vừa phải có thể triển khai lâu dài và tương đối bền vững.

Các khinh khí cầu ở tầng bình lưu còn có khả năng "tàng hình" trước hệ thống phòng không đối phương, mang lại cho nó khả năng trinh sát hiệu quả hơn nếu so sánh với máy bay. Ngoài ra, khả năng bay liên tục trong nhiều ngày sẽ giúp khinh khí cầu hiệu quả hơn máy bay trinh thám về lâu dài.

Theo Yahoo News