1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ chế tạo tên lửa mạnh vượt trội “lửa địa ngục”

(Dân trí) - Mỹ chuẩn bị đưa vào sản xuất tên lửa không đối đất mới, được coi là thay thế cho tên lửa Hellfire “lửa địa ngục”, có uy lực mạnh vượt trội chống lại hiệu quả mọi mục tiêu khi tác chiến.

Một vụ bắn thử nghiệm tên lửa JAGM của quân đội Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Một vụ bắn thử nghiệm tên lửa JAGM của quân đội Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Defense News trích thông báo của nhà sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin ngày 27/6 cho biết, tên lửa không đối đất mới có tên JAGM sẽ bắt đầu được đưa vào sản xuất. JAGM là tên lửa kế nhiệm của “lửa địa ngục” Hellfire và có khả năng thực hiện những cuộc tấn công vào mọi mục tiêu từ di chuyển tới cố định, có thiết giáp hoặc không thiết giáp, trên mặt đất cũng như trên biển, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu.

JAGM sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động, giống trên tên lửa Hellfire II và radar dẫn đường bằng sóng milimet trên Longbow Hellfire. Hai hệ thống này được tích hợp vào làm 1, cùng với đầu đạn, động cơ và hệ thống điều khiển bay kế thừa từ tên lửa Hellfire Romeo.

Lockheed đã nhận dự án này từ mùa hè năm 2015 và dự kiến sẽ bàn giao cho quân đội 2.631 tên lửa theo hợp đồng, Defense News trích phát biểu của một quan chức quốc phòng Mỹ.

Tên lửa Hellfire band đầu được thiết kế để công phá các xe tăng, tuy nhiên sau này nó đã được ứng dụng trong cuộc chiến chống IS. Vai trò của Hellfire lúc này là trở thành vũ khí dẫn đường chính xác có thể bắn từ máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái và tác chiến rất hiệu quả trên chiến trường.

JAGM dự kiến sẽ thay thế cho Hellfire trong tương lai. Trong giai đoạn chế tạo và phát triển, JAGM đã vượt qua các bài kiểm tra khi được tích hợp trên các trực thăng chiến đấu AH-64E Apache và AH-1Z Viper.

Trong quá trình thử nghiệm, các phi công đã đánh giá cao JAGM, nhất là khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa chế độ dẫn đường bằng laser bán tự động và dẫn đường bằng bước sóng milimet.

“Đối với hệ thống dẫn đường bằng laser, 6 giây trước khi tên lửa tới mục tiêu là vô cùng quan trọng. Nếu tia laser chiếu ra bị lệch khỏi mục tiêu, tên lửa sẽ đi chệch. JAGM có thể bắt đầu đường bay bằng hệ thống dẫn đường laser sau đó chuyển dần sang dùng tín hiệu radar nhằm tăng độ chính xác”, phi công thử nghiệm trên máy bay AH-64 Apache cho hay.

JAGM sẽ được trang bị trên các máy bay phản lực, trực thăng và UAV nhưng nếu cải tiến, nó cũng có thể sử dụng trên phương tiện chiến đấu của lục quân và tàu chiến của hải quân, thủy quân lục chiến. Mỹ tự tin rằng với sức mạnh hiện tại của JAGM, đây sẽ là khắc tinh đáng gờm đối với các xe tăng Nga trong tương lai, kể cả siêu tăng T-14 Armata của Moscow.

Đức Hoàng

Theo Business Insider