1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tìm cách dùng trí tuệ nhân tạo tìm tên lửa hạt nhân

Quân đội Mỹ đang tăng chi cho một chương trình nghiên cứu bí mật nhằm sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán việc phóng tên lửa có thể mang hạt nhân cũng như theo dõi và nhắm vào các bệ phóng di động.


Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn từ trên cao

Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn từ trên cao

Theo Reuters, nỗ lực nói trên phần lớn không được công bố, một số ít đã được công bố thì được giấu dưới lớp những thuật ngữ khó hiểu trong ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thân cận với cuộc nghiên cứu nói rằng có nhiều chương trình mật hiện đang được thực hiện để tìm cách phát triển các hệ thống vận hành bằng trí tuệ nhân tạo nhằm bảo vệ nước Mỹ trước một vụ tấn công bằng tên lửa tiềm tàng tốt hơn.

Theo gần chục nguồn tin, nếu việc nghiên cứu thành công, các hệ thống máy tính như vậy sẽ có thể tự suy nghĩ, xử lý một lượng lớn dữ liệu, trong đó có các hình ảnh vệ tinh với tốc độ và độ chính xác vượt trội hơn so với khả năng của con người nhằm tìm kiếm những tín hiệu về việc chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa. Các nguồn tin này cho hay, nếu có chương trình như vậy, trước tiên, Chính phủ Mỹ có thể sẽ theo đuổi các giải pháp ngoại giao để ngăn chặn. Hoặc trong trường hợp chuẩn bị xảy ra một vụ tấn công, quân đội sẽ có thêm thời gian để tìm cách phá hủy các tên lửa trước khi các tên lửa được phóng đi hoặc tìm cách để đánh chặn. “Chúng ta nên làm mọi thứ trong khả năng để tìm ra tên lửa trước khi chúng được phóng đi và khiến tên lửa ngày càng khó có thể phóng đi được hơn”, một quan chức Mỹ nói.

Thông tin trên được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump mới đây đã đề nghị tăng hơn gấp 3 lần ngân sách cho 1 trong những chương trình tên lửa vận hành bằng trí tuệ nhân tạo. Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ và các tài liệu ngân sách của Mỹ cho biết, khoản ngân sách sau khi được đề nghị nâng gấp 3 lần lên thành 83 triệu USD. Dù số tiền này vẫn tương đối nhỏ so với các khoản chi của quân đội Mỹ, nhưng đây vẫn là một chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của việc nghiên cứu các hệ thống chống tên lửa vận hành bằng trí tuệ nhân tạo ở thời điểm Mỹ đang đối mặt với những thách thức quân sự bên ngoài.

Dù kế hoạch được giữ kín, nhưng quân đội Mỹ lâu nay đã công khai quan tâm về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ từng xác nhận đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các vật thể xuất hiện trong những đoạn video do chương trình máy bay không người lái thu thập được. Dự án này có tên “Maven”. “Trí tuệ nhân tạo và máy học cho phép các bạn tìm được một cây kim trong đống cỏ”, ông Bob Work – một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và là cựu thứ trưởng quốc phòng của Mỹ cho biết.

Một số quan chức Mỹ cho rằng mức chi tiêu của nước này cho các chương trình liên quan đến trí tuệ nhân tạo vẫn còn quá nhỏ so với tổng mức chi tiêu cho các chương trình quân sự, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang trong cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn vào các hệ thống vũ khí với một số nước như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối việc dùng trí tuệ nhân tạo để săn tìm tên lửa đều cho rằng phương pháp này có những rủi ro, bao gồm việc gia tăng nguy cơ xảy ra các sai sót do máy tính, có thể dẫn đến khủng hoảng hạt nhân do sai lầm trong quá trình đưa ra quyết định hay châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang liên quan đến vũ khí nhân tạo giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, làm đảo lộn cân bằng hạt nhân toàn cầu.

Theo Tâm An

Pháp luật Việt Nam