Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng nguồn nước sông Mekong
(Dân trí) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc thao túng nguồn nước và không chia sẻ đầy đủ dữ liệu về sông Mekong cho các quốc gia ở hạ nguồn.
Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại Hội nghị Tăng cường Quản trị Nguồn nước Xuyên biên giới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tổ chức trực tuyến ngày 15/10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dòng sông đối với “các nền kinh tế, sinh kế, văn hóa và văn minh” trên thế giới.
“Tại sao việc hiểu biết về các dòng sông đóng vai trò quan trọng? Tại sao cần tập trung vào vai trò to lớn của các dòng sông trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân loại? Vì những người gây trở ngại, ngăn cản, hay làm chệch hướng nguồn lực sông ngòi để phục vụ cho bản thân họ có thể gây ra mối nguy hiểm và thiệt hại nghiêm trọng cho sinh kế của hàng triệu người”, ông Stilwell phát biểu.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, “người dân tại khu vực sông Mekong hiểu rõ thực tế này, vì họ đang sống chung với những hệ quả nặng nề của việc kiểm soát nguồn nước từ thượng nguồn, với những tác động hủy hoại ngày càng tăng đối với đời sống của hàng chục triệu người” trong khu vực. Ông Stilwell nhấn mạnh Mỹ “quan ngại” về những diễn biến này.
Ông Stilwell cho biết các cộng đồng dân cư và hệ sinh thái, vốn trông chờ vào dòng nước tự nhiên của sông Mekong suốt nhiều thế hệ qua, đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán kỷ lục ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 60 triệu người, ngoài ra còn có những hệ quả nặng nề về an ninh lương thực, phát triển kinh tế và chủ quyền quốc gia.
Hành động của Trung Quốc
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các vấn đề ở hạ nguồn sông Mekong đang trở nên trầm trọng hơn do hoạt động xây dựng và vận hành các đập thượng nguồn ở Trung Quốc.
Ông Stilwell cáo buộc việc Trung Quốc “đơn phương thao túng” sông Mekong - dòng sông chung của các nước trong khu vực đã làm gián đoạn dòng nước tự nhiên, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi hoạt động đánh bắt cá và nông nghiệp, đồng thời khôi phục các tầng nước ngọt trên lưu vực sông.
“Bắc Kinh từng lập luận rằng hoạt động từ các đập của họ mang lại lợi ích cho các nước hạ nguồn bằng cách tăng lượng nước xả vào mùa khô. Tuy nhiên, như chính Bắc Kinh đã thừa nhận, việc xả nước vào mùa khô chỉ nhằm tối đa hóa lợi nhuận của các nhà sản xuất điện Trung Quốc”, ông Stilwell phân tích.
Theo ông Stilwell, việc thiếu minh bạch là một phần quan trọng trong các vấn đề liên quan tới Bắc Kinh. Quan chức Mỹ chỉ trích Trung Quốc “không chia sẻ đầy đủ thông tin về việc vận hành các đập hay tình trạng nước ở thượng nguồn, khiến chính phủ các nước ở khu vực Mekong gặp khó khăn trong việc chuẩn bị ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do hoạt động của các đập gây ra”. Ngoài ra, các nhà vận hành đập của Trung Quốc cũng “xả nước mà không báo trước, phá hoại mùa màng ở hạ nguồn khi mực nước trên sông dâng cao bất ngờ”.
Một báo cáo của tổ chức Eyes on Earth có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 4 kết luận các đập của Trung Quốc đã giữ lại 47 tỷ m3 nước sông Mekong. Trung Quốc cho đến nay đã xây tổng cộng 11 con đập thủy điện ở thượng nguồn sông.
“Chúng tôi khuyến nghị các nước trong khu vực sông Mekong và Ủy ban hội Mekong vận động Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu nguồn nước. Chúng tôi khuyến khích các bạn buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm trong việc chia sẻ dữ liệu trong cả năm về dòng chảy nguồn nước và hoạt động của các đập. Chúng tôi hối thúc Bắc Kinh phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong, và sử dụng các hình thức và công cụ sẵn có”, quan chức Mỹ phát biểu tại hội nghị.“Bắc Kinh gần đây đã thừa nhận vai trò của nước này trong việc thao túng dòng chảy tự nhiên trên sông, đồng thời đưa ra cam kết mới nhằm chia sẻ nhiều hơn dữ liệu về nguồn nước. Tuy nhiên Trung Quốc vốn có “truyền thống” hứa suông. Hãy nhìn vào Biển Đông”, ông Stilwell nói.
Sự ủng hộ của Mỹ với các nước Mekong
Ông Stilwell cho biết Mỹ ủng hộ các tổ chức khu vực và nỗ lực của các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong việc hỗ trợ phát triển bền vững và chia sẻ các thông lệ toàn cầu tại khu vực sông Mekong.
"Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN trong việc nêu lên vấn đề Mekong. Khu vực Mekong đóng vai trò quan trọng đối với vị trí trung tâm của ASEAN, tương tự Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích các nước thành viên ASEAN coi các vấn đề ở khu vực Mekong đóng vai trò quan trọng đối với hợp tác và gắn kết khu vực, tương tự vấn đề trên biển", ông Stilwell nói thêm.
“Chúng tôi kêu gọi hợp tác về phát triển minh bạch và bền vững, quản lý nguồn nước và thực thi pháp luật vì lợi ích của các nước ở khu vực Mekong, chứ không chỉ các nước láng giềng của họ”, ông Stilwell nhấn mạnh.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell từng nhiều lần đề cập tới vấn đề sông Mekong trong các phát biểu chính thức. Tại hội nghị do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore tổ chức hồi tháng 9, ông Stilwell cho biết “một thách thức đặc biệt khẩn cấp là Trung Quốc thao túng dòng chảy sông Mekong vì lợi ích riêng của nước này trong khi các nước hạ nguồn phải trả giá đắt”.
Theo SCMP, bình luận của trợ lý ngoại trưởng Mỹ là tín hiệu cho thấy con sông dài 4.350 km, nơi hỗ trợ cuộc sống của 60 triệu người Đông Nam Á, đã trở thành mặt trận mới trong căng thẳng Mỹ - Trung.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cảnh báo các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong tập trung kiểm soát nguồn nước ở hạ nguồn. Trong khi đó, Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc liên quan tới mực nước thấp ở hạ nguồn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị năm ngoái nói rằng Trung Quốc đã xả nhiều nước hơn theo đề nghị của Thái Lan khi nước này gặp hạn hán.