1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghiên cứu phá vỡ "hộp đen" bí mật của Trung Quốc về sông Mekong

(Dân trí) - Trung Quốc tích trữ nhiều nước ở thượng nguồn sông Mekong và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Việt Nam.

Nghiên cứu phá vỡ hộp đen bí mật của Trung Quốc về sông Mekong - 1

Mực nước sông Mekong hiện thường ở mức thấp và tần suất hạn hán ngày càng tăng ở hạ lưu. (Ảnh: AFP)

Thông tin trên được đưa ra trong một nghiên cứu về sông Mekong do Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) công bố hồi tháng 4, dựa trên dữ liệu từ công ty Eyes on Earth Inc (Mỹ) chuyên nghiên cứu về nước, và cũng được ông Brian Eyler, thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà báo và các chuyên gia Việt Nam tối ngày 7/5.

Trong báo cáo mang tên “Trung Quốc đã chặn dòng nước sông Mekong như thế nào”, các nhà nghiên cứu đã cung cấp các bằng chứng khoa học dựa trên các dữ liệu nghiên cứu và phép đo vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã sử dụng 11 con đập mà nước này xây dựng trên sông Mekong kể từ đầu những năm 1990 đến nay để tích trữ một lượng nước ở thượng nguồn và hạn chế nước chảy xuống hạ lưu.

"Trong nhiều thập niên qua, các thông tin do Trung Quốc cung cấp về việc vận hành các con đập ở thượng nguồn Mekong và lượng nước xả xuống hạ lưu được xem là bí mật quốc gia, được ví như 'hộp đen' và không chia sẻ với các quốc gia ở hạ nguồn. Nhưng thời kỳ được gọi bí mật ấy đã qua rồi", chuyên gia Brian Eyler nói.

Báo cáo viết, hành động của Trung Quốc đã và đang gây ra những thay đổi thất thường đối với sự hoạt động tự nhiên của dòng sông và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ nguồn. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn hán ở hạ lưu đã tăng lên trong hai thập niên qua, tương ứng với việc Trung Quốc hạn chế dòng chảy ở thượng nguồn trong mùa khô, khiến Thái Lan, Campuchia và Việt Nam hứng chịu những đợt hạn hán rất nghiêm trọng.

Dẫn nghiên cứu mới của công ty Eyes on Earth sử dụng bằng chứng thực tế là số liệu trạm đo của Ủy ban sông Mekong kết hợp với công nghệ viễn thám từ năm 1992 đến 2019, các nhà nghiên cứu cho hay, có thể xác nhận chắc chắn mối lo ngại đã có từ lâu rằng tình trạng hạn hán đang diễn ra là kết quả của chính sách quản lý nước của Trung Quốc. Nghiên cứu đã cho thấy các thời điểm Trung Quốc hạn chế nước xả xuống hạ lưu, việc hạn chế lượng nước này kéo dài trong bao lâu và lượng nước khổng lồ mà Trung Quốc hạn chế trong gần 3 thập niên qua.

“Phát hiện của Eyes on Earth cho thấy tổng lượng nước được xả trong 30 năm qua cộng lại vẫn ít hơn nhiều so với tổng lượng nước tích trữ”, báo cáo viết.

Nguyên nhân của đợt hạn hán 2019

Trung tâm Stimson cho hay, phát hiện quan trọng nhất của báo cáo là, các dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy trong đợt hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mekong từ năm 2019 đến nay, khu vực thượng nguồn của Trung Quốc lại có lượng mưa và tuyết tan lớn bất thường. Các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc đã chặn hoặc hạn chế gần như toàn bộ lượng mưa và tuyết rơi kỷ lục này chảy về hạ lưu. Nghiên cứu cho thấy, nếu các con đập của Trung Quốc không hạn chế dòng chảy, lượng mưa và tuyết tan ở thượng nguồn đủ để giữ mực nước ở phần lớn hạ lưu trên mức trung bình từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020 thay vì bị khô hạn nặng nề.

Báo cáo chỉ ra rằng, tại một cuộc họp đầu năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, "thiếu mưa là nguyên nhân chính của hạn hán" và cho biết Trung Quốc cũng đã phải chịu tình trạng này. Tuy nhiên, những phát hiện của Eyes on Earth đã chứng minh rằng tuyên bố đó là không đúng. Các dữ liệu cho thấy lượng mưa và tuyết tan đáng lẽ ra đã có thể giúp giảm bớt tình trạng hạn hán ở hạ lưu và duy trì mực nước sông trên trung bình, thì trên thực tế, dòng sông gần như khô cạn.

Hiện hạ lưu đang vào mùa khô hàng năm, việc thiếu nước trên hệ thống sông Mekong đã khiến nhiều khu vực trên toàn lưu vực sông phải tuyên bố tình trạng hạn hán khẩn cấp. Hạn hán cũng gây ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất lúa gạo ở Thái Lan và Việt Nam, hai nhà cung cấp chính cho thị trường gạo khu vực và toàn cầu, báo cáo viết.

“Thông qua nghiên cứu một cách độc lập, chúng tôi đã làm rõ rằng giới khoa học có thể sử dụng dữ liệu vệ tinh như thế nào để đo lượng nước ở lưu vực sông Mekong và cung cấp dữ liệu thời gian thực cho các quốc gia để họ thấy rằng họ bị ảnh hưởng như thế nào. Qua đó, các quốc gia có thể phối hợp để phải cùng chia sẻ tài nguyên nước”, ông Alan Basist, Giám đốc Công ty Eyes on the Earth, nói.

Tài nguyên nước phải được chia sẻ công bằng

Mực nước sông Mekong lên, xuống một cách tự nhiên khi dòng sông chuyển từ giai đoạn mùa mưa sang mùa khô hàng năm. Mực nước sông có thể được mô hình hóa đáng tin cậy dựa trên trên các phép đo vệ tinh về lượng mưa và lượng tuyết tan ở thượng nguồn. Điều này giúp các nhà nghiên cứu cơ sở để đo lường tác động của các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc. Bằng cách tính toán sự khác biệt giữa mực nước dự kiến và mực nước thực tế, các nhà nghiên cứu có thể thấy sự khác biệt của sông Mekong trong trạng thái tự nhiên và khi bị phá hủy.

Báo cáo của Trung tâm Stimson cho rằng, chính chính sách quản lý đập của Bắc Kinh đang gây ra những thay đổi thất thường và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ lưu. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi nước là tài nguyên có chủ quyền chứ không phải là tài nguyên chung, cần được chia sẻ một cách công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn. Theo Trung tâm Stimson, cách tiếp cận này ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia ở hạ nguồn.

“Trung Quốc coi dữ liệu về lưu lượng nước và hoạt động thủy điện là bí mật quốc gia. Sự thiếu minh bạch này cho phép Trung Quốc đưa ra luận điệu về việc phải chịu chung trình trạng hạn hán và đưa ra cơ sở chung để Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia hạ nguồn.

Các nhà nghiên cứu của Stimson thường nghe các bên liên quan của Trung Quốc lặp lại một quan điểm đáng lo ngại: không chia sẻ dù chỉ một giọt nước của Trung Quốc nếu Trung Quốc chưa sử dụng trước hoặc không khiến những quốc gia ở hạ nguồn phải trả giá. Đáng chú ý, Trung Quốc chưa ký kết các hiệp ước quốc tế cho phần lớn 40 con sông xuyên biên giới chảy qua lãnh thổ nước này”, báo cáo viết.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc tới một khả năng là Trung Quốc có thể dẫn nước từ sông Mekong chuyển vào các lưu vực khác dẫn ra bờ biển phía đông nước này và những hành động như vậy sẽ loại bỏ vĩnh viễn nguồn nước này khỏi sông, dù hiện tại không có bằng chứng nào về hoạt động này.

“Việc thiếu bằng chứng không có nghĩa là loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng nước sông Mekong cho mục đích khác. Cần tiến hành thêm nhiều các nghiên cứu, sử dụng các phương pháp khác như chỉ số độ ẩm và phân tích hình ảnh vệ tinh... để phân tích sâu hơn và có bức tranh đầy đủ về việc có hay không lượng nước đó được sử dụng ở đâu ngoài các hồ chứa”, ông Brian nói.

Giải pháp nào cho các nước ở hạ lưu?

Theo Stimson, nghiên cứu của Eyes on Earth cho thấy mức độ kiểm soát cao của Trung Quốc đối với dòng chảy tới các quốc gia ở hạ lưu. Nếu việc thu thập và trình bày dữ liệu này được thực hiện một cách thường xuyên và chia sẻ một cách công khai, nó có thể được sử dụng để phân tích và theo dõi tình trạng hạn hán sát với thời gian thực. Một công cụ như vậy sẽ có ích cho nhiều bên liên quan: các nhà hoạch định của chính phủ ở các quốc gia ở hạ lưu, các nhà quản lý các dự án thủy điện và quan trọng nhất là các cộng đồng ven sông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi đối với dòng nước do các con đập Trung Quốc gây ra.

Báo cáo của Stimson cho rằng, mặc dù không thể thay đổi sự tồn tại của những con đập ở thượng nguồn nhưng Trung Quốc có thể và nên thay đổi cách vận hành. Nghiên cứu này tạo cơ hội cho các quốc gia ở hạ nguồn và Ủy hội sông Mekong trao đổi với Trung Quốc về các cách thức quản lý nước một cách hiệu quả trong lưu vực sông Mekong.

Khi đã có dữ liệu rõ ràng về thời gian và địa điểm nước bị tích trữ hoặc xả ra, các cuộc thảo luận với Trung Quốc có thể dựa trên dữ liệu và phân tích dựa trên bằng chứng thay vì dựa trên những thông tin không chắc chắn và sự suy đoán.

Tại buổi trao đổi trực tuyến với chủ đề "Tác động của đập thủy điện Mekong và biến đổi khí hậu ở Hạ lưu vực sông Mekong" do Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) tại Cần Thơ tổ chức hồi cuối tháng 4 với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà khoa học quốc tế, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tác động của các con đập Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong là một trong những vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Tại hội thảo, các chuyên gia như Brian Eyler từ Trung tâm Stimson và giáo sư John Furlow, Phó giám đốc Viện xã hội và khí hậu quốc tế thuộc Đại học Columbia, cho rằng các đập thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu đang góp phần gây ra tình trạng sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nguồn nước khi an ninh lương thực và sinh kế của hơn 60 triệu người bị đe dọa bởi nước biển dâng, hạn hán, phát triển thủy điện, công nghiệp hóa và xâm nhập mặn”, nhà nghiên cứu James Borton, từ Mỹ, nói.


An Bình