1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cảnh báo quy mô tăng quân biên giới ồ ạt của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Lầu Năm Góc ước tính hiện diện quân sự của Nga ở biên giới giáp Ukraine còn lớn hơn thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Mỹ cảnh báo quy mô tăng quân biên giới ồ ạt của Nga - 1

Tàu hải quân Nga đi qua eo biển Bosphorus tiến vào Biển Đen ngày 17/4 (Ảnh: Reuters).

"Đây là lần triển khai quân đội lớn nhất từ năm 2014, dẫn đến việc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 19/4.

Cao ủy Đối ngoại EU Josep Borrell ngày 19/4 cho biết Nga đã điều động hơn 150.000 binh sĩ đến biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea. Nhà ngoại giao EU sau đó đính chính số binh sĩ Nga triển khai xuống hơn 100.000 người.

Ông Borrell khẳng định đây là đợt triển khai quân sự lớn nhất của Nga ở khu vực giáp biên giới Ukraine từ trước đến nay. 

"Tôi sẽ không nêu cụ thể số lượng hay đội hình binh sĩ mà Nga đã triển khai. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động này, vì đối với chúng tôi điều đó rất đáng quan ngại", ông Kirby nói thêm.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Mỹ "không tin" rằng việc Nga tăng cường hiện diện quân sự "có lợi cho an ninh và ổn định dọc biên giới với Ukraine" cũng như khu vực bán đảo Crimea.

"Chúng ta chắc chắn từng nghe Nga tuyên bố rằng đây chỉ là hoạt động huấn luyện. Nhưng rõ ràng, đó không phải là mục đích chính xác", ông Kirby nhấn mạnh.

Một binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và một người khác bị thương hôm 18/4 trong cuộc đụng độ với phe ly khai ở miền Đông Ukraine, nơi các cuộc giao tranh đã gia tăng trong bối cảnh căng thẳng gần đây bùng phát trở lại với Moscow.

Ukraine cáo buộc Nga hậu thuẫn phe ly khai tại miền Đông nước này, song Moscow đã lên tiếng bác bỏ. Nga tuyên bố "không đe dọa bất kỳ ai", đồng thời tố cáo "các hành động khiêu khích" của Ukraine.

Cuộc chiến ở Donbass đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người và khiến gần 1,5 triệu người phải sơ tán, kể từ khi bắt đầu nổ ra cách đây 7 năm sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.

Mỹ chỉ trích Nga phong tỏa một phần Biển Đen

Mỹ cảnh báo quy mô tăng quân biên giới ồ ạt của Nga - 2

Xe tăng Ukraine tập trận ngày 18/4 (Ảnh: AFP).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/4 thông báo cấm tàu quân sự và công vụ nước ngoài đi qua một số khu vực thuộc Biển Đen trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 24/4 và kết thúc ngày 31/10. Mỹ đã lên tiếng chỉ trích động thái này.

"Động thái này cho thấy sự leo thang vô cớ khác trong chiến dịch đang diễn ra của Moscow", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong thông báo ngày 19/4.

Lệnh hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng tới mũi phía tây của Crimea và bờ biển phía nam của bán đảo này, từ Sevastopol đến Hurzuf, cũng như khu vực ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky. 

Một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế đi lại của Nga là khu vực nằm gần eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov. Đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và thép từ Ukraine.

"Diễn biến này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh Nga tăng cường lực lượng ở Crimea và xung quanh khu vực biên giới với Ukraine ở mức chưa từng có kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014", ông Price cho biết.

Tình hình Biển Đen tiếp tục nóng lên trong thời gian qua. Nga đã đưa 17 tàu chiến tới khu vực này, bao gồm 15 tàu thực hiện nhiệm vụ tập trận ở khu vực, trong khi Moscow cáo buộc NATO triển khai khoảng 40.000 binh sĩ và 15.000 khí tài đến gần biên giới Nga, chủ yếu ở Biển Đen và khu vực Baltic.

Mỹ khuyến cáo các hãng hàng không đề phòng biên giới Nga - Ukraine

Video nghi Nga đưa thêm xe tăng áp sát biên giới Ukraine

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 19/4 kêu gọi các hãng hàng không cần "hết sức thận trọng" khi bay gần biên giới Ukraine - Nga, vì có thể gặp rủi ro đối với an toàn hàng không.

Trong thông báo gửi các hãng hàng không hôm 17/4, FAA nhấn mạnh "những căng thẳng leo thang ở khu vực giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến xung đột biên giới không báo trước, gia tăng hoạt động quân sự hoặc xung đột".

Từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, FAA đã cấm các hãng hàng không dân sự của Mỹ hoạt động ở khu vực biên giới Nga - Ukraine. Thông báo mới  của Mỹ cũng yêu cầu các hãng hàng không phải báo cáo trước ít nhất 72 giờ đồng hồ cho FAA nếu có chuyến bay vào vùng này.

FAA và các cơ quan quản lý hàng không khác đang lo ngại nguy cơ máy bay dân sự bị trúng hỏa lực từ vùng chiến sự vì bị nhận dạng nhầm.

Năm 2014, chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trong hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine bằng tên lửa. Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 2/3 là công dân Hà Lan.