1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đại sứ Nga lên tiếng về nguy cơ chiến tranh với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Anh đã lên tiếng về nguy cơ xảy ra xung đột trong bối cảnh căng thẳng leo thang gần đây giữa Moscow với nước láng giềng Ukraine.

Đại sứ Nga lên tiếng về nguy cơ chiến tranh với Ukraine - 1

Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin trả lời phỏng vấn BBC (Ảnh: Sputnik).

"Chúng tôi không có ý định gây hấn hoặc đe dọa bất kỳ quốc gia nào, kể cả Ukraine", Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Andrew Marr của đài BBC hôm 18/4.

Nhà báo của BBC đã đề cập tới những bình luận được cho là "đáng lo ngại" và mang tính "đe dọa" của Phó Chánh văn phòng Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Kozak, về tình hình Nga - Ukraine vào tuần trước. Theo quan chức Nga, ông đồng tình với nhận định của một số người ở Ukraine rằng "sự bắt đầu của các hành động thù địch cũng đánh dấu sự kết thúc của Ukraine".

Đại sứ Kelin đáp lại rằng, Moscow tuân thủ hoàn toàn cam kết của thỏa thuận hòa bình Minsk. Thỏa thuận này đã được cả Nga và Ukraine thống nhất nhằm mục đích chấm dứt xung đột và tìm giải pháp chính trị cho các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, cuộc xung đột cho đến nay vẫn kéo dài dai dẳng.

Xung đột tại miền đông Ukraine đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đẩy căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Ukraine cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai tại miền đông nước này trong cuộc đối đầu với quân đội chính phủ Ukraine, tuy nhiên Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

"Nếu chính quyền Ukraine quyết định chuyển quân đến Donbass và thực hiện một cuộc xung đột đẫm máu ở đó, để sát hại người dân, sát hại người Nga, đương nhiên chúng tôi sẽ đáp trả", Đại sứ Kelin cảnh báo.

Nga được cho là đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ và nhiều khí tài đến khu vực giáp biên giới Ukraine những ngày gần đây trong lúc chiến sự giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine leo thang. Tuy nhiên, Nga nói rằng hoạt động chuyển quân trong lãnh thổ nước này là việc bình thường, đồng thời khẳng định Moscow không có ý định can thiệp vào xung đột khu vực.

"Chúng tôi chuyển quân để nói với Ukraine rằng họ sẽ phải trả giá nếu quyết định tiến quân trên vùng lãnh thổ này và thực hiện một cuộc xung đột đẫm máu tại đó", Đại sứ Nga nói thêm.

Ông Kelin khẳng định lực lượng quân sự Nga tại biên giới với Ukraine là một "cuộc diễn tập quân sự bình thường".

Theo Đại sứ Kelin, tại miền đông Ukraine, có 60.000 quân Ukraine được triển khai và việc tăng cường hiện diện quân sự vẫn tiếp tục.

"NATO muốn tập hợp 30.000 quân ở biên giới Nga và Ukraine, đồng thời tập kết xe tăng, phương tiện quân sự. Chúng tôi cần chuẩn bị cho điều đó, và quân đội Nga đã chuẩn bị cho điều đó", Đại sứ Kelin nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu "chúng ta có đang tiến gần tới một cuộc chiến tranh tại biên giới" hay không, Đại sứ Nga trả lời thẳng: "Không, tôi không nghĩ vậy".

Mối quan hệ với Mỹ

Nhà báo Marr cũng hỏi Đại sứ Kelin về mối quan hệ của Moscow với Washington sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp lệnh trừng phạt mới đối với Nga - sau những phát ngôn gây tranh cãi gần đây của ông chủ Nhà Trắng đối với Tổng thống Putin.

Nhà ngoại giao Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng các cơ quan tình báo Nga đã dàn dựng một cuộc tấn công mạng nhằm vào công ty phần mềm SolarWinds của Mỹ, gây tổn hại đến các cơ quan chính phủ Mỹ bao gồm Bộ Quốc phòng.

Tổng thống Biden tuần trước đã ký sắc lệnh trừng phạt hơn 30 cá nhân và tổ chức Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và có liên quan đến vụ tấn công mạng SolarWinds hồi năm ngoái. Nga kịch liệt bác bỏ cả hai cáo buộc này.

Ngoài trục xuất 10 quan chức ngoại giao Nga, Mỹ cũng đưa một số công ty Nga vào "danh sách đen" và cấm các ngân hàng Mỹ mua trái phiếu từ Ngân hàng Trung ương Nga, Bộ Tài chính và quỹ tài sản quốc gia của nước này.

Đáp lại, Nga cũng trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời cấm 8 quan chức cấp cao khác của Mỹ nhập cảnh vào Nga vì góp phần vào hoạt động "chống Nga". Nga cũng chấm dứt hoạt động tại Nga của các quỹ và tổ chức phi chính phủ của Mỹ mà Moscow tin rằng can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.

Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Kelin cũng bác bỏ câu hỏi của BBC về lý do chính khách đối lập chống chính phủ Nga Alexei Navalny, người đã bắt đầu tuyệt thực, lại không được cho phép gặp bác sĩ riêng của mình để điều trị.

"Còn các tù nhân Anh thì sao? Các tù nhân Anh có yêu cầu bác sĩ riêng không?", Đại sứ Kelin hỏi, sau khi giải thích rằng ông Navalny đã được điều trị tại một bệnh viện gần nhà tù.

Vụ việc liên quan tới Alexei Navalny đã thổi bùng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây. Giới chức Đức nói rằng, ông Navalny nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại sân bay ở Nga hồi tháng 8/2020, song Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Cảnh sát Moscow đã bắt giữ Alexei Navalny tại sân bay thủ đô vào đêm 17/1 ngay sau khi ông từ Đức trở về.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm