1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách tiếp cận mới của Mỹ với tiến trình hòa bình Trung Đông

Với tuyên bố sẵn sàng đồng thuận giải pháp “một nhà nước” cho cuộc xung đột Israel - Palestine, nếu cả hai bên đều chấp nhận giải pháp này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược lập trường của cộng đồng quốc tế và chính quyền Mỹ tiền nhiệm.

Không chỉ riêng chính quyền đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ mà cả những nỗ lực quốc tế đều luôn coi giải pháp “hai nhà nước” là cốt lõi cho hòa bình Trung Đông.

Phát biểu sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 15-2 để bàn về triển vọng hòa bình Trung Đông, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ nỗ lực để mang lại hòa bình cho cả Israel và Palestine, song sẽ tùy thuộc vào các bên liên quan để đạt được một thỏa thuận hòa bình chung cuộc.

Theo đó, cả người Israel và Palestine - hai bên trong tiến trình hòa bình Trung Đông cần phải thỏa hiệp. Ông Trump cũng cho rằng, mặc dù giải pháp “hai nhà nước” là dễ dàng hơn nhưng nếu “Thủ tướng Netanyahu, người dân Palestine hài lòng, thì tôi cũng hài lòng với thỏa thuận mà họ cho là tốt nhất” (ám chỉ tới giải pháp “một nhà nước”).

Giới lãnh đạo Israel ngay lập tức ca ngợi tuyên bố trên như sự chấm dứt kỷ nguyên hai nhà nước, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh việc sáp nhập Bờ Tây. Bộ trưởng An ninh Nội địa Israel Gilad Erdan nhấn mạnh đây là một ngày trọng đại, mở ra một kỷ nguyên mới.

Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Netanyahu tại buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Netanyahu tại buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: Reuters.

Cách tiếp cận mới này của tân Tổng thống Mỹ bị xem là một sự thách thức đối với sức ép của cộng đồng quốc tế nhằm đạt giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay là thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo về việc từ bỏ giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel – Palestine, khẳng định không có giải pháp nào thay thế. Tổng Thư ký LHQ đồng thời nhấn mạnh cần phải làm tất cả những gì có thể để duy trì khả năng đạt giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột này.

Về phía Palestine, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat đã chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ, cho rằng, việc thay đổi lập trường về giải pháp “hai nhà nước” sẽ là một thảm họa đối với Palestine và Israel.

Tổng thư ký PLO cho biết PLO vẫn cam kết theo đuổi giải pháp hai nhà nước. Ông Saeb Erekat cảnh báo Israel rằng, nếu có một nhà nước duy nhất thì đó cũng không phải là nhà nước của người Do Thái. Theo ông, chỉ có một giải pháp thay thế đó là một nhà nước dân chủ đảm bảo quyền cho tất cả người Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định cam kết theo đuổi giải pháp hai nhà nước, luật pháp quốc tế và tính hợp pháp quốc tế nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và thành lập nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô. Bên cạnh đó, Palestine cũng sẵn sàng thỏa thuận tích cực với chính quyền của Tổng thống Trump nhằm đạt hòa bình tại Trung Đông.

Trước đó, phản ứng trước phát biểu của một quan chức cấp cao Nhà Trắng rằng, Mỹ không nhất thiết theo đuổi giải pháp một Nhà nước Palestine bên cạnh Israel và sẽ không gây sức ép để buộc Israel phải đàm phán với người Palestine, thành viên Ban chấp hành PLO Hanan Ashrawi đã lên án phát biểu này, khẳng định “đây không phải là một chính sách có trách nhiệm và không phục vụ sự nghiệp hòa bình”.

Sự thay đổi quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ đã làm hài lòng Thủ tướng Netanyahu và liên minh cánh hữu của ông, song khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên và Palestine thất vọng. Tuyên bố của ông Trump đã đi ngược lại quan điểm được chính quyền tiền nhiệm Mỹ cùng 70 quốc gia đồng thuận tại hội nghị Paris về Trung Đông hồi giữa tháng trước, theo đó mọi thỏa thuận về quy chế cuối cùng phải dựa trên sự trở lại các đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.

Không chỉ vậy, quan điểm của chính quyền mới tại Mỹ còn đi ngược lại lợi ích và mục tiêu của cộng đồng các nước Arab. Nó không chỉ là sự đảo ngược mà rất có thể còn là sự cáo chung của tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa hợp.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, chính quyền của Tổng thống Trump có thể đang thận trọng, “thăm dò” liệu các đồng minh Arab của Mỹ có thể hợp tác trong bất cứ chính sách ngoại giao tương lai nào về hòa bình Trung Đông hay không.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân