1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ cản hợp đồng Su-35: Sợ Iran thống trị Trung Đông

Truyền thông Trung Đông cho biết, Nga đã đề nghị bán cho Iran chiến đấu cơ Su-27SM3 hoặc MiG-35 nhưng Iran chỉ muốn mua Su-30SM hoặc Su-35.

Nga-Iran chuẩn bị ký hợp đồng mua sắm máy bay

Các tin đồn đang lưu hành trong giới truyền thông Trung Đông là Nga và Iran đang tới rất gần với một thỏa thuận mua sắm rất lớn trong lĩnh vực hàng không quân sự. Tuy nhiên, hai bên đang có những khúc mắc trong loại chiến đấu cơ mà Nga sẽ cung cấp cho Iran.

Trong khi Iran rất thèm khát chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga là Su-35S, thì Nga chỉ cam kết cung cấp phiên bản hiện đại hóa đời chót của Su-27SM3 và có thể là MiG-35S/UB được trang bị radar Zhuk-ME, trong khi không quân Iran muốn radar Zhuk-AE.

Theo những nguồn tin này, Nga đã bác bỏ yêu cầu của không quân Iran (IRIAF) mua 18 chiếc máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 và 8 máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM. Ngược lại, Moscow đã đề nghị Tehran mua một số lượng không xác định máy bay chiến đấu đa năng Su-27SM3.

Theo phóng viên đặc biệt của hãng Shephard Media là ông Babak Taghvaee, Nga không có bất cứ vấn đề gì trong việc cung cấp Su-27SM3 cho Iran ngay trong năm nay bất chấp các hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Nga phụ trách Công nghiệp Quốc phòng và Hàng không-Vũ trụ là ông Dmitry Rogozin đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan và thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai nước.

Theo một nguồn tin trong văn phòng của Rogozin, hai bên đã thảo luận về các nguồn cung cấp vũ khí và tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự và và công nghệ hàng không giữa lúc Mỹ đang tiếp tục ban hành thêm các lệnh trừng phạt đối với cả hai nước này.

Theo nguồn tin này, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng đã đưa ra đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan là nước này có thể bán cho Iran chiến đấu cơ thế hệ 4++ là MiG-35 MMRCA, nhưng IRIAF đã tỏ ý không quan tâm đến loại máy bay này.


Nga có thể bán S-300 nhưng khó có thể cung cấp chiến đấu cơ cho Iran

Nga có thể bán S-300 nhưng khó có thể cung cấp chiến đấu cơ cho Iran

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên những thông tin kiểu như này được công bố. Hồi cuối tháng 3/2016, đại diện Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật thông báo rằng, hợp đồng về việc Iran mua các chiến đấu cơ đa năng Su-30SM sẽ được ký kết trong năm 2016.

Trước đó, thông tin Tehran hỏi mua và đề xuất Nga chuyển giao công nghệ để sản xuất tới vài trăm chiếc Su-30SM được công bố sau chuyến viếng thăm và làm việc tại Moscow từ ngày 15 đến 16/2/2016 của Bộ trưởng Quốc phòng Iran là tướng Hossein Dehran.

Tướng Hossein Dehran đã tới Moscow, với mục đích chính là nhờ Nga giúp đỡ để hiện đại hóa và nâng cao tiềm lực không quân, mà trọng tâm là việc mua một số lượng lớn máy bay chiến đấu đa chức năng hiện đại của Nga là Su-30SM.

Đồng thời, Tehran muốn đàm phán với Nga về việc tham gia vào quy trình sản xuất máy bay. Nước này đã đề xuất với Moscow việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất Su-30SM ở Iran. Thông tin này đã được đích thân Bộ trưởng Dehran xác nhận.

Nếu hai nước ký kết thỏa thuận theo hướng này, Iran sẽ hoàn toàn tự chủ về sản xuất, lắp ráp, và sẽ chế tạo hàng trăm chiến đấu cơ dòng Su-30SM, theo kiểu Ấn Độ sản xuất Su-30MKI để làm nòng cốt cho lực lượng không quân, biến không quân nước này thành thế lực lớn ở Trung Đông.

Khi đó, sẽ không có đồng minh nào của Mỹ ở Trung Đông, kể cả Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - những nước có thực lực không quân mạnh nhất - có thể xứng đáng là đối trọng của Tehran.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khác, câu chuyện của Babak Taghvaee là vấn đề. Việc Nga cam kết cung cấp bất cứ loại máy bay chiến đấu nào cho Iran là vấn đề rất khó khăn.

Vấn đề đầu tiên là Nga không sản xuất máy bay chiến đấu đa năng Su-27SM3 mới mà các nhà máy của Sukhoi chỉ hiện đại hóa các phiên bản Su-27 cũ lên chuẩn cao hơn, mà Iran không hề muốn mua một chiếc chiến đấu cơ thế hệ cũ, không còn khả năng nâng cấp thuộc dòng Su-27.

Vấn đề thứ hai là Nga không thể phớt lờ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Nga không được phép chuyển giao các công nghệ nhạy cảm trong sản xuất máy bay Su-30SM và Su-27SM3, cũng như một số loại vũ khí khác.

Việc Moscow cung cấp các lô hàng thiết bị quân sự mang tính chất tấn công cho Tehran là hành động bị cấm, bởi chúng không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, căn cứ theo nội dung của nghị quyết số 1929, ban hành vào tháng 6-2010.

Tháng 6-2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành nghị quyết số 1929 về trừng phạt Iran trong lĩnh vực hạt nhân. Nghị quyết này đã cấm các nước bán cho Iran các loại vũ khí mang tính chất tấn công.

Trong số hàng loạt biện pháp cấm vận vũ khí đề ra để chống Iran, nghiêm khắc hơn cả là cấm xuất khẩu tới Tehran các chiến đấu cơ, xe tăng và các loại xe quân sự bọc thép, pháo cỡ nòng lớn, trực thăng tấn công và tên lửa, cùng các hệ thống phóng tên lửa.

Tuy nghiêm khắc nhưng Nghị quyết 1929 không cấm Iran được mua các loại vũ khí mang tính chất phòng thủ như các hệ thống tên lửa phòng không (ngoại trừ các tổ hợp tên lửa vác vai), thiết bị radar, phương tiện trinh sát, thông tin liên lạc, quản lý và thiết bị chống định vị vô tuyến.


Không quân Iran sẽ trở thành thế lực đáng gờm nếu mua được chiến đấu cơ dòng Su-30 và Su-35 của Nga

Không quân Iran sẽ trở thành thế lực đáng gờm nếu mua được chiến đấu cơ dòng Su-30 và Su-35 của Nga

Sau khi nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Iran vào tháng 4-2015, ngay sau đó, Tổng thống Nga Putin đã ký quyết định khôi phục lại tính hợp pháp của hợp đồng S-300, nhưng đối với hợp đồng mua sắm Su-30SM trong tương lai thì lại khác.

Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran, được chính thức ký kết tại Vienna ngày 15-7-2015, đã quyết định không tháo gỡ ngay tức thì các biện pháp cấm vận cung cấp vũ khí trong gói trừng phạt chống Iran, Tehran vẫn bị cấm vận vũ khí đến hết năm 2020.

Theo nội dung thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), nước này vẫn bị Liên Hợp Quốc cấm vận vũ khí đến hết năm 2020.

Tuy Tehran và Moscow kiên trì đề nghị dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm vận vũ khí này, nhưng các nước ủy viên phương Tây cương quyết không đồng ý.

Do đó, vào thời điểm này, mặc dù phương Tây đã nối lại một phần quan hệ ngoại giao, kinh tế với Iran nhưng hợp đồng mua sắm vũ khí mang tính chất tấn công như máy bay Su-30SM vẫn thuộc danh mục bị cấm.

Mỹ không bao giờ muốn quan hệ Moscow và Tehran ngày càng trở nên khăng khít, đồng thời cũng không cho phép Iran sở hữu loại máy bay tiên tiến nào của Nga để trở thành một thế lực thống trị Trung Đông. Do đó, kể cả đây chỉ là hợp đồng Su-27SM3 thì Washington cũng sẽ kiến nghị Liên Hiệp Quốc chặn hợp đồng của Moscow và Tehran.

Theo Thiên Nam

Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm