Át chủ bài của Nga giúp Su-35 đánh bại F-22, F-35 Mỹ
Nga đã sử dụng các biện pháp phụ trợ để giúp Su-35 có khả năng phát hiện và tiêu diệt chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ từ xa.
Su-35 Nga lần đầu chạm trán F-22 Mỹ ở Alaska
Theo trang mạng War is Boring, vào đêm 3/5 vừa qua, một số máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS Bear-H của Nga, được hộ tống bởi hai máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 Flanker-E đã bay thẳng vào Khu nhận dạng phòng không của Mỹ ở Alaska.
Sự áp sát của máy bay Nga khiến lực lượng không quân Mỹ đã ngay lập tức tung 2 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptors bay lên, ngăn chặn đội hình máy bay Nga khi chúng áp sát không phận Mỹ, chỉ cách Chariot, bang Alaska khoảng 50 dặm về phía nam.
Sự kiện hôm 3/5 có thể coi là lần đầu tiên hai loại máy bay đẳng cấp của hai cường quốc quân sự có cơ hội đụng độ nhau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ video hay hình ảnh nào về cuộc chạm trán trên không này giữa F-22 của Mỹ và Su-35 của Nga...
Theo giới chức lãnh đạo Quân đội Mỹ, thông qua hành động này, Nga muốn phô diễn khả năng triển khai một cuộc tấn công tầm xa phức tạp và khả năng tác chiến trên không siêu cơ động của tiêm kích Su-35, trong nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom trong các chiến dịch.
Từ trước đến nay, Mỹ vẫn tuyên bố rằng, F-22 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng và có tính năng vượt trội tất cả các loại chiến đấu cơ khác trên thế giới. Khả năng chiến đấu tới hạn của chúng đến đâu, cho đến nay vẫn là điều bí mật.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và giới chức lãnh đạo không quân Nga cho rằng, chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 hoàn toàn có thể đánh bại F-22 của Mỹ trong các cuộc đối đầu trên không, bất chấp việc loại tiêm kích hiện đại nhất của Nga kém hơn nửa thế hệ.
Giới chuyên gia cho rằng, Su-35 là chiến đấu cơ đa năng, có khả năng tác chiến toàn diện: Đối không, đối hải, đối đất, nhưng điểm mạnh nhất làm nên thương hiệu của chúng là tính năng “siêu cơ động” và khả năng không chiến vượt trội. Đây là lợi thế lớn nhất của chúng trong đối đầu với máy bay Mỹ.
Ngoài ra, loại máy Nga này còn được trang bị nhiều loại tên lửa không đối không tầm xa, làm chúng không hề lép vế trước F-22 Mỹ trong các cuộc đấu tay đôi trên không.
Tuy nhiên, Su-35 được cho là kém xa loại máy bay Mỹ về tính năng tàng hình, mặc dù giới chức lãnh đạo quân đội Nga cho biết, Flanker-E cũng được trang bị một phần tính năng tàng hình với thiết kế khí động học tối ưu. Do đó, đây là lợi thế lớn nhất của máy bay Mỹ.
Nga sử dụng AWACS Beriev A-50 Mainstay để hỗ trợ Su-35
Để bù lấp cho tính năng tàng hình, loại máy bay tiêm kích Nga được trang bị radar thụ động Irbis-E và hệ thống tìm kiếm và bắt bám mục tiêu tầm xa, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình cỡ như F-22 và F-35 ở khoảng cách hơn 50 dặm.
Tuy nhiên, điều này được cho là chưa đủ để Su-35 có thể đánh bại F-22, bởi nếu loại máy bay Mỹ phát hiện Su-35 trước thì chúng có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm xa để tiêu diệt máy bay Nga. Do đó, Nga cần phải sử dụng các biện pháp bổ trợ để giúp Su-35 giành thắng lợi.
Trong cuộc chạm trán ở Alaska vừa qua, rõ ràng là Su-35 đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS. Tuy nhiên, sự xuất hiện của máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không AWACS Beriev A-50 Mainstay mới là điều đáng bàn luận.
Sự hiện diện của A-50 trong vai trò hộ tống trên không là vô nghĩa bởi nó không được trang bị các vũ khí chiến đấu nhưng vai trò trinh sát, phát hiện và chỉ huy trên không của nó lại là yếu tố then chốt khiến các chiến đấu cơ bình thường của Nga có thể đánh bại tiêm kích tàng hình Mỹ.
Theo Was Is Boring, chiếc AWACS này đã bay ở phía sau biên đội máy bay Su-35 và Tu-95MS với mục đích cụ thể, đó là hỗ trợ khả năng trinh sát, phát hiện từ xa các mối nguy hiểm trên không và chỉ huy lực lượng máy bay Su-35 triển khai đánh chặn chúng.
Với các hệ thống radar và thiết bị cảnh báo sớm, A-50 có thể phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách xa và cũng có thể dò tìm tần số các loại radar, trang bị thông tin liên lạc và các nguồn phát xạ sóng vô tuyến khác. Đặc biệt là F-22 của Mỹ thường sử dụng thùng nhiên liệu bên ngoài và ống kính Lunenburg nếu phải phản ứng nhanh.
Khả năng thu thập thông tin đa dạng, khai thác mọi sơ hở của đối phương của A-50 đồng nghĩa với việc F-22 chắc chắn sẽ bị radar Vega Shmel-M của A-50 phát hiện ở khoảng cách hàng trăm km và truyền dẫn số liệu chỉ thị mục tiêu cho Su-35 đánh chặn.
Điều này có nghĩa là cho dù Su-35 không thể trực tiếp nhận diện F-22 từ khoảng cách xa, nhưng máy bay trinh sát A-50 Nga có thể thu thập dữ liệu từ radar của F-22 và quan sát được các chiến thuật hoạt động của loại máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng của Mỹ.
Đây sẽ là điều quan trọng giúp Nga nắm được các điểm yếu của F-22 và F-35; cải tiến các radar trên máy bay chiến đấu hoặc trực tiếp sử dụng A-50 hỗ trợ các tốp máy bay đối phó hữu hiệu với máy bay chiến đấu tàng hình như F-22 và F-35 của Mỹ, trong khi chờ đợi loại máy bay đồng hạng FAK FA Sukhoi T-50 của mình được đưa vào biên chế.
Theo Huy Bình
Đất Việt