1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ bùng nổ tranh cãi việc tịch thu tài sản Nga để giúp Ukraine tái thiết

Thanh Thành

(Dân trí) - Hệ quả khủng khiếp do xung đột kéo dài ở Ukraine đã khiến các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới kêu gọi tịch thu hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga và chuyển tiền cho Ukraine để giúp nước này tái thiết.

Mỹ bùng nổ tranh cãi việc tịch thu tài sản Nga để giúp Ukraine tái thiết - 1

Các phương tiện bị phá hủy tại thị trấn Bucha, vùng Kiev ngày 1/4 (Ảnh: Reuters).

Giữa lúc một số nước kêu gọi tịch thu hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối đang bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine, nỗ lực này vấp phải sự phản đối mạnh từ Mỹ vì mối lo ngại mất tín nhiệm. 

Các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo, việc chuyển hướng các quỹ đó có thể là bất hợp pháp và không khuyến khích các quốc gia khác dựa vào Mỹ như một thiên đường đầu tư.

Chi phí để tái thiết Ukraine được cho là sẽ rất lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ước tính có thể tốn 600 tỷ USD để tái thiết đất nước của ông sau nhiều tháng giao tranh bằng pháo, tên lửa và xe tăng. Điều này có nghĩa là dù bị tịch thu toàn bộ, tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài cũng chỉ đủ trả một nửa chi phí tái thiết.

Trong một tuyên bố chung vào tuần trước, các bộ trưởng tài chính từ Estonia, Latvia, Lithuania và Slovakia đã thúc giục Liên minh châu Âu (EU) tìm cách tài trợ cho việc xây dựng lại các thành phố và thị trấn ở Ukraine, trong đó có việc tịch thu tài sản Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng.

Vấn đề tịch thu tài sản Nga cũng là chủ đề trung tâm trong lúc quan chức kinh tế hàng đầu của các nước G7 nhóm họp hồi tháng 5. Trong số các nước G7, ý tưởng này đã thu hút được sự ủng hộ từ Đức và Canada.

Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia đi đầu trong nỗ lực trừng phạt Nga - lại thận trọng hơn rất nhiều. Nội bộ chính quyền Biden đang tranh luận liệu có nên tham gia tịch thu tài sản Nga hay không. Chỉ một phần nhỏ dự trữ ngoại hối của Nga được để ở Mỹ, phần nhiều được gửi tại châu Âu, bao gồm tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tại Thụy Sĩ.

Trong nội bộ, chính quyền của ông Biden đang tranh luận về việc có nên tham gia nỗ lực tịch thu tài sản, bao gồm USD và EUR mà Moscow đã gửi trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hay không.

Chỉ một phần nhỏ của quỹ được giữ ở Mỹ, phần lớn trong số đó được gửi ở Châu Âu, bao gồm cả tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ở Thụy Sĩ.

Nga hy vọng có thể củng cố nền kinh tế trước những đòn trừng phạt bằng cách để khoản dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD tại Ngân hàng Trung ương. Nhưng Moscow đã sai lầm khi chuyển nửa số tiền ấy ra khỏi đất nước.

Các quan chức Nga đã rất ngạc nhiên với tốc độ mà các tài khoản bị đóng băng, một phản ứng rất khác với thời điểm nước này phải đối mặt sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Các khoản tiền đó đã bị đóng băng trong 3 tháng qua, khiến chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin không thể rút tiền hoặc chi tiêu cho quân sự. Tuy nhiên, việc đóng băng là một chuyện, tịch thu hoặc chiếm quyền sở hữu số tiền ấy lại là vấn đề khác.

Sẽ vi phạm pháp luật Mỹ?

Mỹ bùng nổ tranh cãi việc tịch thu tài sản Nga để giúp Ukraine tái thiết - 2

Ukraine đã bị tàn phá vì chiến tranh và sẽ cần rất nhiều tiền để tái thiết (Ảnh: Reuters).

Tại một hội thảo ở Đức trong tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dường như đã khép lại khả năng Mỹ tịch thu và tái phân bổ tài sản của Nga.

Bà Yellen, một cựu giám đốc ngân hàng trung ương, người ban đầu dè dặt về việc cố định tài sản, nói rằng dù khái niệm này đang được nghiên cứu nhưng bà cho rằng hành động tịch thu sẽ vi phạm pháp luật Mỹ.

"Tôi nghĩ rằng do bị tàn phá ở mức quy mô lớn, Ukraine sẽ phải đối mặt chi phí tái thiết khổng lồ, chúng tôi sẽ tìm đến Nga để giúp trả ít nhất một phần cái giá sẽ liên quan", bà nói. "Nhưng đó không phải là thứ được pháp luật cho phép ở Mỹ".

Nhưng nội bộ chính quyền ông Biden đang do dự vì không muốn "có bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về lệnh trừng phạt". Vì thế, Mỹ muốn tìm tiếng nói chung và cũng đang phân tích xem liệu việc này có tác động tiêu cực tới uy tín của Mỹ, quốc gia được xem là nơi giữ tài sản an toàn nhất thế giới, hay không.

Ngoài những trở ngại pháp lý, bà Yellen và những người khác còn lo ngại nếu Nga và Ukraine bắt đầu đàm phán, phương Tây sẽ không thể giảm cường độ lệnh trừng phạt đối với Moscow một khi nguồn dự trữ đã cạn kiệt khỏi các tài khoản ở nước ngoài. Để giải thích rõ hơn cho phát ngôn của Bộ trưởng Yellen, một người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ nhắc đến Luật Thẩm quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA).

Trong khi đó, các học giả pháp lý của Mỹ không thống nhất về cách diễn giải đạo luật như trên.

Ông Laurence Tribe, giáo sư luật danh dự của Đại học Harvard, lập luận rằng IEEPA trao cho tổng thống nhiều quyền hơn trong việc quyết định liệu một mối đe dọa nước ngoài nào đó có là căn cứ để tịch thu tài sản hay không.

"Nếu Bộ trưởng Yellen cho rằng điều này là bất hợp pháp, tôi nghĩ rằng bà ấy hoàn toàn sai. Có thể là họ đang nhầm lẫn các câu hỏi pháp lý với các lo ngại về chính sách của họ", ông nói thêm.

Ông Tribe cũng chỉ ra việc gần đây, Mỹ từng tịch thu và tái phân bổ tài sản từ Afghanistan, Iran và Venezuela. Ông cho rằng, những tiền lệ này cho thấy tài sản của Nga không có sự bảo vệ đặc biệt.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm