1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Gọng kìm" mới của Mỹ đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đưa ra sáng kiến mới mang tên "Aukus", ngoài các liên minh như "Bộ Tứ", trong nỗ lực đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Gọng kìm mới của Mỹ đối phó Trung Quốc - 1

Lãnh đạo 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ họp trực tuyến hồi tháng 3 nhằm bàn bạc về chiến lược của nhóm "Bộ Tứ" (Ảnh: AFP). 

Mỹ, Anh và Australia ngày 15/9 đã công bố thỏa thuận "Aukus", một liên minh an ninh "lịch sử" để tăng cường năng lực quân sự ở Thái Bình Dương, cho phép họ chia sẻ các công nghệ quốc phòng tiên tiến và cung cấp cho Australia công nghệ tàu ngầm hạt nhân. Sáng kiến này sẽ mở rộng nỗ lực hợp tác quân sự của Washington, bất chấp nguy cơ khiến Trung Quốc tức giận.

Theo quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, để bắt đầu quan hệ đối tác an ninh "Aukus", các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật từ 3 nước sẽ làm việc cùng nhau trong 18 tháng tới để cung cấp cho Australia công nghệ hạt nhân, cho phép nước này triển khai tàu ngầm "để cải thiện năng lực răn đe trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

"Chúng tôi thực hiện nỗ lực này như một phần của một loạt các bước đi lớn hơn, bao gồm quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ hơn với các đối tác an ninh truyền thống của chúng tôi ở châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, đồng thời cam kết mạnh mẽ hơn với các đối tác mới như Ấn Độ và các tổ chức mới như Bộ Tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia)", quan chức Mỹ nhấn mạnh.

"Đây là một thông báo lịch sử. Nó phản ánh quyết tâm của chính quyền Biden trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", quan chức Mỹ khẳng định thêm.

Ngoài ra, Mỹ, Anh và Australia cũng hợp tác trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo, toán lượng tử và năng lực tàu ngầm vào các hoạt động quân sự của họ.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Scott Morrison và nhà lãnh đạo Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden cho biết sáng kiến Aukus là cần thiết để đảm bảo Mỹ và các đồng minh có "những năng lực hiện đại nhất mà chúng tôi cần để chống lại các mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng".

Thủ tướng Australia cho biết, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được đóng ở Adelaide với sự "hợp tác chặt chẽ" của Anh và Mỹ. Ông Johnson gọi kế hoạch phát triển tàu ngầm là "một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới", vì "chỉ một số ít quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân".

Mặc dù cả 3 nhà lãnh đạo ca ngợi sáng kiến Aukus như một nỗ lực nhằm mang lại "sự ổn định" cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng không ai đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu việc thành lập Aukus có nhằm chống lại việc tăng cường quân sự của Trung Quốc hay không, quan chức Mỹ cho biết sáng kiến này "không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào", đồng thời nói thêm rằng sáng kiến "nhằm thúc đẩy các lợi ích chiến lược của chúng tôi, duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden không đề cập cụ thể đến sáng kiến Aukus khi ông trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ đã "nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ trong việc đóng một vai trò mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Khi được hỏi về liên minh an ninh mới của Mỹ, Anh và Australia, Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, nói rằng các nước "không nên xây dựng các khối liên minh để nhắm mục tiêu hoặc làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba".

"Đặc biệt, họ nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ", ông Liu nói.

Hợp tác đồng minh của Mỹ

Gọng kìm mới của Mỹ đối phó Trung Quốc - 2

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại cuộc họp thông báo thành lập sáng kiến Aukus cùng Anh và Australia (Ảnh: EPA).

Theo Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về chính sách an ninh và quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford, mặc dù Bắc Kinh có thể tìm cách giảm bớt vai trò của thỏa thuận mới bằng cách gọi Aukus là một động thái "ý thức hệ lỗi thời", nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của sáng kiến mới này.

"Không chỉ đối với nội dung của thỏa thuận, mà nó cho thấy sự đổi mới trong cách các đồng minh và đối tác của Mỹ đang nghĩ đến việc hợp tác cùng nhau. Nó còn mang ý nghĩa quan trọng hơn cả các cuộc tập trận thường kỳ hay phô diễn sức mạnh không quân", bà Mastro nhận định.

Thông tin về sáng kiến Aukus được đưa ra khi quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận trên không gần Đài Loan và ở Biển Đông.

Theo Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh khó có thể tin vào lời khẳng định của chính quyền Biden rằng, Aukus không phải là một động thái phản ứng trước việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

"Bắc Kinh sẽ coi đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng các liên minh đẩy lùi Trung Quốc, và họ không sai. Trung Quốc cần phải nhận ra rằng động thái này sẽ thu hút thêm nhiều quốc gia dân chủ tham gia hợp tác theo cách mới, để bảo vệ các lợi ích của họ", bà Glaser nhận định.

Charles Edel, chuyên gia về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi tuyên bố về sáng kiến Aukus là ví dụ mới nhất cho thấy chính quyền Biden sẽ không đi theo cách tiếp cận "đơn thương độc mã", vốn được xem là đặc trưng trong chính sách với Trung Quốc của chính quyền Donald Trump. Đây cũng là "một tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đóng góp trách nhiệm nhiều hơn cho các đồng minh so với trước đây".

"Ván cược được đặt ra ở đây rất rõ ràng, để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, cần thêm nhiều đồng minh có năng lực hơn, và điều đó sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe lớn hơn đối với Trung Quốc", chuyên gia Edel nhận định.

Trong cuộc họp báo hôm 15/9, Thủ tướng Australia nhấn mạnh các tàu ngầm mới của nước này sẽ chỉ có động cơ hạt nhân, thay vì mang vũ khí hạt nhân. Nhưng theo chuyên gia Eden, chỉ riêng động cơ hạt nhân cũng đã đủ để tạo nên những lợi thế chiến thuật đáng kể khi đối phó với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài tải trọng tăng lên, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có sức bền cao hơn và có thể ở trong vùng nước sâu trong thời gian dài hơn. Ông Eden cho rằng khi lặn sâu, tàu ngầm hạt nhân ít bị phát hiện hơn và đó cũng là một sự răn đe.

Các sáng kiến của Tổng thống Biden

Gọng kìm mới của Mỹ đối phó Trung Quốc - 3

Tàu USS John S. McCain của Hải quân Mỹ và tàu HMAS Ballarat của Hải quân Australia di chuyển cùng nhau tại Biển Đông hồi tháng 10/2020 (Ảnh: Hải quân Australia).

Các sáng kiến địa chính trị khác của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức, bao gồm nỗ lực của ông nhằm củng cố mối quan hệ với NATO và G7 cũng như việc định hình Bộ Tứ, đều nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo quan chức Mỹ, cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới của Tổng thống Biden, Thủ tướng Morrison cùng các nhà lãnh đạo khác trong nhóm Bộ Tứ tại Nhà Trắng và sự hiện diện của tàu sân bay Anh ở Biển Đông trong những tháng gần đây cho thấy liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ngày càng vững chắc.

Báo Nikkei (Nhật Bản) đánh giá Aukus là "người anh em" của Bộ Tứ - vốn được xem là liên minh để đối trọng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một khía cạnh đáng chú ý của Aukus là Mỹ đưa Anh can dự sâu hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Thay vì mời Anh tham gia Bộ Tứ, chính quyền Biden chọn thành lập một nhóm mới linh hoạt hơn để mở rộng hợp tác quốc phòng bằng cách loại trừ Nhật Bản, quốc gia có những hạn chế trong hiến pháp, và Ấn Độ,  quốc gia có chính sách tự chủ chiến lược.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm