1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ âm thầm tập trung cho các hạm đội tàu ngầm giữa lúc Biển Đông căng thẳng

(Dân trí) - Những quan ngại về an ninh tại Biển Đông thường tập trung vào các tàu thuyền đi qua khu vực này, bao gồm cả các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải do Hải quân Mỹ tiến hành và những hành động của Trung Quốc mới đây nhằm thực hiện tham vọng bành trướng ở vùng biển này. Tuy nhiên, có một nhân tố về an ninh hàng hải khác ít thu hút sự chú ý hơn. Đó là tàu ngầm.


Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Đô đốc Scott Swift, quan chức cấp cao của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn đã thừa nhận rằng, tàu ngầm là "tài sản giá trị cực kỳ quan trọng" đối với ông. Các hệ thống tên lửa đất đối không và các loại vũ khí khác trong khu vực được triển khai để phục vụ chiến lược được gọi là các khu vực chống tiếp cận (A2AD), đây là chiến lược nhằm cản trở khả năng di chuyển của đối thủ ở trên biển, song theo Đô đốc Swift, tàu ngầm không bị ảnh hưởng bởi chiến lược này như tàu chiến hay máy bay vì chúng hoạt động dưới mặt biển.

"Tàu ngầm giúp chúng tôi có thêm khả năng tiếp cận các khu vực mà nếu đó là các đơn vị trên mặt biển hay trên không, sẽ gây ra nhiều tranh cãi", Đô đốc Swift nhận xét.

Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Úc đều đang tìm cách nâng cấp các hạm đội tàu ngầm để phục vụ các hoạt động trong thời gian tới. Đô đốc Swift cho biết điều này cho thấy những lo lắng hiện nay ở khu vực. Ông nói: "Rõ ràng, các hoạt động của tàu ngầm thu hút sự quan tâm của các nước ở Biển Đông song chúng tôi nhận thấy vấn đề này cũng xuất hiện tại Biển Hoa Đông và những nơi khác".

Lầu Năm Góc dự kiến chi khoảng 97 tỷ USD trong những năm tới dành riêng cho chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio. Theo đó, Mỹ sẽ loại bỏ dần 14 tàu ngầm trang bị tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bằng thế hệ tàu ngầm mới, gồm khoảng 12 chiếc trở lên. Ngoài ra, Mỹ cũng đang đầu tư cho thế hệ tàu ngầm tấn công mới có tên gọi là tàu ngầm lớp Virginia từ năm 1998, thay thế dần cho thế hệ tàu ngầm tấn công cũ là lớp Los Angeles và Seawolf, trong khi cũng đang nghiên cứu cách mở rộng hoạt động với loại tàu ngầm không người lái.

Tuần trước, phát biểu trong một hội nghị do Hội đồng An ninh Đối ngoại tổ chức ở thành phố New York, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter cho hay: "Chúng tôi đang đầu tư hơn 8 tỷ USD trong năm tới để bảo đảm Mỹ có lực lượng tàu ngầm hiện đại và mạnh mẽ nhất trên thế giới. Kế hoạch này bao gồm tàu ngầm không người lái với nhiều kích cỡ và khả năng tác chiến ở khu vực nước nông, nơi tàu ngầm có người lái không thể hoạt động".

Nhiều chuyên gia phân tích an ninh quốc gia cho rằng một phần trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc là sử dụng Biển Đông như một căn cứ chiến lược cho các hạm đội tàu ngầm của nước này. Đây là vùng biển có những khu vực có địa hình lý tưởng để che giấu hoạt động của các loại tàu ngầm.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm lớp Jin chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị tên lửa đạn đạo, đánh dấu lần đầu tiên một tàu ngầm của Trung Quốc mang tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lần đầu tiên triển khai các tàu ngầm tấn công tới Ấn Độ Dương hồi năm 2014. Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về các hoạt động quân sự của Trung Quốc hồi năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố hoạt động của các tàu ngầm nước này nhằm phục vụ cho những chiến dịch chống cướp biển song có ý kiến cho rằng đây là hoạt động nhằm tăng cường khả năng hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc, cũng như cho thấy một thế lực mới nổi trong khu vực.

Trung tướng Thủy quân lục chiến Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ, hồi tháng trước đã dự đoán rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục triển khai khí tài tới Biển Đông.

Ông Stewart cho rằng quan điểm phản đối các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông của Trung Quốc cho thấy "Bắc Kinh nhận thấy cần phải tăng cường phòng vệ cho các tiền đồn ngoài vùng biển này và chuẩn bị sẵn sàng đáp trả bất cứ hoạt động quân sự nào gần những khu vực mà nước này chiếm giữ".

Kể từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã hai lần tiến hành các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ đang cân nhắc các hoạt động hợp pháp dựa trên quyền được tự do đi lại của tàu thuyền ở vùng biển quốc tế và được luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Biển của Liên hợp quốc, quy định rõ ràng.

Ngọc Anh

Theo Washington Post