1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mưu đồ của Trung Quốc khi ngang nhiên đưa hàng trăm tàu tới Đá Ba Đầu

Thành Đạt

(Dân trí) - Theo chuyên gia Mỹ Greg Poling, bằng việc triển khai trái phép hàng trăm tàu tới các vùng biển không phải của mình, Trung Quốc âm mưu đẩy dần các nước khác ra khỏi khu vực.

Mưu đồ của Trung Quốc khi ngang nhiên đưa hàng trăm tàu tới Đá Ba Đầu - 1

Các tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu ngày 27/3 (Ảnh: MAXAR).

Theo New York Times, các tàu Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông như những "vị khách" không mời mà đến, và cũng không chịu rời đi.

Từng ngày trôi qua, các tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Bắc Kinh bao biện rằng đó chỉ là các tàu cá, mặc dù chúng có vẻ như không đánh bắt cá.

Trung Quốc ngang nhiên nói rằng các tàu của nước này tập trung lại để tìm nơi trú ẩn và tránh bão, dù trên thực tế không có cơn bão nào.

Trước đây, Trung Quốc ngang nhiên khẳng định yêu sách phi pháp của nước này ở Biển Đông bằng việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo. Còn bây giờ, toan tính của Bắc Kinh là củng cố các thực thể mà nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông bằng việc triển khai hàng loạt tàu tới vùng biển này, thách thức các quốc gia khác trong việc xua đuổi các tàu này.

Theo New York Times, Trung Quốc muốn dùng sự hiện diện áp đảo trên Biển Đông để đạt được mưu đồ mà Bắc Kinh chưa làm được thông qua hoạt động ngoại giao hoặc luật pháp quốc tế.

"Bắc Kinh rõ ràng cho rằng nếu họ sử dụng đủ sự cưỡng ép và sức ép trong một thời gian đủ dài, họ sẽ "bóp nghẹt" Đông Nam Á. Thật mưu mô", Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế chuyên theo dõi tình hình Biển Đông, nhận định.

Những hành động của Trung Quốc cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của nước này, đồng thời là phép thử cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các nước láng giềng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vụ việc mới được phát hiện trong những tuần gần đây liên quan tới Đá Ba Đầu. Philippines ngày 20/3 cho biết hơn 200 tàu Trung Quốc đã bị phát hiện neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu. Đây là rạn san hô nằm tại cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Theo những hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ Maxar có trụ sở tại Colorado (Mỹ) cung cấp, trong tuần qua, một số tàu Trung Quốc đã rời đi, nhưng vẫn còn nhiều tàu ở lại Đá Ba Đầu. Một số tàu di chuyển sang một đá khác nằm cách đó vài km, trong khi một nhóm gồm 45 tàu Trung Quốc tiếp tục được nhìn thấy xuất hiện gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo chuyên gia Poling, các hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện thường xuyên của tàu Trung Quốc, dù với quy mô nhỏ hơn, tại Đá Ba Đầu trong suốt một năm qua.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines nói rằng 254 tàu Trung Quốc ở Biển Đông không phải là tàu cá như Bắc Kinh tuyên bố, mà là một phần của lực lượng dân quân biển. Tàu dân quân biển với "vỏ bọc" là tàu dân sự đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong chiến lược hàng hải mới của Trung Quốc. Nhiều tàu thuyền trong số này, dù không được trang bị vũ khí, nhưng được điều hành bởi quân dự bị hoặc lực lượng thực hiện mệnh lệnh của Cảnh sát biển và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

"Các tàu Trung Quốc có thể thực hiện các hoạt động bất hợp pháp vào ban đêm và sự hiện diện bầy đàn kéo dài của chúng có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường biển", tuyên bố của lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết.

Sự hiện diện của hàng loạt tàu Trung Quốc được cho là nhằm mục đích hăm dọa. Theo chuyên gia Poling, bằng việc đưa các tàu này tới Biển Đông và triển khai chúng ra tới các vùng biển xung quanh các rạn san hô mà các nước khác đang kiểm soát, hoặc xung quanh các mỏ dầu, khí đốt hoặc ngư trường, Trung Quốc đang đẩy dần các nước khác ra khỏi khu vực.

Theo CNA, trong thông báo ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã đưa ra nhận định về sự hiện diện của hàng loạt tàu Trung Quốc mà Manila cho là một phần của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông.

"Sự hiện diện liên tục của dân quân biển Trung Quốc tại khu vực này đã hé lộ ý đồ của họ nhằm chiếm thêm các khu vực ở Biển Đông", ông Lorenzana cảnh báo.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước.

"Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của cụm Sinh Tồn Đông thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc" - bà Hằng nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm