1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mục tiêu thực sự của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu thật sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chủ động ra đòn trước trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là nhằm ngăn cản Bắc Kinh tiếp tục hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã thể hiện mình là một chính trị gia khác biệt so với những người tiền nhiệm,và những chính trị gia khác trên thế giới. Các chính sách đối nội và đối ngoại của ông trong gần 2 năm qua đều mang đậm nét riêng biệt. Một trong những dấu ấn nổi bật nhất đó chính là sự cứng rắn trong cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc xoay quanh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và tham vọng dẫn đầu nền công nghệ thế giới của Bắc Kinh.

Sau cuộc gặp không thành công hồi tháng 7/2017 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, chính phủ Mỹ bắt đầu gia tăng áp lực lên Bắc Kinh nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, Washington muốn Trung Quốc dừng các hành động mà Washington tin rằng Bắc Kinh đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Vào thời điểm đó, giới chuyên gia nhận định rằng việc ông Trump gây áp lực lên Trung Quốc có thể là vì ông muốn Bắc Kinh sẽ góp tiếng nói thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, tuy nhiên đây dường như không phải là mục tiêu cuối cùng của Mỹ.

Hồi giữa năm ngoái, ông Trump đặc biệt cử Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phụ trách điều tra về hoạt động của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết khi tranh cử bằng việc thực hiện những bước đi cứng rắn đảm bảo rằng chúng ta có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và quan trọng hơn là việc làm của người lao động Mỹ”, ông Trump phát biểu, nhấn mạnh rằng việc chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ khiến Washington thiệt hại hàng tỷ USD và hàng triệu người dân Mỹ mất việc làm mỗi năm.

Tổng thống Mỹ khẳng định chính quyền của ông sẽ không thờ ơ với việc này và bắt đầu phân công ông Robert Lighthizer thực hiện cuộc điều tra Trung Quốc.

Trong quan điểm của ông Trump về tình trạng bất cân bằng trong thương mại với Trung Quốc, nghi vấn Bắc Kinh chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ dường như có ý nghĩa quan trọng hơn cả với nền kinh tế và tình hình an ninh quốc gia Mỹ. Sau hàng chục năm chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, Mỹ nhận ra rằng quân đội Trung Quốc dường như đang sử dụng những công nghệ được chuyển qua để hợp tác trên lĩnh vực dân sự, ứng dụng vào lĩnh vực quân sự. Bắc Kinh sử dụng những công nghệ này để mang lại lợi ích cho quân đội của họ.

Kể từ đó, ông Lightizer bắt đầu đi sâu vào điều tra các hoạt động của Bắc Kinh. Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, các “nhân chứng” bắt đầu quá trình điều trần trước quốc hội. Ông Richard Ellings, chủ tịch ủy ban các vấn đề về chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, dẫn lời các quan chức an ninh quốc gia, gọi vấn đề chiếm đoạt công nghệ Bắc Kinh đang thực hiện là “động thái chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử”.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu kế hoạch “Made in 2025” cùng tham vọng trở thành bá chủ công nghệ thế giới trong vài năm nhờ chuyển hướng đầu tư ra các lĩnh vực khoa học kỹ thuật chủ chốt ra nước ngoài. Mỹ cho rằng nghi vấn Trung Quốc ép các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ, bí mật kinh doanh nếu muốn làm ăn ở Bắc Kinh là hành động sai trái.

Căng thẳng leo thang

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ thu thập các bằng chứng cáo buộc Trung Quốc có hoạt động gián điệp, theo dõi các công ty Mỹ và các cơ quan chính phủ của Washington. Từ các cáo buộc tấn công mạng tới con chip siêu nhỏ gắn trong hệ thống máy chủ ở các công ty hàng đầu của Mỹ, các cuộc điều tra liên quan tới nghi vấn sở hữu trí tuệ của Washington dường như đều có bóng dáng của Trung Quốc bên trong.

Vào tháng 3, ông Trump công bố kết quả điều tra của ông Lighthizer kèm với cảnh báo Mỹ có thể sẽ đánh thuế vào 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ khi đó cho biết “công nghệ là thành tố quan trọng nhất trong nền kinh tế Mỹ với 44 triệu người làm việc trong lĩnh vực này cũng như công nghệ là xương sống của nền kinh tế Mỹ trong tương lai”.

Vào đầu tháng 4, Mỹ công bố danh sách 1.000 sản phẩm nhập từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, nằm trong danh mục xem xét đánh thuế 25%. Ông Lighthizer công bố các tiêu chí lựa chọn sản phẩm đó là: các sản phẩm trên làm lợi cho nền công nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả kế hoạch “Made in China 2025”.

Bắt đầu từ đây, Trung Quốc và Mỹ lần lượt có các động thái và tuyên bố đáp trả lẫn nhau. Dù sau đó, 2 bên bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề căng thẳng thương mại, tuy nhiên, phía chính quyền ông Trump vẫn tiếp tục có những động thái cứng rắn với mục tiêu phải nhìn thấy sự thay đổi thực sự từ Trung Quốc.

Theo SCMP, vào thời điểm đó, truyền thông Trung Quốc dường như đã nhận được chỉ đạo dừng đưa tin về “Made in China 2025”, động thái cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc có thể muốn giảm nhẹ đi chính sách liên quan trực tiếp tới công nghệ và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hành động này có vẻ đã quá muộn vì sau đó Mỹ dường như không còn niềm tin rằng Trung Quốc sẽ tự động thay đổi chính sách.

Căng thẳng thương mại bắt đầu được đẩy lên cao trào khi 2 bên lần lượt áp thuế lên hàng hóa lẫn nhau.

Giới quan sát cho rằng ông Trump là người có tầm nhìn xa hơn hẳn so với hình ảnh của ông trong mắt giới truyền thông. Chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông đã được thực thi một cách cứng rắn và kiên quyết xuyên suốt gần 2 năm qua theo đúng những gì mà ông cam kết dù vấp phải nhiều phản ứng trái chiều về hệ lụy. Các chuyên gia cho rằng chính quyền ông Trump sẽ “tranh đấu” tới cùng để đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt trong vấn đề bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ.

Đức Hoàng

Theo SCMP