1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mục tiêu thực sự của Houthi khi phóng tên lửa vào Israel?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia quân sự cho rằng, với việc tập kích tên lửa và UAV vào Israel, lực lượng Houthi đã tuyên chiến với Israel nhưng mục tiêu thực sự của họ dường như lại ở nơi khác.

Mục tiêu thực sự của Houthi khi phóng tên lửa vào Israel? - 1

Một thành viên Houthi bắn lựu đạn phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự gần Sanaa, Yemen hôm 30/10 (Ảnh: Reuters).

Khi Israel vẫn liên tiếp tấn công Gaza và thực tế là Hamas chỉ nhận được sự hỗ trợ vũ trang khiêm tốn từ nhóm Hezbollah ở Li Băng một đồng minh khác đã bất ngờ vào cuộc hỗ trợ lực lượng của Palestine.

Chỉ vài ngày trước, các chuyên gia dự đoán rằng việc Hải quân Mỹ đánh chặn thành công tất cả các tên lửa do lực lượng Houthi ở Yemen bắn về phía Israel sẽ ngăn cản họ lãng phí đạn pháo trong tương lai.

Nhưng nhận định này được chứng minh là đã sai khi Houthi lại phóng tên lửa hành trình và UAV vào Israel.

Houthi chưa bao giờ có nhiều cơ hội bắn trúng bất cứ thứ gì cách đó hơn 2.000km trong khi Israel đang ở mức giới hạn của những tên lửa có tầm bắn xa nhất của Yemen.

Và để tiếp cận Israel, tên lửa của Houthi trước tiên phải né tránh các tàu Hải quân Mỹ đang tuần tra trong khu vực vốn có thể bắn hạ chúng, sau đó là các tàu hộ tống mang tên lửa của Hải quân Israel đóng tại Biển Đỏ.

Lực lượng Houthi chắc chắn nhận thức được những hạn chế khó khăn này và biết rằng ngay cả khi có thể vượt qua một số ít rào cản, họ chỉ có thể gây ra thiệt hại tượng trưng khi nhắm vào các mục tiêu Israel.

Câu hỏi đặt ra là biết thực tế như vậy như vì sao Houthi vẫn phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công Israel?

Mục tiêu ở nơi khác

Câu trả lời có thể rất đơn giản: thông qua việc bắn tên lửa hành trình, họ không phải đang chiến đấu với một lực lượng quân đội mà đây là "cuộc chiến chính trị". Và mục tiêu thực sự của nhóm này không phải là Israel mà là kẻ thù không đội trời chung: Ả Rập Xê Út.

Theo các chuyên gia, tên lửa và máy bay không người lái của Houthi có thể không gây tổn hại nhiều cho Israel, nhưng chúng sẽ gây phức tạp cho chính sách ngoại giao khu vực, đặc biệt là đối với Ả Rập Xê Út.

Để hiểu rõ điều này, cần phải nhìn lại lịch sử của Yemen và các cuộc cạnh tranh ở khu vực Vịnh Ả Rập.

Yemen đã trải qua một cuộc cách mạng vào năm 1962, chấm dứt sự cai trị hàng thế kỷ của giới giáo sĩ Hồi giáo Shitte Zaidi. Điều này đã thay đổi đất nước một cách sâu sắc. Vùng cao nguyên phía bắc chủ yếu là người Shitte tuyên bố thành lập nước cộng hòa thân phương Tây là Yemen trong khi người Sunni ở phía nam lập nên Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen.

Trải nhanh qua một số cuộc nội chiến, đến năm 1990 lại bùng nổ sự chia rẽ sâu sắc giữa một Yemen thống nhất và hầu hết các nước Ả Rập. Yemen phản đối sự can thiệp của các quốc gia phi Ả Rập nhằm trục xuất lực lượng Iraq khỏi Kuwait sau khi Tổng thống Saddam Hussein tấn công nước láng giềng nhỏ hơn này.

Ả Rập Xê Út, quốc gia ủng hộ Mỹ can thiệp quân sự nhằm tấn công Iraq, đã đáp trả bằng cách trục xuất gần 1 triệu công nhân Yemen ra khỏi vương quốc này. Đối với Yemen, vốn đã là một quốc gia nghèo, điều này đồng nghĩa với việc gồng gánh thêm khó khăn kinh tế.

Trong khi đó, cuộc tranh giành ảnh hưởng kéo dài ở Trung Đông, giữa Ả Rập Xê Út và Iran, đã tìm thấy một "sân khấu mới" ở Yemen, nơi một cuộc nội chiến toàn diện nổ ra vào năm 2014.

Cả hai cường quốc đều can thiệp vào cuộc xung đột. Trong khi Riyadh công khai can thiệp với một liên minh Ả Rập - châu Phi lỏng lẻo thì Iran không điều  quân đội của mình nhưng hoàn toàn ủng hộ Houthi. Ước tính, gần 100.000 trẻ em đã chết đói trong số 400.000 người thiệt mạng vì chiến tranh hoặc nạn đói trong một cuộc chiến được xem là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất đối với dân thường trong thế kỷ 21.

Tính đến năm 2022, cuộc xung đột này đã phần nào giảm căng thẳng nhưng Yemen vẫn có hai "chính phủ" cạnh tranh nhau, cả hai đều không nắm toàn quyền kiểm soát đất nước.

Một là Chính phủ Cứu quốc do Iran hậu thuẫn, có trụ sở tại thủ đô Sanaa, và kiểm soát phần lớn lãnh thổ. "Chính phủ" còn lại trên danh nghĩa cư trú tại cảng Aden phía nam, nhưng các thành viên chủ yếu ở Riyadh và luôn tuyên bố mình là những người cai trị hợp pháp duy nhất.

Điều bất ngờ là hồi tháng 3, Riyadh và Tehran đã đáp lại những nỗ lực hòa giải của Trung Quốc và Iraq và tái thiết lập quan hệ ngoại giao sau 7 năm. Có khả năng cả hai bên đều muốn xoa dịu căng thẳng ở Yemen nhưng cũng muốn tận dụng thời gian yên ổn này để theo đuổi các lợi ích chiến lược khác của mình.

Ả Rập Xê Út đã có một kế hoạch lớn trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhưng chiến dịch tấn công phối hợp của Hamas vào ngày 7/10 nhắm vào Israel khiến nỗ lực này của Riyadh gặp trắc trở. Trong vòng vài ngày, Ả Rập Xê Út được cho là đã thông báo với Mỹ rằng, họ đang tạm dừng các kế hoạch cho thỏa thuận được đề xuất với Israel mà Washington đang cố gắng hòa giải.

Khi Gaza đang bị tấn công, dù ít dù nhiều thì sự hỗ trợ vũ trang duy nhất dành cho người Palestine là từ Hezbollah. Vụ phóng tên lửa của Houthi nhằm vào Israel vào ngày 19/10 dường như chỉ xảy ra một lần. Nhưng các đợt tấn công lặp đi lặp lại với quy mô lớn hơn vào đầu tuần này, mặc dù hoàn toàn không hiệu quả dường như đang đặt ra một thực tế: một nhóm quân sự đang dần can dự vào cuộc xung đột Israel - Hamas.

Trong khi đó, tuần qua Nhà Trắng cho biết, "Ả Rập Xê Út đã thể hiện việc sẵn sàng tiếp tục" hướng tới một thỏa thuận bình thường hóa với Israel. Tuy nhiên, Riyadh chưa xác nhận tuyên bố của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, nếu tuyên bố của Nhà Trắng là được xác nhận thì những vụ phóng tên lửa mới nhất của Houthis sẽ khiến việc biến kế hoạch đó thành hiện thực trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Theo Aljazeera