Mục tiêu chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của ông Putin
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn ở Trung Đông trong chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi lần này, chuyến đi có thể gây chia rẽ các cường quốc vùng Vịnh và Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Trung Đông trong tuần này, đánh dấu chuyến công du nước ngoài hiếm hoi, tập trung vào các vấn đề như thị trường dầu mỏ toàn cầu, xung đột Israel - Hamas cũng như cuộc chiến ở Ukraine.
Theo các chuyên gia, chuyến đi này của ông Putin có thể gây chia rẽ giữa các cường quốc vùng Vịnh và Mỹ, khi nhà lãnh đạo Nga đang tìm cách gia tăng khoảng cách giữa Mỹ và các quốc gia trung gian quyền lực chủ chốt trong khu vực chiến lược.
Đây sẽ là một chuyến công du ngắn. Trong một ngày 6/12, ông Putin đến thăm cả Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi ông đang hướng tới kế hoạch tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa lúc Moscow vật lộn với tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngày 7/12, Tổng thống Putin sẽ tiếp đón người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi tại Moscow, trong nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương vốn đã được củng cố vào năm ngoái khi Tehran bắt đầu cung cấp UAV quân sự cho Nga sử dụng ở Ukraine.
Ông Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của ông Putin cho biết, chuyến đi lần này mang ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược "tăng cường quan hệ hữu nghị" với 3 quốc gia này cũng như giải quyết những biến động ở Trung Đông bùng nổ sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7/10.
Đây là chuyến công du hiếm hoi của ông Putin, nhà lãnh đạo vốn đã hạn chế ra nước ngoài kể từ tháng 3 khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông vì vấn đề Ukraine.
Các nhà phân tích cho biết, Ả Rập Xê Út và UAE là những điểm đến an toàn cho Tổng thống Nga vì cả hai đều chưa ký hiệp ước với ICC. Quan trọng hơn, việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Ả Rập đối với Nga đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi ông Putin tìm kiếm vũ khí và đồng minh để tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong một tuyên bố, ông Putin cho rằng, tình trạng leo thang bạo lực giữa Israel và Hamas là do điều mà ông mô tả là một "dẫn chứng về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông". Theo nhà lãnh đạo Nga, thực tế này là do sự lơ là trong việc "tìm kiếm những thỏa hiệp được cả hai bên chấp nhận".
Các nhà phân tích chuyên nghiên cứu chính sách của Nga ở Trung Đông cho rằng, cách tiếp cận ngoại giao của ông Putin là nhằm củng cố các mối quan hệ đối tác rất cần thiết và báo hiệu cho phương Tây rằng mặc dù bị Mỹ và châu Âu tẩy chay, Nga vẫn có thể phát huy ảnh hưởng và thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia trên danh nghĩa liên kết với Washington.
"Nhìn chung, tầm quan trọng của Trung Đông đã tăng lên đáng kể đối với Nga trong 2 năm qua", chuyên gia về chính sách của Nga trong khu vực Nikita Smagin cho biết.
Đối với các quốc gia Ả Rập ở Vùng Vịnh, nơi có hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú và mua vũ khí Mỹ với trị giá hàng tỷ USD, chuyến thăm của ông Putin là một phần trong hành động cân bằng thận trọng nhằm đa dạng hóa quan hệ quốc tế của họ và thu được lợi ích lớn nhất có thể từ tất cả các đối tác nước ngoài.
Giáo sư Nikolay Kozhanov chuyên nghiên cứu vùng Vịnh tại Đại học Qatar cho biết: "Đó là một tín hiệu gửi đến cho Mỹ rằng, khu vực này đang thất vọng đáng kể về phản ứng của Washington đối với tình hình ở Gaza".
Tại Riyadh, Tổng thống Putin sẽ gặp Thái tử Mohammed bin Salman để thảo luận về chính sách dầu mỏ và các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, cũng như thương mại và đầu tư. Hai nhà sản xuất dầu lớn của thế giới vẫn liên minh trong việc thiết lập chính sách sản xuất, với việc cả hai thu về thêm hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong những tháng gần đây.
Sự phối hợp của họ đã khiến Washington khó chịu và lên tiếng cáo buộc Riyadh đứng về phía Moscow bằng cách tăng cường tài chính cho Nga nhằm tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Iran - đối thủ của Ả Rập Xê Út - là đồng minh quân sự duy nhất của Nga ở Trung Đông, đã cung cấp cho Moscow hàng nghìn UAV Shahed tự sát để tiến hành các cuộc tấn công ở Ukraine. Trong khi đó, Nga đã giao máy bay huấn luyện cho lực lượng không quân Iran và đang xem xét thỏa thuận bán máy bay chiến đấu phản lực Su-35 cho Tehran, động thái có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân ở Trung Đông.
Theo chuyên gia Maria Fantappie, người đứng đầu chương trình Trung Đông và châu Phi tại tổ chức tư vấn Istituto Affari Internazionali ở Rome (Italy), Riyadh có thể sẽ yêu cầu Moscow ủng hộ tầm nhìn của mình về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine, có khả năng bao gồm cả việc lôi kéo Tehran vào cuộc.