DNews

Lằn ranh của Nga trên bàn cờ chiến lược ở "chảo lửa" Trung Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc xung đột Israel - Hamas đã đặt ra cho Nga bài toán khó, khi Moscow phải tìm cách cân bằng những lợi ích chiến lược ở khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn như Trung Đông.

Lằn ranh của Nga trên bàn cờ chiến lược ở "chảo lửa" Trung Đông

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "người bạn tốt" của ông. Từ năm 2015, Thủ tướng Netanyahu đã đến thăm Nga hơn 10 lần và tự hào treo một tấm áp phích khổng lồ hình hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trước trụ sở đảng của ông trong chiến dịch bầu cử năm 2019.

Trong cuốn hồi ký được xuất bản vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ông Netanyahu liên tục ca ngợi nhà lãnh đạo Nga vì trí tuệ và "thái độ đặc biệt thân thiện" của ông đối với người Do Thái. Trong khi đó, ông Putin trong nhiều năm qua đã tự nhận mình là người bạn trung thành của Israel, thúc đẩy quan hệ văn hóa và du lịch miễn thị thực giữa hai nước.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Israel dường như đã nguội lạnh sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ngay cả khi Israel chỉ miễn cưỡng ủng hộ Ukraine theo mong muốn của các đồng minh phương Tây. Tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo dường như cũng không còn.

Lằn ranh của Nga trên bàn cờ chiến lược ở chảo lửa Trung Đông - 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow năm 2020 (Ảnh: Getty).

Trong tuyên bố đầu tiên về cuộc tấn công của Hamas vào Israel, ông Putin cho biết vụ việc này cho thấy chính sách của Mỹ đã thất bại ở Trung Đông và không tính đến nhu cầu của người Palestine. Ông Putin cũng tìm cách gắn cuộc xung đột ở Gaza với phương Tây, nói rằng phương Tây sẽ được hưởng lợi từ sự bất ổn ở Trung Đông.

Sự thay đổi trong giọng điệu của nhà lãnh đạo Nga dường như cho thấy rạn nứt lớn hơn giữa hai nước đã diễn ra kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong bình luận được cho là chỉ trích mạnh nhất từ trước đến nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 28/10 tuyên bố việc Israel bắn phá Gaza là vi phạm luật pháp quốc tế và có nguy cơ tạo ra thảm họa "trong nhiều thập niên, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ".

Nhà phân tích Pjotr Sauer của Guardian nhận định, điều đáng lo ngại hơn đối với Israel là mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Nga vào Iran.

Nga, trong bối cảnh bị cô lập với các thị trường phương Tây, được cho là đã đầu tư rất nhiều vào việc mua máy bay không người lái tự sát của Iran để sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong khi Mỹ cảnh báo rằng Iran đang tìm cách mua số lượng lớn máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Nga.

Trong thời gian qua, Nga cũng chỉ trích các hành động quân sự của Israel trong khu vực, bao gồm các cuộc tấn công vào đồng minh của Nga là Syria, nơi Moscow đặt căn cứ quân sự.

Theo nhà phân tích chính trị Mark Galeotti, Nga "hiện ở trong tình thế ngày càng khó duy trì mối quan hệ cân bằng". Nga đã tính toán rằng mối quan hệ của họ với những nước như Iran và nhà sản xuất dầu mỏ Ả rập Xê út có giá trị chiến lược và kinh tế hơn mối quan hệ với Israel.

"Khi nói đến vấn đề này, nếu hỏi rằng Nga thực sự cần ai, thì họ cần Iran, không chỉ với tư cách là một nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự liên tục, mà còn cần Ả rập Xê út vì hai nước có thể cùng nhau chi phối giá dầu trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Nga buộc phải hy sinh Israel", chuyên gia Galeotti nhận định.

Khi Israel tiến hành các cuộc không kích vào một số căn cứ quân sự ở Syria vào tháng 10 để đáp trả một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào Israel, Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc tấn công này đã vi phạm "chủ quyền và luật pháp quốc tế" của Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích các cuộc tấn công này là "không thể chấp nhận được".

Nhiều người ở Israel đã bị sốc khi chứng kiến một nhóm thành viên cấp cao của lực lượng Hamas gặp gỡ quan chức cấp cao của Nga vào ngày 26/10. Bộ Ngoại giao Israel chỉ trích quyết định của Nga khi mời các thành viên Hamas tới Moscow, thậm chí kêu gọi Nga trục xuất phái đoàn Hamas.

Mối quan hệ giữa Nga và Israel càng trở nên căng thẳng hơn sau cuộc bạo loạn ở Dagestan, miền nam Nga vào ngày 29/10. Hàng trăm người đã xông vào sân bay để tìm kiếm những người Israel trên chuyến bay từ Tel Aviv. Israel đã lên án cuộc bạo loạn này, yêu cầu Moscow bảo vệ công dân Israel và người Do Thái ở Nga.

Sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10 khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng, giới chuyên gia cho rằng Nga phải đối mặt với tình huống khó khăn. Mặc dù Nga nhanh chóng chỉ trích các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, nhưng Moscow chắc chắn không muốn cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Israel.

Khi xung đột Israel - Hamas không có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga cũng kỳ vọng sự hỗ trợ dành cho Ukraine sẽ không còn được đặt ở vị trí ưu tiên đối với Mỹ và các đồng minh.

Động thái chiến lược của Nga

Lằn ranh của Nga trên bàn cờ chiến lược ở chảo lửa Trung Đông - 2

Các thành viên cấp cao của Hamas, Bassem Naim và Moussa Abu Marzouk, gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tại Moscow trong bức ảnh được công bố ngày 26/10 (Ảnh: Reuters).

Nga đã bảo vệ quyết định tiếp đón các thành viên Hamas tại Moscow, nói rằng điều quan trọng là duy trì mối quan hệ với cả hai bên trong cuộc xung đột. Bộ Ngoại giao Nga cho biết các cuộc gặp là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm đảm bảo việc giải cứu con tin đang bị Hamas bắt giữ ở Gaza.

Tuy nhiên, mô tả của Hamas về các cuộc gặp đã cho thấy một bức tranh khác. Hamas đã ca ngợi những nỗ lực của Nga trong việc chấm dứt cái mà họ gọi là "tội ác của Israel được phương Tây ủng hộ". Sau cuộc họp, Hamas thông báo họ đang tìm cách thả 8 con tin ở Gaza theo yêu cầu của Nga, "bởi vì chúng tôi coi Nga là bạn thân nhất của mình", thành viên cơ quan chính trị Hamas, Abu Marzouk, cho biết vào ngày 28/10.

Nhà phân tích Mathias Hammer nhận định với Time rằng, chuyến thăm của phái đoàn Hamas tới Moscow làm tăng thêm lo ngại của Israel về việc Nga đang điều chỉnh chính sách đối ngoại để xích lại gần Hamas hơn.

Hamas được cho là đã né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển hàng triệu USD thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử của Nga.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cáo buộc Nga gần đây đã cung cấp vũ khí cho Hamas, nhưng không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.

Điều đáng lưu ý là Nga không lên án các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10. Thay vào đó, các quan chức Nga đã kêu gọi cả hai bên hạ vũ khí và tái khẳng định sự ủng hộ của Moscow đối với nhà nước Palestine. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga trình nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và thả tất cả con tin, nhưng bị phủ quyết vì không lên án Hamas.

Các quan chức Nga đã nhiều lần công khai chỉ trích cách Israel đối xử với người Palestine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 28/10 cho biết việc Israel ném bom Gaza là trái luật pháp quốc tế.

Tổng thống Putin thậm chí so sánh việc Israel phong tỏa Gaza với cuộc bao vây Leningrad trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một trong những sự kiện đau thương nhất trong lịch sử Nga khiến hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng.

Một số ý kiến khác ở Nga còn đi xa hơn, cho rằng đã đến lúc Moscow phải đánh giá lại mối quan hệ với Israel.

"Israel là đồng minh của ai? Mỹ, Iran và thế giới Hồi giáo xung quanh họ là đồng minh của ai?", Andrei Gurulev, phó chủ tịch Duma Quốc gia và thành viên Ủy ban Quốc phòng Nga, đặt câu hỏi.

Theo Hanna Notte, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, việc Nga có lập trường công khai ủng hộ Palestine là điều "đáng ngạc nhiên".

"Nga đang cố gắng hòa nhập với xu hướng chính thống của người Ả rập như một nỗ lực nhằm cải thiện vị thế của Nga trong khu vực", Mark Katz, giáo sư tại Đại học George Mason, cho biết.

Hamidreza Azizi, một chuyên gia về quan hệ Iran - Nga tại Viện An ninh và Quốc tế Đức, cho rằng phản ứng của Nga trước các cuộc tấn công của Hamas cũng cho thấy Moscow đang hướng tới mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran và các đồng minh của họ trong khu vực, bao gồm cả Hamas.

Iran, kẻ thù "không đội trời chung" của Israel, bị cáo buộc là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

"Tôi nghĩ Nga đã đưa ra lựa chọn chiến lược về việc đứng về phía ai ở Trung Đông, và đó không phải là Israel", chuyên gia Azizi nói.

Tatiana Stanovaya, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Á - Âu về Nga và là người sáng lập tổ chức phân tích R.Politik, nhận định trong tạp chí Weekly Digest rằng: "Lập trường của Nga đối với Israel đã trở nên cực đoan hơn rõ rệt".

Bà Stanovaya nói rằng, ngay cả khi Tổng thống Putin đã kiềm chế việc công kích trực tiếp Israel, song nhà lãnh đạo Nga "coi Israel là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm gây bất ổn và gieo rắc hỗn loạn".

"Moscow ngày càng coi Tel Aviv nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Washington - một đánh giá vốn đã hạ thấp tầm quan trọng của Israel đối với Điện Kremlin bằng cách gắn nước này vào cuộc cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn của Nga với Mỹ. Theo đó, Điện Kremlin sẽ có ít động lực hơn để duy trì và đầu tư vào chính sách cân bằng đối với Tel Aviv như họ đã làm trước đây", bà Stanovaya nhấn mạnh.

"Nga rất muốn có miếng bánh của mình và nuốt trọn nó nhưng khi nói đến vấn đề này, nếu phải chọn bên, thì họ phải để mắt đến Iran và Ả rập Xê út", chuyên gia Galeotti nhận định.

Tác động của tình hình Trung Đông tới Nga

Lằn ranh của Nga trên bàn cờ chiến lược ở chảo lửa Trung Đông - 3

Những tòa nhà đổ nát sau các cuộc giao tranh ở Gaza (Ảnh: Reuters).

Lập trường của Nga thay đổi dần dần, nhưng ngày càng rõ rệt trong những tuần gần đây khi họ nhận ra rằng, cuộc xung đột đang ảnh hưởng đến lợi ích quân sự và địa chính trị của Moscow.

Các chuyên gia nhận định, cho đến nay, Nga có lẽ tin rằng họ có thể hưởng lợi từ cuộc xung đột Israel - Hamas.

Trong khi lực lượng Nga vẫn phải đối mặt với các cuộc giao tranh dữ dội dọc mặt trận ở Ukraine, Điện Kremlin dường như hy vọng tình trạng bất ổn ở Trung Đông sẽ chuyển hướng sự hỗ trợ của phương Tây khỏi Ukraine, giúp Nga dễ dàng củng cố quyền kiểm soát đối với các khu vực của Ukraine.

Khi Mỹ cam kết gửi viện trợ quân sự cho Israel sau cuộc tấn công của Hamas, một số nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin bày tỏ hy vọng rằng, cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của phương Tây dành cho Ukraine.

"Sự hỗn loạn này có lợi cho Nga, bởi vì các nước sẽ bị phân tâm khỏi Ukraine và mải mê tìm cách dập tắt ngọn lửa ở Trung Đông", Sergey Mardan, một nhà tuyên truyền và người dẫn chương trình truyền hình Nga, nhận định.

Theo chuyên gia Notte, cuộc xung đột Israel - Hamas đã kéo sự chú ý của truyền thông thế giới khỏi cuộc chiến ở Ukraine cũng như làm giảm khả năng hỗ trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine trong trung hạn.

Theo Axios, Lầu Năm Góc được cho là đã quyết định gửi cho Israel hàng chục nghìn quả đạn pháo 155mm vốn được lên kế hoạch chuyển cho Ukraine. Ngoài đạn pháo vốn đã khan hiếm ở các nước phương Tây, cả Israel và Ukraine đều cần một số hệ thống vũ khí giống nhau.

Ngoài ra, Nga cũng có thể cho rằng những sai lầm về quân sự và tình báo của Israel là minh chứng cho sự yếu kém của phương Tây.

Colin P. Clarke, giám đốc chính sách và nghiên cứu tại tổ chức Soufan Group, cho rằng cuộc xung đột Israel - Hamas khiến thế giới bớt quan tâm tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

"Moscow có lẽ hài lòng khi sự chú ý của thế giới đã chuyển từ xung đột Nga - Ukraine sang tập trung vào những gì đang xảy ra ở Gaza. Các nhà lập pháp (Mỹ) đang kêu gọi chuyển nguồn tài trợ và vũ khí từ Ukraine sang Israel và ông Putin tin rằng, nếu điều đó thực sự xảy ra, nó sẽ mang lại lợi thế cho quân đội Nga", chuyên gia Clarke nói thêm.

Tình hình xung đột đang làm gia tăng sự giận dữ trong thế giới Ả rập - Hồi giáo. Khi làn sóng chống Mỹ gia tăng ở các quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo, Nga sẽ được hưởng lợi. Với việc nhiều người Ả rập và Hồi giáo chỉ trích Mỹ, Nga sẽ tận dụng cơ hội để hưởng lợi từ sự cô lập của Washington trên trường quốc tế khi đề cập đến vấn đề này.

Trong khi đó, thông điệp của Moscow rằng giải pháp hai nhà nước là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Israel - Palestine phù hợp với sự đồng thuận của cả Ả rập và quốc tế.

"Nga muốn chứng tỏ rằng họ không bị cô lập trên toàn cầu và duy trì mức độ ảnh hưởng cũng như ảnh hưởng ngoại giao đáng kể ở Trung Đông", Samuel Ramani, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói với The New Arab.

Kể từ ngày 7/10 khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, các quan chức Nga cũng bận rộn trao đổi với những người đồng cấp Ai Cập, Iraq, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng như nguy cơ lan rộng, nỗ lực đàm phán ngừng bắn và hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn Palestine.

Việc tiếp cận các bên trong khu vực khi cuộc khủng hoảng Hamas - Israel nổ ra đã cho phép Moscow tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế ở Trung Đông.

"Nga cũng đã gắn kết sự tham gia của họ với các nước Ả rập về vấn đề Israel - Palestine với các vấn đề khác. Ví dụ, với Iraq, Nga có thể liên kết sự ủng hộ của họ đối với người Palestine với các thỏa thuận kinh tế với Iraq", chuyên gia Ramani nói.

Rủi ro đặt ra với Nga

Lằn ranh của Nga trên bàn cờ chiến lược ở chảo lửa Trung Đông - 4

Xe quân sự Israel gần biên giới Li Băng (Ảnh: AFP).

Theo các chuyên gia, một số khía cạnh nhất định của cuộc xung đột Hamas - Israel hiện nay gây khó khăn cho Nga. Khả năng cuộc khủng hoảng này lan sang các nước khác ở Trung Đông như Li Băng và Syria khiến Moscow lo ngại.

Nếu lực lượng Hezbollah ở Li Băng và Israel tham gia một cuộc chiến tổng lực, nhiều chiến binh Hezbollah có thể sẽ phải rời Syria để trở về Li Băng. Trong hoàn cảnh như vậy, quyền lực của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có thể suy yếu do tất cả các vấn đề kinh tế và tình trạng bất ổn đang bùng phát ở Syria. Điều này cho thấy Nga sẽ phải gánh thêm gánh nặng lớn hơn trong việc hỗ trợ chính quyền Damascus. Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine chưa hạ nhiệt, đó không phải là gánh nặng mà Moscow mong muốn.

"Cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia gần đây đã cho thấy, sự can dự của Nga vào Ukraine có thể khiến nước này ít có khả năng và ít sẵn sàng hơn trong việc tác động đến kết quả của cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah nói riêng", giáo sư Katz nhận định.

Dù vậy, Nga cũng phải đối mặt với rủi ro nếu xung đột lan rộng ra ngoài Israel và Gaza. Các nhà phân tích cho biết, Nga muốn duy trì hiện diện quân sự ở Syria nhưng không gửi thêm quân, điều này sẽ làm tăng áp lực lên các lực lượng vốn đã khó khăn của Nga.

Ngoài ra, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran cũng ảnh hưởng đến khả năng Moscow tiếp tục duy trì quan hệ tích cực với cả Tel Aviv và Tehran.

"Nga không muốn rơi vào tình huống phải lựa chọn giữa mối quan hệ với Israel và Iran. Mặc dù những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga đã và đang thiên về quan điểm ủng hộ Iran và nhiều quan điểm chống Israel, nhưng bản thân chính phủ Nga vẫn muốn duy trì sự cân bằng giữa hai bên", chuyên gia Ramani nói.

Theo chuyên gia Clarke, "vì Tehran cung cấp cho Nga máy bay không người lái và các hỗ trợ khác, điều này sẽ gây ra tình thế khó xử cho Moscow".

Đồng thời, nếu một cuộc xung đột rộng hơn giữa Israel và Iran nổ ra, Moscow sẽ cần theo dõi chặt chẽ xem kịch bản đó có thể tác động như thế nào đến các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Trong bối cảnh chính sách dầu mỏ của Nga phụ thuộc vào mối quan hệ đối tác của Moscow với Riyadh thông qua OPEC Plus và mức độ mà UAE, cụ thể là Dubai, đóng vai trò quan trọng đối với khả năng của Nga trong việc vượt qua cuộc chiến kinh tế của phương Tây, hòa bình và ổn định ở vùng Vịnh cũng rất quan trọng đối với Điện Kremlin.

Hiện không thể xác định được một cuộc chiến giữa Israel và Iran có thể gây ra tổn hại đến mức nào đối với an ninh của các quốc gia GCC. Tuy nhiên, Moscow không thể bỏ qua những rủi ro như vậy.

Xét trong bối cảnh rộng hơn, các nhà hoạch định chính sách Nga có thể lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza có nguy cơ khiến Moscow trở thành một bên yếu thế hơn ở Trung Đông. Khi Nga kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn, việc hai bên không đồng ý sớm thực hiện lệnh ngừng bắn sẽ đặt ra câu hỏi về việc Nga thực sự có bao nhiêu ảnh hưởng trong khu vực.

"Lời kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas của Moscow là nghiêm túc vì giao tranh càng kéo dài, Nga sẽ càng xuất hiện một người chơi kém hiệu quả ở Trung Đông", chuyên gia Katz giải thích.

Nếu Nga tăng cường hỗ trợ cho Hamas, điều đó có thể khiến Nga phải trả giá bằng việc làm xấu đi mối quan hệ với Israel. Nga vẫn luôn cảm kích Israel vì đã không viện trợ quân sự cho Ukraine và hai nước vẫn duy trì liên lạc về các hoạt động quân sự ở Syria.

Theo chuyên gia Notte, mặc dù khó khăn, song Nga đã nhiều lần cố gắng duy trì lập trường cân bằng ở Trung Đông và họ có thể làm được điều đó một lần nữa, giành được sự ủng hộ của các nước Ả rập mà không cần cắt đứt quan hệ với Israel.

"Tôi vẫn nghĩ rằng, có nhiều dấu hiệu hơn cho thấy bằng cách nào đó vẫn sẽ có một dạng thỏa thuận chung giữa Israel và Nga. Nhưng điều đó cũng phụ thuộc vào việc cuộc xung đột (ở Gaza) sẽ diễn ra tiếp theo như thế nào", chuyên gia Notte nhận định.

Kể từ ngày 7/10 khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, các quan chức Nga cũng bận rộn trao đổi với những người đồng cấp Ai Cập, Iraq, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng như nguy cơ lan rộng, nỗ lực đàm phán ngừng bắn và hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn Palestine.

Việc tiếp cận các bên trong khu vực khi cuộc khủng hoảng Hamas - Israel nổ ra đã cho phép Moscow tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế ở Trung Đông.

"Nga cũng đã gắn kết sự tham gia của họ với các nước Ả rập về vấn đề Israel - Palestine với các vấn đề khác. Ví dụ, với Iraq, Nga có thể liên kết sự ủng hộ của họ đối với người Palestine với các thỏa thuận kinh tế với Iraq", Samuel Ramani, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói với The New Arab.

Theo CNBC, Time, Guardian, New Arab