1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mục đích của Ukraine khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga và cách xa tiền tuyến có thể mang lại một số lợi thế cho Ukraine.

Mục đích của Ukraine khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - 1

Lính cứu hỏa kiểm soát đám cháy tại cơ sở khí đốt ở Ust-Luga gần thành phố St. Petersburg của Nga (Ảnh: Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga)

Vào cuối tháng 7, Ukraine tuyên bố đã tấn công một máy bay ném bom siêu vượt âm Tu-22M3 của Nga tại căn cứ không quân Olenya ở Murmansk, nằm sâu 1.700km trong lãnh thổ Nga. Đây được xem là cuộc tấn công sâu nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Mặc dù thông tin này đã gây xôn xao dư luận, nhưng đây không phải là lần đầu tiên Ukraine được cho là nhắm mục tiêu vào các địa điểm sâu trong lãnh thổ Nga.

Vào tháng 6, cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) cho biết lực lượng Ukraine đã tấn công một máy bay chiến đấu Su-57 của Nga, khi đó đang đồn trú tại một sân bay ở vùng Astrakhan, phía nam Nga, cách tiền tuyến khoảng 600km.

Trước đó vào tháng 5, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết một máy bay không người lái tầm xa của Ukraine đã tấn công một nhà máy lọc dầu Gazprom của Nga cách biên giới khoảng 1.500km.

Hiện tại, Ukraine vẫn chưa được phép sử dụng vũ khí dẫn đường tầm xa như tên lửa ATACMS do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Thay vào đó, họ đã sử dụng máy bay không người lái giá rẻ, sản xuất trong nước để tấn công tầm xa.

"Những thiết bị này chứa đầy thuốc nổ và được đưa sâu vào lãnh thổ Nga", Mark Cancian, cố vấn cấp cao về Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với Business Insider.

Sáng 6/8, Nga cáo buộc Ukraine điều 1.000 quân xâm nhập qua biên giới, tấn công vùng Kursk của Nga. Đây là cuộc tấn công có quy mô lớn nhất của Ukraine vào vùng biên giới Nga kể từ khi xung đột bùng phát.

Mặc dù việc tấn công các mục tiêu ở xa tiền tuyến có thể khiến Ukraine tự dàn mỏng lực lượng, nhưng các chuyên gia cho rằng những cuộc tấn công như vậy có thể mang lại 3 lợi thế cho Kiev.

Gây thiệt hại về vật chất và kinh tế

Các cuộc tấn công vào các địa điểm liên quan đến quân sự, như căn cứ không quân hoặc cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhằm mục đích phá hủy hoặc tạm thời vô hiệu hóa các khí tài mà Nga đang sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine. Ngay cả những cuộc tấn công được cho là quy mô nhỏ cũng có thể gây ra tác động lớn với Nga.

Trong cuộc tấn công căn cứ không quân Olenya, mà sau đó Ukraine cho biết đã làm hư hại hai máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga, Justin Bronk, nhà nghiên cứu tại Viện Royal United Services, cho biết cuộc tấn công này có thể tác động đáng kể.

"Đội bay đang hoạt động của Nga không lớn và việc mất tạm thời hai máy bay để phóng tên lửa tấn công Ukraine cũng sẽ có tác động đáng kể", ông Bronk nhận định.

Theo John Hardie, Phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu cũng nhằm mục đích "làm tổn hại đến nền kinh tế của Moscow".

Reuters đưa tin vào tháng 4 rằng, Nga dường như cũng có thể nhanh chóng sửa chữa một số cơ sở lọc dầu quan trọng bị hư hại do các cuộc không kích của Ukraine, giảm công suất bị ảnh hưởng xuống còn khoảng 10%, thay vì gần 14% vào cuối tháng 3.

Gây sức ép lên hệ thống phòng không

Ukraine cũng hy vọng "áp đảo hệ thống phòng không của Nga" thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) hàng loạt.

Theo chuyên gia Hardie cho biết, "các hệ thống phòng không có thể khó phát hiện và bắn hạ các UAV có kích thước nhỏ hoặc bay thấp gần mặt đất".

"Nga đã điều chỉnh hoạt động phòng không sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và được cho là đã thành lập các đội chống UAS (hệ thống thiết bị bay không người lái) di động. Nhưng Nga là một quốc gia rộng lớn, vì vậy việc phòng thủ ở tất cả các khu vực sẽ gặp khó khăn", ông nhận định.

Ngoài ra, theo chuyên gia Hardie, Moscow cũng bắt đầu "rất lâu sau Ukraine trong việc phát triển các biện pháp đối phó với mối đe dọa từ UAV tầm xa", đồng thời "chưa thiết lập các biện pháp như hệ thống cảm biến phân tán, giá rẻ mà Ukraine sử dụng để phát hiện UAV Shahed".

Kết quả là, những cuộc tấn công này đặt Nga vào "một tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng", chuyên gia Bronk cho biết.

Do Nga có diện tích lãnh thổ rộng lớn và số lượng mục tiêu tiềm tàng mà Ukraine có thể tấn công, Moscow "hoặc buộc phải bảo vệ bằng cách đưa các hệ thống phòng không ra khỏi các khu vực tiền tuyến; hoặc để các mục tiêu trong nước không được bảo vệ, dẫn đến thiệt hại liên tục", ông Bronk nói thêm.

Chiến tranh tâm lý

Các cuộc tấn công sâu của Ukraine vào lãnh thổ Nga cũng đặt ra cho Điện Kremlin một vấn đề chính trị nghiêm trọng. Đó là tâm lý của người dân vì lo ngại "không phận Nga không được bảo vệ".

Theo chuyên gia Cancian, tác động "tâm lý" của các cuộc tấn công này rất quan trọng. Một trong những mục tiêu chính của Ukraine là "khiến quân đội Nga hoang mang và gây lo lắng cho người dân", ông nói.

Điều này cho người dân Nga thấy rằng "có một cái giá phải trả cho việc tấn công Ukraine", ông Cancian nói thêm.

Theo BI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm