Một tuần siêu bão Yagi càn quét gây tàn phá nặng nề cho Đông Nam Á
(Dân trí) - Trong tuần qua, Yagi đã di chuyển khắp khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, gây thiệt hại nặng cho các khu vực mà nó đi qua.
Bão Yagi, được coi là cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm 2024, đã gây ra sự tàn phá trên khắp miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á trong tuần qua, khiến nhiều người thiệt mạng.
Cơn bão này có đặc điểm là lượng mưa lớn và gió mạnh, gây ra thiệt hại lớn về người và của.
Đầu tiên, cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Philippines, nơi nó cướp đi sinh mạng của 16 người và gây thiệt hại 4 triệu USD. Sau đó, Yagi tiếp tục di chuyển về phía tây, càn quét qua miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Siêu bão tiếp tục đi qua Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào, gây ra lũ lụt, lở đất, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Gần một tuần sau khi cơn bão đổ bộ, nhiều khu vực ở miền bắc Việt Nam và miền bắc Thái Lan vẫn còn ngập nước. Lũ lụt liên tục đã gây ra sự gián đoạn trên diện rộng và các cộng đồng dân cư đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và hậu quả mà bão để lại.
Sự kết hợp giữa lũ lụt nghiêm trọng và nguy cơ lở đất đang đến gần đang làm cho cuộc khủng hoảng ở những khu vực bị ảnh hưởng này trở nên đáng lo ngại hơn.
Tại Thái Lan, tỉnh Chiang Rai ở phía bắc đang hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà và làng mạc ven sông đã bị ngập, khiến hoạt động cứu hộ trở nên phức tạp.
Kể từ giữa tháng 8, ít nhất 33 người ở Thái Lan đã tử vong do các sự cố liên quan đến mưa, với chín trường hợp tử vong được báo cáo chỉ riêng trong tuần này.
Myanmar thông báo vào ngày 13/9 rằng ít nhất 36 người đã thiệt mạng và 235.000 người phải di dời do cơn bão.
Hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á đang phải đối mặt với hậu quả tàn phá của Yagi, khi nhiều khu vực vẫn bị cô lập, mất điện, mất nước.
Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng nhiệt độ của đại dương tăng cao đang dẫn đến những cơn bão dữ dội và gây tàn phá nghiêm trọng hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và lưu lại trên đất liền lâu hơn.
Các quốc gia đang phát triển không đóng góp nhiều vào quá trình gây ra biến đổi khí hậu như các nước phát triển nhưng lại đang phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng nhất, theo các chuyên gia.
Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết cần phải hành động để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và hỗ trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng này.