1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một tuần sau bão, người Philippines bắt tay dựng lại nhà cửa

(Dân trí) - Một tuần sau khi bị bão Haiyan tàn phá, cho dù tình hình còn vô vàn khó khăn, người dân Philippines đã bắt tay dựng lại nhà cửa. Trong khi đó số người chết đã lên 3.633 người, còn công tác cứu trợ vẫn gặp không ít trở ngại.

Trong ngày hôm nay 16/11, nhiều người Philippines đã bắt đầu lau dọn bùn đất từ những chiếc ghế, quét sạch nền nhà thờ bị phủ đầy bùn đất và mảnh vỡ. Tiếng búa đóng đinh, tiếng xe lôi trên đường phố bắt đầu rộn rã hơn. Các mảnh vỡ được dồn thành đống ở góc đường rồi đốt.

Người dân và các lực lượng cứu trợ tích cực dọn dẹp tại Guiuan
Người dân và các lực lượng cứu trợ tích cực dọn dẹp tại Guiuan

Trong lúc đó, một loạt các thi thể tiếp tục hành trình cuối cùng tới một bãi chôn tập thể khổng lồ trên sườn đồi, nơi 170 người người đã được mai táng trong chiều thứ Sáu. Cơ quan kiểm soát thảm họa chính của Philippines ngày 16/11 xác nhận số người chết là 3.633 người và còn 1.179 người mất tích. 12.487 người bị thương.

Hầu hết thương vong xảy ra tại hai hòn đảo Leyte và Samar.

Các nỗ lực cứu trợ quốc tế đang dần tăng tốc, với những lượt trực thăng thả hàng cứ trợ từ tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Nhưng dù có hay không có sự hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng quốc tế, các nạn nhân của bão vân phải tiến lên phía trước.

“Chúng ta bắt đầu thấy những bước ngoặt”, John Ging, một lãnh đạo hàng đầu của cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc tại New York cho biết. Đến nay 107.500 người đã được nhận thực phẩm cứu trợ. 11 đội y tế nước ngoài và 22 đội y tế trong nước đang tham gia chiến dịch cứu trợ, bao gồm cả một đội đến từ Israel.

“Năng lực bệnh viện dã chiến mà Israel có thể huy động thuộc loại hàng đầu, và chúng ta đã được thấy chúng rất hiệu quả trong nhiều cuộc khủng hoảng khác”, ông Ging cho biết.

Dần hồi phục

Peter Degrido, một quân nhân dự bị của lực lượng bảng vệ bờ biển, là một trong số 35 công nhân đang cố gắng di chuyển một chiếc xe buýt bị lật khỏi tuyến đường dẫn tới sân bay tại Guiuan, một thị trấn trên đảo Samar. Họ cột chiếc xe buýt vào một xe tải bằng dây cáp và thực hiện công việc một cách chậm chạp. Phía trước, vẫn còn nhiều cột điện nằm ngổn ngang phải di dời.
 
Quang cảnh Tacloban một tuần sau siêu bão Haiyan:


“Chúng tôi đang dọn dẹp chướng ngại vật trên các tuyến đường đến sân bay và bến cảng để hàng cứu trợ và thuốc men có thể đến nhanh hơn”, Degrido nói. “Thật thảm khốc khi nhìn cảnh này. Nhưng mọi người đang dần hồi phục”.

Ngôi nhà của Dionesio de la Cruz tại Guiuan, một trong số 287.199 ngôi nhà bị bão phá hủy theo số liệu của Liên hợp quốc, giờ chỉ còn là đống đổ nát. Sáng nay anh nhặt nhạnh những mảnh ván còn sót lại để đóng một chiếc giường với những chiếc đinh hoen rỉ thu nhặt được.

Anh đã dựng được một chỗ trú ngụ tạm thời. Bên trong, một bức tượng chúa Jesus được đặt trên bàn. Dưới sàn là một tấm gương đã vỡ.

“Tạm thời thôi”, cư dân 40 tuổi nói. “Chúng tôi chỉ có một mình nên phải tự làm những việc này. Chúng tôi không trông mong có ai tới giúp cả”.

Ở một nơi khác, một người đàn ông đang bán những tảng thịt, còn một vài ki-ốt đã mở cửa bán nước ngọt và sà phòng. Đâu đó, những bộ quần áo được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng.

Guiuan là một trong những thị trấn đầu tiên bị bão càn quét. Thiệt hại về vật chất là rất lớn, nhưng số người chết thấp hơn tại Tacloban và những nơi khác bởi không bị nước biển dâng trong bão tràn qua.

Susan Tan chủ một tiệm tạp hóa tại Guiuan đã chuẩn bị sơ tán sau khi đám đông người thiếu đói ùa tới cướp sạch hàng hóa và những gì có giá trị ít ngày sau bão. Bà đã định đi sơ tán nhưng được một người bạn thuyết phục trở lại. Đến ngày thứ Năm vừa qua, bà đã được nhận số hàng cứu trợ đầu tiên. Dù rất ít ỏi, với 20 hộp mỳ tôm, thực phẩm đóng hộp, cá, thuốc và nước uống đóng chai, nhưng đó cũng là một sự khởi đầu.

Xe chở hàng cứu trợ ách tắc 6km

Với sự có mặt của tàu sân bay Mỹ USS George Washington, hoạt động cứu trợ cũng đang dần tăng tốc. Đến nay quân đội Mỹ đã giúp vận chuyển 190 tấn hàng hóa và gần 200 chuyến bay.

Xe cứu trợ mắc kẹt trên đường từ đảo Luzon tới Bắc Samar vì thiếu phà
Xe cứu trợ mắc kẹt trên đường từ đảo Luzon tới Bắc Samar vì thiếu phà

“Có quân đội Mỹ tại đây đã giúp thay đổi cục diện”, đại tá Miguel Okol, người phát ngôn của không quân Philippines nhận định. “Với những quốc gia không có mối quan hệ như thế này, phải mất một thời gian mới được hỗ trợ. Nhưng với người Mỹ, việc đó diễn ra ngay lập tức”.

Dù vậy, hoạt động cứu trợ không phải đã diễn ra thuận lợi. Tại cảng của thị trấn Matnog, tỉnh Sorsogon, giới chức tại đây đã phải thuyết phục các chủ thuyền điều động thêm nhiều tàu, để giải phóng lượng xe phải nằm chờ phà tới vùng cứu trợ. Đoàn xe tải xếp hàng ở cảng Matnog đã có lúc dài tới 6km.

“Chúng tôi được thông báo rằng có quá nhiều phương tiện hướng tới khu vực Đông Visayas, nhưng chỉ có vài chiếc phà vận chuyển”, Gemma Balmaceda, lãnh đạo của nhóm từ thiện có tên Metro Manila đang mắc kẹt trên xe với hàng cứu trợ nói.

Carol Mendizabal, lãnh đạo của cơ quan quản lý cảng Philippines tại Matnog cho biết chỉ có 8 chiếc phà nối liền thị trấn này với thị trấn Allen tại Bắc Samar. Mỗi ngày như vậy chỉ có từ 10 – 14 chuyến qua và về.

Thông thường mỗi ngày chỉ có khoảng 2500 hành khách đi lại qua tuyến phà này. Nhưng con số đó đã lên tới 6500 sau khi bão Haiyan đổ bộ.

Với việc toàn bộ các sân bay tại hai tỉnh Samar và Leyte bị bão tàn phá, cảng Matnog là cửa ngõ duy nhất dẫn vào Visayas

Ông Mendizabal cho biết Bộ giao thông và truyền thông cùng Cơ quan quản lý hàng hải đã hứa bố trí thêm 2 tàu nhưng phải đến thứ Ba chúng mới có mặt.

Xem video người Philippines khôi phục cuộc sống sau bão


Thanh Tùng
Tổng hợp