Một tuần chính quyền ông Trump khiến châu Âu "đứng ngồi không yên"
(Dân trí) - Châu Âu đang quay cuồng với loạt động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày gần đây, ngay cả khi Washington khẳng định cam kết với NATO.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance (Ảnh: AFP).
Dù đã có sự chuẩn bị, nhưng các quan chức châu Âu vẫn bị sốc và bàng hoàng trước những động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga, Ukraine và quốc phòng châu Âu trong những ngày gần đây.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố, một thỏa thuận hòa bình sẽ không bao gồm tư cách thành viên NATO và việc Ukraine khôi phục đường biên giới trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 là không thực tế.
Ông Hegseth cũng cho biết "thực tế chiến lược" buộc Mỹ không thể chỉ chủ yếu tập trung vào an ninh của châu Âu.
Cùng ngày, Tổng thống Trump thông báo ông đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông khẳng định cuộc trò chuyện rất tích cực, cho biết Nga và Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán ngay lập tức.
Trong khi đó, tại một hội nghị an ninh lớn ở Munich vào cuối tuần, hầu hết các nhà ngoại giao châu Âu đều trải qua cảm xúc cả hoài nghi lẫn hoảng sợ.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là không còn chắc chắn về sự bảo vệ của quân đội Mỹ và rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện một thỏa thuận với Nga về cuộc xung đột Ukraine mà có thể làm suy yếu Kiev cũng như an ninh châu Âu nói chung.
Mối lo ngại được gợi lên từ bài phát biểu tại hội nghị của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Thay vì tập trung vào tìm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng Ukraine, ông chỉ trích gay gắt các nước châu Âu về vấn đề tự do ngôn luận và nhập cư.
Động thái của ông Trump và các quan chức trong chính quyền đã đảo ngược chính sách trong nhiều năm của phương Tây, được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cường quốc châu Âu theo đuổi, đó là cố gắng cô lập Nga và khẳng định đàm phán hòa bình chỉ nên bắt đầu khi Ukraine ở thế mạnh hơn trên chiến trường.
Nhiều bước đi trong số này đã được ông Trump nêu ra trong chiến dịch tranh cử và thậm chí từ nhiệm kỳ đầu tiên khi ông thường xuyên chỉ trích NATO và cáo buộc người châu Âu không chi tiêu đủ cho quốc phòng. Mặc dù vậy, những hành động đó vẫn khiến giới lãnh đạo châu Âu "sốc".
Sau nhiều tháng tranh luận về khả năng châu Âu đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ đã bị thúc đẩy phải hành động. Mỹ yêu cầu châu Âu phải nêu chi tiết kế hoạch đảm bảo an ninh cho Ukraine, kế hoạch mà một nhóm lãnh đạo khu vực sẽ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh được sắp xếp vội vàng ở Paris vào ngày 17/2.
Nhiều quan chức châu Âu tỏ ra bối rối khi họ cố gắng tìm hiểu xem liệu chính quyền ông Trump có kế hoạch chi tiết cho Ukraine hay không và ai đóng vai trò chủ chốt.
Nỗi lo của giới lãnh đạo châu Âu về nguy cơ bị gạt ra ngoài lề các cuộc đàm phán càng tăng cao khi Đặc phái viên về Nga và Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố châu Âu sẽ không có mặt tại bàn đàm phán hòa bình dù lợi ích của họ vẫn được xem xét.
Có thông tin cho rằng các quan chức Mỹ và Nga sẽ gặp nhau ở Ả Rập Xê Út trong những ngày tới để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm qua ở Ukraine.
Một số quan chức châu Âu hy vọng từ các cuộc thảo luận mang tính xây dựng hơn ở hậu trường với các quan chức Mỹ so với những nhận xét thẳng thừng trước công chúng của Phó Tổng thống Vance, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth hay các quan chức khác trong chính quyền ông Trump.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng của mình, tăng cường chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa ra những tuyên bố như vậy trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump (2017-2021) và sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, họ vẫn chưa thống nhất được về cách tổ chức một nỗ lực như vậy hoặc cách chi trả cho nó.