Bế mạc hội nghị khí hậu tại Copengahen:
Một thỏa thuận - chưa đủ, nhưng đầy ý nghĩa
(Dân trí) - Hội nghị Copenhagen ngày 18/12 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận mới để thay thế Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hạn vào năm 2012. Tuyên bố cuối cùng mang tính chính trị đưa ra tại phiên cuối cùng được đánh giá là chưa đủ, nhưng rõ ràng mang nhiều ý nghĩa.
Tuyên bố nói…
Tuyên bố cuối cùng đề ra mục tiêu chung dài hạn cho 193 quốc gia là hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất tối đa là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bản tuyên bố cũng dự trù trợ giúp các đang phát triển trước mắt mỗi năm 30 tỷ USD trong ba năm 2010 đến 2012, rồi nâng lên thành 100 tỷ USD mỗi năm từ sau đó đến năm 2020.
Tuyên bố còn đề cập đến Thỏa thuận pháp lý (Một kiến nghị kèm theo thỏa thuận, kêu gọi một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý phải được thực hiện vào cuối năm tới); Giảm khí thải, Kiểm chứng, Bảo vệ rừng và cả vấn đề Các thị trường khí carbon, dù không chi tiết.
Trước đó, lên tiếng trước các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một kế hoạch bao gồm hành động dứt khoát của các quốc gia nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những tiêu chuẩn minh bạch để kiểm chứng sự tuân thủ và tài trợ cho những nước nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để giúp họ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Obama không đưa ra đề nghị gì mới so với những gì đã được trình bày tại hội nghị, gồm sự cam kết của Mỹ giảm mức khí thải tới 17% từ nay tới năm 2020 là hạn chót, và hơn 80% tới năm 2050, cùng một cam kết làm việc với các nước khác để vận động thiết lập một ngân quỹ 100 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 giúp cho những quốc gia đang phát triển.
Vấn đề vẫn là bất đồng
Như vậy, Hội nghị Copenhagen không đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Có lẽ phải đợi đến năm sau thì may ra, thế giới mới được trang bị một Hiệp định về Biến đổi Khí hậu. Nhưng vấn đề vẫn là làm sao để giải quyết được bất đồng.
Hội nghị Copenhagen được triệu tập chính là nhằm thảo luận và thông qua hai bản thỏa thuận: Thỏa thuận thứ nhất kéo dài hiệu lực của nghị định thư Kyoto, một văn kiện chỉ liên quan đến 38 nước công nghiệp phát triển, ngoại trừ Mỹ, chưa phê chuẩn nghị định thư này; Thỏa thuận thứ hai nhằm mở rộng các nỗ lực chống biển đổi khí hậu ra toàn thế giới.
Những bất đồng giữa các quốc giachủ yếu liên quan đến những ràng buộc pháp lý để quy định mức cắt giảm phát thải CO2 và trách nhiệm trợ giúp công nghệ, tài chínhcủa các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Về số tiền trợ giúp các nước nghèo, Ngân hàng Thế giới, tổ chức phi chính phủ Oxfam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng như Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã ước tính nhu cầu tài chính đến 109 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến 2030. Nhưng mục tiêu giúp các nước nghèo chuyển đổi sang mô hình một nền kinh tế ít khí thải và triển khai tức khắc chiến lược chống biến đổi khí hậu như việc xây dựng đê điều, đề phòng mực nước dâng cao, xây dựng hạ tầng cơ sở quản lý nước tiêu dùng, phát triển các nguồn năng lượng sạch, lại đòi hỏi một khoản kinh phí khổng lồ lên tới 400 tỷ USD/năm.
Tại Hội nghị , các nước giàu bị chỉ trích khi đề nghị tài trợ 10 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Bao nhiêu tiền mới đủ cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu? Ai chi số tiền này? Đó là những câu hỏi then chốt, có thể quyết định sự thành bại của Hội nghị Copenhagen.
Trong khi đó, hầu như không một nước công nghiệp nào chấp nhận giảm khí thải CO2 từ 25-40% như các chuyên gia khí hậu yêu cầu.
Ý nghĩa đằng sau một thỏa thuận “chưa đủ...”
Dù không đủ để ngăn chặn sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu trong tương lai, nhưng các nước chủ chốt đã đi đến điều họ gọi là một thỏa thuận có ý nghĩa tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Một quan chức Mỹ mô tả thỏa thuận là ''một bước tiến lịch sử''.
Tổng thống Obama thừa thỏa thuận này sẽ không làm hài lòng được tất cả mọi người, nhưng nó là một hành động theo chiều hướng đúng và sẽ là nền tảng cho hành động toàn cầu, dù vẫn còn ''phải làm nhiều nữa''.
Ông cho biết Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đã ''đồng ý đặt mục tiêu giảm tình trạng nóng lên của khí hậu toàn cầu ở mức không quá 2C và quan trọng là có hành động để đạt mục tiêu này''. “Chúng tôi tin tưởng là chúng ta đang đi đến một hiệp ước đáng kể”, ông nói thêm.
Các chuyên gia khí hậu hoan nhênh thỏa thuận này, nhưng nói “bấy nhiêu” vẫn chưa đủ.
Ông John Sauven, tổng giám đốc Greenpeace UK bày tỏ sự thất vọng. "Dường như có quá ít chính trị gia trên thế giới này có khả năng nhìn xa hơn là quyền lợi của riêng họ, nói gì quan tâm đến hàng triệu người đang phải đối mặt với hiểm họa biến đổi khí hậu.''
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng những gì đạt được không có mục tiêu chắc chắn, không có ràng buộc về pháp lý, và không có thời gian biểu cụ thể cho việc cắt giảm khí thải, các nước bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu chưa có được thỏa thuận họ mong muốn.
Nhưng dù thế, trước một vấn đề lớn được mang ra thảo luận tại một hội nghị lớn chưa từng có từ trước đến nay, đồng thuận chưa đạt được ngay dường như cũng không phải là điều quá khó hiểu và bất ngờ.
Vượt qua bốn bức tường nơi 15.000 đại biểu từ 193 nước và sau đó là hơn 100 nguyên thủ quốc gia nhóm họp những phiên căng thẳng, hội nghị Copenhagen đã có ý nghĩa rất lớn là thổi đi một luống không khí nhận thức chung trên toàn càu về hậu quả khốc liệt của biến đổi khí hậu. Mọi nỗ lực giờ đây là làm sao ngăn để nhiệt độ không được tăng quá 2 độ C, trong khi mọi dự báo xác nhận là với mức độ này, nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương sẽ bị xóa tên vào cuối thế kỷ 21. Quần đảo Inđônêxia sẽ bị mất ít nhất 700 đảo, còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ mất đến 40% diện tích đất canh tác.
Đây chính là theo lời khuyến cáo của các nhà khoa học, bởi vì nếu mức tăng nhiệt độ vượt quá 2 độ C, hành tinh của chúng ta sẽ gánh chịu những tác hại kinh khủng và không thể đảo ngược được.
Tổng hợp