Một nửa phi đội máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới của Mỹ không thể cất cánh
(Dân trí) - Dự án sản xuất vũ khí tốn kém nhất thế giới, máy bay chiến đấu F-35, đã không thể đáp ứng theo kế hoạch thử nghiệm của quân đội Mỹ khi cho đến thời điểm này mới chỉ có 50% số máy bay có thể thực sự bay, RT đưa tin.
Theo báo cáo được công bố ngày 23/1 của ông Robert Behler, giám đốc mới của bộ phận đánh giá và thử nghiệm tác chiến thuộc Lầu Năm Góc (DOTE), một nửa số máy bay F-35 thuộc dự án hiện tại vẫn gặp vấn đề về kỹ thuật.
“Khả năng tương thích tác chiến của phi đội F-35 vẫn thấp hơn mức kỳ vọng”, ông Behler nhận định, đồng thời cho rằng những thiếu hụt về mặt kĩ thuật có thể gây nguy hiểm trong tình huống chiến đấu thực tế.
Báo cáo năm ngoái của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết có khoảng 2.769 lỗi có liên quan tới quá trình vận hành và thử nghiệm F-35. Báo cáo của ông Behler năm nay cho rằng có khoảng 1.748 lỗi đã được khắc phục và đang được tiến hành xem xét lại. Ngoài ra, hiện vẫn còn 301 lỗi ở mức độ ưu tiên 1 và ưu tiên 2, nhưng chỉ có 88 lỗi đang được sửa chữa, trong khi 213 lỗi còn lại phía kỹ thuật vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân.
Lô máy bay F-35 dự kiến sẽ hoàn thành chế tạo trong năm nay sau 16 năm phát triển. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sẽ có 3 biến thể chính gồm F-35A cho Không quân, F-35B cho Thủy quân Lục chiến và F-35C cho Hải quân. Mục tiêu ban đầu của kế hoạch này nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo trì. Tuy nhiên, kết quả thực tế dường như đã vượt xa kế hoạch ban đầu. Hiện tại, chi phí cho chương trình vận hành và hỗ trợ F-35 cho tới năm 2070 đã lên tới 1,2 nghìn tỉ USD.
Theo ông Behler, chỉ số mức độ tin cậy của phi đội F-35 tới nay đạt mức 50%. Hiện tại, Mỹ chưa xác định được nguyên nhân cốt lõi dẫn tới một số trục trặc đã được ghi nhận với F-35 như tình trạng thiếu oxi cho phi công trong buồng lái.
Hãng sản xuất Lockheed cũng đã bắt đầu thiết kế lại cánh cho biến thể hải quân F-35C nhằm hỗ trợ phóng tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder. Trong khi đó, phiên bản F-35B được cho là đang gặp phải những vấn đề như “vết nứt không lường trước ở bộ phận hạ cánh” và “sự hạn chế của động cơ trong một số hoạt động bay tác chiến”.
Ngoài ra, F-35B dường như còn có vấn đề về bánh xe, với vòng đời trung bình của một bánh xe là dưới 10 lần hạ cánh. Các nhà chế tạo được cho là đang trăn trở tìm một loại vật liệu chế tạo bánh xe đáp ứng tiêu chuẩn “đủ mạnh để hạ cánh ở tốc độ cao, đủ mềm để hạ cánh thẳng đứng và đủ nhẹ để phù hợp với cấu trúc hiện có trên máy bay".
Máy bay F-35B đã dừng thử nghiệm từ tháng 2/2017 sau khi phiên bản này được cho là đã bị sửa chữa quá nhiều. Chương trình hiện vẫn chưa sản xuất được phiên bản mới để tiếp tục đưa ra thử nghiệm. Cả 2 hệ thống tiếp nhiêu liệu trên không của F-35B và F-35C dường như đều sử dụng đầu dò quá dễ hỏng và gây ra bất tiện cho hoạt động tác chiến.
Ngoài ra các biến thể F-35 sử dụng hệ thống xử lý thông tin ALIS. Báo cáo cho thấy phần mềm của hệ thống vẫn đang gặp lỗi và có thể dẫn tới rủi ro bị tấn công mạng.
Bản báo năm 2017 về F-35 của Dự án Giám sát Chính phủ (POGO) đã nói về chi phí quá đắt đỏ khiến giá thành F-35 bị đội lên cao. Trong khi đó, bản báo cáo năm 2016 dường như buộc Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain phải kết luận về chương trình F-35 bằng hai từ “bê bối và thảm họa”.
Máy bay F-35 trình diễn nhào lộn ấn tượng tại Triển lãm hàng không Paris 2017
Đức Hoàng
Theo RT