1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Một năm "thượng đài" của Thủ tướng Shinzo Abe

Có lẽ lần trở lại quyền lực lần này của ông Shinzo Abe tương đối “thọ” trong các đời thủ tướng Nhật Bản, kể từ thời ông Junichiro Koizumi.

Từng đứng đầu nội các một thời gian ngắn rồi buộc phải rút lui, ông Abe lại ngồi ghế nóng, kể từ ngày 26/12/2012 đến hôm nay vừa tròn một năm.

Thủ tướng Shinzo Abe.

Thủ tướng Shinzo Abe.

Chính khách có tiếng quyết đoán và xông xáo này vừa tiếp nhận quyền lực đã lập tức tuyên bố: “Nhật Bản đã trở lại”. Với tinh thần võ sĩ đạo, Thủ tướng Shinzo Abe bắt tay ngay vào hành động và để lại dấu ấn không thể phủ nhận trên mọi phương diện.

Trên mặt trận kinh tế, ông khởi xướng một chương trình cải cách kinh tế được mệnh danh là Abenomics, với tham vọng đưa Nhật Bản thoát khỏi vũng lầy trì trệ kéo dài suốt 15 năm qua.

Abenomics gồm ba “mũi tên” nhắm vào ba lĩnh vực. Thứ nhất là chi tiêu công. Ngược với chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ của EU, ông Abe quyết định tăng thêm khoảng 150 tỷ USD chi tiêu công nhằm hỗ trợ đặc biệt cho lĩnh vực xây dựng.

Thứ hai là thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, bơm tiền ra nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nhằm vượt qua tình trạng giảm phát. Thứ ba là cải cách hệ thống, tăng cường hỗ trợ để kích thích năng lực cạnh tranh của khu vực nông nghiệp, thị trường lao động, dịch vụ và xuất khẩu.

Kết quả, trong năm 2013, thị trường chứng khoán Tokyo nhảy vọt tới 50%, giá đồng yen trước đó quá cao được kéo xuống khoảng 1/4 giá trị đã kích thích xuất khẩu của Nhật tăng cao, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bắt đầu khởi sắc...

Quan trọng nhất là tâm lý của các nhà đầu tư và người tiêu dùng Nhật Bản đã được cải thiện và niềm tin phục hồi. Nhật Bản vừa thông qua ngân sách kỷ lục 922 tỷ USD cho năm tài khóa 2014, có thể thấy Abenomics đang được tiếp thêm sinh lực mới. Ông Abe tự tin sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi thâm hụt vào năm 2015 và đạt thặng dư năm 2020.

Về đối ngoại, ông Abe theo đuổi chính sách ngoại giao con thoi đầy chủ động, nhằm khẳng định vai trò và vị thế cường quốc có trách nhiệm của Nhật Bản. Điều này được minh chứng qua cách thức ứng xử trước thảm họa do bão Haiyan gây ra ở Philippines.

Trong chưa đầy một năm, Thủ tướng Shinzo Abe đã lập kỷ lục khi đi thăm tất cả 10 nước ASEAN với nhiều chương trình hợp tác cụ thể. Chỉ 6 tháng qua, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 4 lần gặp nhau…

Dưới triều Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản cũng đang có những điều chỉnh mạnh mẽ trong chiến lược an ninh, quốc phòng. Ông Abe chủ trương sửa đổi những hạn chế trong hiến pháp, xây dựng một quân đội đúng nghĩa và thực hiện “chủ nghĩa hòa bình tích cực”.

Chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được chính phủ Nhật Bản phê chuẩn, thể hiện sự chuyển hướng chiến lược quan trọng, hòa dịu Nga ở phía bắc chuyển sang đối phó nguy cơ từ Trung Quốc phía tây nam. Ngay khi trở lại vũ đài chính trị, ông Abe đã nhận định, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang xấu đi, và không giấu giếm ý định tăng cường sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ an toàn đất nước.

Nhật Bản đã quyết chi 240 tỷ USD cho quốc phòng, mua sắm thêm hàng loạt vũ khí tối tân, lập Hội đồng An ninh Quốc gia kiểu Mỹ, củng cố và thiết lập các liên minh vững chắc để đối phó người láng giềng khổng lồ đang trỗi dậy. Nước Nhật thời ông Abe luôn thể hiện tư thế bình tĩnh và kiềm chế, ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng, song kiên quyết không dung thứ hoặc nhượng bộ trước bất cứ mối đe dọa nào.

Theo Đặng Vương Hạnh
Tiền phong