1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Một cuộc chiến bị lãng quên

Ukraine vốn được coi là nước cờ khó đi trong ván cờ địa - chính trị giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuộc gặp ở Paris ngày 2/10 của “Bộ tứ Normandy” lại cho thấy dường như Ukraine đang bị “phớt lờ”.

Một cuộc chiến bị lãng quên - 1

Xe tăng của lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi Krymske, vùng Luhansk ngày 5/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Điểm nhấn trong hội đàm lần này đến từ những tuyên bố cho thấy sự thay đổi quan điểm của lãnh đạo châu Âu đối với việc giải quyết vấn đề Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel lần đầu tiên nói về việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine mà không có Crimea. Trước đó, bà nhấn mạnh EU không bao giờ đồng ý với việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và sẽ dùng mọi biện pháp để đưa Crimea về với Ukraine.

Một điểm đáng chú ý khác là lần lượt Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tiến hành hội đàm song phương với ông Putin, trong khi Tổng thống Ukraine Poroshenko không được “đoái hoài” đến dù trước đó ông Poroshenko đã đưa ra đề nghị tiến hành các cuộc gặp song phương. Sau đó, Thư ký báo chí của ông Putin còn khẳng định: “Cuộc gặp song phương với ông Poroshenko không có trong lịch trình của lãnh đạo Nga”!.

Một loạt dấu hiệu trên cho thấy dường như “gió đã xoay chiều”. Vậy nguyên nhân của sự thay đổi bắt nguồn từ đâu?

Có vẻ như châu Âu đã quá mệt mỏi, chán nản với những nỗ lực bất thành trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine cũng như trong vấn đề trừng phạt Nga. Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Ukraine xếp hạng 142 (gắn với Uganda và quần đảo Comoros) trong danh sách các quốc gia có tình trạng tham nhũng nhiều nhất trên thế giới. Mặc dù Hiến pháp Ukraine đã cấm các quan chức nhà nước có doanh nghiệp làm ăn riêng, Tổng thống Poroshenko vẫn phớt lờ luật pháp và đến nay ông này vẫn là nguyên thủ quốc gia giàu nhất châu Âu trong khi lãnh đạo nước nghèo nhất khu vực.

Các nước phương Tây đã dùng mọi biện pháp đe dọa nhằm cải thiện tình hình, điển hình là Mỹ. Phó Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Ukraine về việc sẽ cắt viện trợ nếu vấn đề chống tham nhũng không được cải thiện. Dường như Mỹ đã bắt đầu “băn khoăn” về khoản viện trợ của nước này cho Kiev, cảm giác như đang rót tiền vào cái “thùng không đáy” Ukraine. Mỹ dần bỏ rơi Ukraine bởi Washington không thể ép Nga rời khỏi quốc gia này để giành được lợi thế chiến lược, trong khi nền kinh tế Ukraine đang sụp đổ nhanh chóng.

Vậy tại sao Thỏa thuận Minsk (tháng 2/2015) vẫn chưa là ánh sáng soi rọi con đường đi đến hòa bình cho Ukraine, hay ít nhất là ngăn chặn làn sóng xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ khi Nam Tư sụp đổ? Câu trả lời nằm ở sự ngoan cố của chính quyền Kiev với các vùng vốn đã vượt khỏi vòng kiểm soát của họ. Kiev đã thề sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào liên quan tới quyền tự trị cho các vùng do quân ly khai kiểm soát. Hay nói cách khác, Kiev sẽ chỉ chấp nhận một nhà nước duy nhất dưới quyền điều hành của họ, chứ không phải hình thức liên bang để có cái gọi là một nhà nước, hai chế độ.

Bị EU phủi tay và lật ngược thế cờ, Ukraine cần làm gì để thay đổi mang tính chất đột phá? Ngoài việc buộc phải chấm dứt nạn tham nhũng nhằm góp phần thuyết phục các nước châu Âu rót vốn đầu tư, Ukraine cần phải giải quyết thỏa đáng vấn đề miền Đông. Song vấn đề là liệu EU còn đủ niềm tin để quay lại Ukraine khi họ đã thất vọng trong khoảng thời gian quá dài?

Theo Hồng Giang

Thế giới và Việt Nam

Một cuộc chiến bị lãng quên - 2