Moldova: "Phương án B" của phương Tây nếu Ukraine thất thủ?
(Dân trí) - Moldova có thể trở thành bàn đạp cho các lực lượng phương Tây nhằm đối phó với Nga trong trường hợp Moscow giành chiến thắng ở Ukraine.
Trong bối cảnh xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, những diễn biến gần đây làm dấy lên đồn đoán rằng nước láng giềng Moldova có thể đã nằm trong "phương án B" của phương Tây trong trường hợp Ukraine thất thủ.
Lực lượng quân sự của Mỹ và Romania đã ở Moldova, bề ngoài là để tham gia cuộc tập trận quân sự mang tên JCET 2024 (Huấn luyện trao đổi chỉ huy chung) kéo dài từ ngày 1/4 đến 19/4.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Moldova, cuộc tập trận nhằm huấn luyện chung và trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng đặc biệt của Moldova, Romania và Mỹ, cũng như tăng mức độ tương tác giữa các lực lượng tham gia. Sự kiện năm nay cũng có sự tham dự của đại diện Cơ quan An ninh và Bảo vệ Nhà nước Moldova và Lực lượng Đặc biệt Pantera.
Những cuộc tập trận như vậy không phải mới lạ, nhưng có tính chất cấp bách mới trước cuộc xung đột đang diễn ra ở nước láng giềng Ukraine.
Quốc gia nhỏ bé Moldova có thể sẽ đối mặt với một cuộc xung đột lớn nếu phương Tây coi nơi này là vùng đệm để hỗ trợ Ukraine. Vẫn chưa rõ liệu phương Tây có thể làm được điều đó hay không, nhưng Moldova là một trong những quốc gia bất ổn nhất thế giới khi bị chia rẽ bởi các phần tử thân Liên minh châu Âu (EU) và phần tử thân Nga.
Moldova mắc kẹt giữa Nga và phương Tây
Moldova tuyên bố tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, song Nga vẫn coi Moldova nằm trong tầm ảnh hưởng của mình.
Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu với dân số khoảng 2,6 triệu người. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Moldova là 5.688 USD, trong khi khu vực Đông Âu nhìn chung có thu nhập bình quân đầu người là 11.855 USD.
Nước này từng có mối quan hệ gần gũi với Nga nhưng hiện theo đuổi mục tiêu gia nhập EU sau khi Tổng thống Mai Sandu lên nắm quyền vào năm 2020. Moldova đã nhận nguồn viện trợ đáng kể của phương Tây kể từ khi bà Sandu nhậm chức.
Trước khi mối quan hệ trở nên nguội lạnh, kinh tế Moldova phụ thuộc lớn vào Nga. Đặc biệt, Moldova phụ thuộc 100% vào nguồn cung khí đốt của tập đoàn Gazprom của Nga. Hàng trăm nghìn người Moldova làm việc tại Nga, hàng năm mang lại ngoại hối hơn 1 tỷ USD cho đất nước. Ngoài ra, 80% nông sản của Moldova được xuất khẩu sang Nga.
Moldova đã chao đảo do trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chính trị, và thường bị mắc kẹt giữa các lực lượng thân Nga và thân phương Tây. Moldova đang trải qua một cuộc nội chiến khi đất nước gần như bị chia thành 2 phe: một bên là phe ủng hộ EU và một bên là phe thân Nga. Phe thân EU đang nắm quyền.
Phe nắm quyền ở Moldova đã đưa các đảng và tổ chức đối lập thân Nga ra ngoài vòng pháp luật. Ngoài ra, đảng cầm quyền đã đóng cửa 13 cơ quan truyền hình và truyền thông với lý do có liên hệ với Nga. Cho đến giữa tháng 3, đảng thân EU không cho phép các ứng cử viên đối lập tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương hoặc quốc gia.
Chuyên gia Vladimir Bruter tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Nhân đạo Quốc tế cho rằng EU và NATO đang muốn tất cả các quốc gia mắc kẹt trong mối quan hệ với liên minh này và Nga sẽ nằm dưới sự kiểm soát của khối. Moldova là một trong số ít quốc gia đó.
"Moldova ngày nay là một lãnh thổ bị kẹt giữa phương Tây và Nga, và phương Tây sẽ không để quốc gia này nằm trong vùng xám đó", ông Bruter nói với Sputnik.
Kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, Moldova phải hứng chịu áp lực chính trị ngày càng lớn từ Nga nhằm đưa họ trở lại với phạm vi ảnh hưởng của Moscow.
Moldova đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây. Tháng 6 năm ngoái, nước này đã được trao tư cách ứng cử viên EU, cùng ngày với Ukraine. Tuy nhiên, để có tư cách thành viên toàn diện, Moldova sẽ phải trải qua một chặng đường dài.
Trong năm qua, căng thẳng ở Moldova liên tục gia tăng khi nước này phải đối mặt với một loạt vấn đề và sự cố đáng lo ngại. Đó là cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt cho Moldova. Quốc gia này cũng chứng kiến lạm phát tăng vọt và làn sóng người tị nạn từ nước láng giềng Ukraine vì xung đột.
Vào tháng 4, các vụ nổ đã xảy ra ở Tiraspol, thành phố lớn nhất của Transnistria - một khu vực đã tuyên bố ly khai khỏi Moldova vào đầu những năm 1990. Trong những tháng gần đây, một số tên lửa cũng được nhìn thấy bay ngang qua bầu trời Moldova và các mảnh vỡ tên lửa cũng rơi xuống lãnh thổ nước này.
Về mặt chính thức, Moldova được coi là một quốc gia trung lập. Mặc dù trung lập về mặt quân sự, Moldova đã tăng chi tiêu quốc phòng trong năm qua và gần đây đã thông qua một chiến lược an ninh quốc gia mới xác định Nga là mối đe dọa chính và nhằm tăng chi tiêu quốc phòng lên 1% GDP.
Chính phủ Moldova đang thảo luận về việc thay đổi hiến pháp để cho phép nước này tham gia các liên minh quân sự và có khả năng gia nhập NATO. Hiện nay, việc huấn luyện chung với nước ngoài, như Mỹ và Romania, sẽ vi phạm các quy định về tính trung lập của hiến pháp Moldova hiện hành.
Romania rất muốn xây dựng mối quan hệ quân sự với Moldova. Quốc gia này đang chờ phê duyệt dự luật cho phép họ can thiệp ở nước ngoài. Theo đó, các hành động cũng không bị giới hạn ở cấp độ quân đội mà còn có thể liên quan đến các hình thức can thiệp khác nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Trọng tâm của luật mới rõ ràng là tập trung vào Moldova và Ukraine.
Romania cung cấp 80-90% năng lượng cho Moldova. Họ đã xây dựng một đường ống dẫn khí đốt kết nối Cisenau với Romania do EU tài trợ phần lớn. Moldova tất nhiên không còn nhận khí đốt từ Nga.
Trong khi đó, theo các nguồn tin, có khoảng 600.000 công dân Romania ở Moldova. Romania đang tự định vị có vai trò "bảo vệ" Moldova trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các quốc gia khác cũng đang rất quan tâm đến Moldova. Đức điều động cảnh sát để củng cố biên giới giữa Moldova với Ukraine. Ngoài ra, Đức tham gia một dự án do EU tài trợ nhằm "đảm bảo an ninh" cho Moldova.
Pháp cũng đang sử dụng các đơn vị chủ chốt thuộc Quân đoàn Nước ngoài để làm việc tương tự. Theo truyền thông, 1.500 binh sĩ thuộc quân đoàn này của Pháp có thể sẽ được triển khai tới Ukraine hoặc Moldova vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Moldova trong kế hoạch B của phương Tây
Bản thân Moldova không có tầm quan trọng chiến lược nào. Tuy nhiên, nước này có thể trở thành bàn đạp cho một chiến lược của phương Tây nhằm vào thành phố Odessa ở miền nam Ukraine và bán đảo Crimea trong trường hợp Nga giành chiến thắng ở Ukraine.
Những gì châu Âu dường như đang ấp ủ là một kế hoạch dự phòng nào đó trong trường hợp quân đội Ukraine sụp đổ. Một Ukraine trong tương lai có thể bao gồm một khu vực bị Nga sáp nhập, một chế độ thân Nga ở Kiev, một vùng đệm nơi Moscow coi là một hàng rào ngăn chặn NATO đe dọa lãnh thổ Nga.
Tất nhiên, NATO muốn tạo đối trọng với Nga. Điều đó có thể có nghĩa là họ sẽ phải tìm cách bảo vệ Odessa và có lẽ đe dọa cả Crimea, nơi mà Nga coi là lãnh thổ quan trọng đối với an ninh của họ.
Tuy nhiên, kế hoạch biến Moldova thành vùng đệm sẽ gặp một số khó khăn. Nền chính trị nước này rất bất ổn, và nếu Nga thực sự tăng cường sức mạnh ở đây, phe thân EU có thể phải đối mặt với một tương lai u ám. Điều đó có khả năng khiến Moldova mất đi vai trò là vùng đệm của EU.
EU thông qua Romania và các nước khác có thể gửi quân tới để bảo vệ chế độ thân EU hiện nắm quyền, song điều này có thể dẫn đến xung đột nội bộ và chiến tranh.
Theo quan điểm của ông Bruter, phương Tây sẽ không đặt nhiều căn cứ NATO tại Moldova như nước láng giềng Romania. Tuy nhiên, Mỹ và NATO sẽ có khả năng kiểm soát cơ sở hạ tầng của Moldova. Ông Bruter cho rằng hiện tại phương Tây quan tâm đến các hạ tầng như tuyến đường sắt chạy qua Moldova được sử dụng để vận chuyển vật liệu quân sự đến Ukraine.
Ở chiều ngược lại, thay vì trở thành khu vực "bàn đạp" trong phương án B của phương Tây, Moldova có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga.
Trả lời phỏng vấn hãng tin VRT của Bỉ cuối năm ngoái, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Bỉ, Đô đốc Michel Hofman, cho biết không loại trừ khả năng Nga sẽ tấn công miền Nam Moldova hoặc các nước vùng Baltic nếu Moscow giành chiến thắng ở Ukraine. Khi đó, Nga có thể tìm cách tiến về phía Odessa của Ukraine và tiếp đến là Transnistria, tạo thành hành lang trên bộ vắt qua miền Nam Ukraine và tiến sát lãnh thổ NATO.
Tương tự Ukraine, Moldova theo đuổi kế hoạch gia nhập NATO và EU, Moldova cũng có vùng ly khai thân Nga là Transnistria - một dải đất trải dài khoảng 400km nằm dọc theo biên giới Ukraine.
Một cuộc chiến tranh ly khai nổ ra ở khu vực phía đông Transnistria vào năm 1990. Theo lệnh ngừng bắn vào năm 1992, một đội quân của Nga vẫn ở đó với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình trên danh nghĩa. Kể từ đó, khu vực này khẳng định họ không phải là một phần của Moldova và hầu hết trong số 470.000 người dân ở đây nói tiếng Nga.
Vào năm 2021, sau nhiều thập niên, người dân Moldova đã bầu ra các nhà lãnh đạo thân phương Tây để đưa nước này đi theo con đường phương Tây rõ ràng hơn.
Transdniestria là một khu vực ly khai lấy tên Cộng hòa Moldovan Pridnestrovian tự xưng (PMR), với thủ phủ là Tiraspol. Tuy nhiên, nghị viện châu Âu đã tuyên bố rằng khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Nga hiện có khoảng 1.500 binh sĩ cùng kho đạn khổng lồ ở Transdniestria
Quân đội Transdniestria gồm 5.000 quân nhân tại ngũ và 16.000 quân dự bị. Phần lớn thiết bị của họ đã lỗi thời.
Trong khi đó, Moldova có quân đội gồm 6.500 quân nhân tại ngũ và 2.000 lính nghĩa vụ hàng năm. Quốc gia này tuyên bố có lực lượng dự bị gồm 65.000 người.
Để di chuyển từ Moldova vào Ukraine, phương Tây sẽ cần phải kiểm soát được Transdniestria hoặc đưa lực lượng quân sự vào khu tự trị Gagauzia ở miền Nam, và điều này có thể sẽ gây ra một cuộc nội chiến.
Các nhà phân tích chỉ ra, tham gia vào cuộc xung đột sẽ không có lợi cho Moldova, thay vào đó, trung lập là lựa chọn tốt nhất cho quốc gia này để tự bảo vệ mình trước "cuộc chơi của những nước lớn".
Theo Asia Times, Sputnik, Foreign Policy