1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mối quan hệ giữa cựu Chủ tịch Interpol và “hổ lớn sa lưới” Chu Vĩnh Khang

(Dân trí) - Việc cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra và chính quyền Trung Quốc đề cập tới “tàn dư” của Chu Vĩnh Khang, trùm an ninh bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng, đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về mối quan hệ giữa hai quan chức cấp cao này.

 

Mối quan hệ giữa cựu Chủ tịch Interpol và “hổ lớn sa lưới” Chu Vĩnh Khang - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (trái) và cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. (Ảnh: SCMP)

Bộ Công an Trung Quốc ngày 8/10 cáo buộc Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ nhận hối lộ và một số tội danh khác. Vụ việc của ông Mạnh do Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, chịu trách nhiệm điều tra.

Trong thông báo phát đi vào nửa đêm, lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc tuyên bố sẽ xóa bỏ hoàn toàn “tàn dư độc hại” của Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc. Mặc dù đã về hưu nhưng vào năm 2015, ông Chu vẫn bị đưa ra tòa và chịu án chung thân vì tội lạm quyền, nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia.

Ông Mạnh Hoành Vĩ từng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc vào năm 2004 khi ông Chu Vĩnh Khang đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Việc ông Mạnh bị bắt gần đây đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về mối liên hệ giữa cựu Chủ tịch Interpol và trùm an ninh “ngã ngựa” trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một nguồn tin thân cận với gia đình ông Chu Vĩnh Khang cho biết ông Mạnh Hoành Vĩ chỉ có mối quan hệ công việc với ông Chu Vĩnh Khang và chưa bao giờ là thân tín của cựu Bộ trưởng Bộ Công an như đồn đoán.

“Ông Mạnh từng làm việc tại Bộ Công an rất lâu trước khi ông Chu lên nắm quyền lãnh đạo tại cơ quan quyền lực này vào đầu năm 2003. Ông Mạnh từng làm trợ lý bộ trưởng trong một số thời điểm trước khi ông Chu được bổ nhiệm. Ông Chu không hề có ý định cất nhắc ông Mạnh”, nguồn tin cho biết.

Cũng theo nguồn tin trên, mặc dù một số quan chức an ninh cấp cao sẵn sàng “chiều lòng” ông Chu Vĩnh Khang cũng như các thành viên trong gia đình ông này trong thời gian ông còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng “ông Mạnh rất ít khi liên lạc với ông Chu ngoài các vấn đề liên quan tới công việc trong khoảng thời gian này”.

Bà Grace Mạnh, vợ ông Mạnh Hoành Vĩ, gần đây cũng chia sẻ rằng chồng bà và ông Chu Vĩnh Khang không có quan hệ gần gũi, thậm chí bà còn nói ông Chu từng có ý định đánh bật ông Mạnh ra khỏi Bộ Công an Trung Quốc. Ngoài cựu bộ trưởng, Trung Quốc cũng tiến hành điều tra hàng trăm nhân vật gần gũi với ông Chu Vĩnh Khang trong ngành dầu khí Trung Quốc - nơi ông từng công tác, và cả trong Bộ Công an Trung Quốc.

Nhận định của chuyên gia

Mối quan hệ giữa cựu Chủ tịch Interpol và “hổ lớn sa lưới” Chu Vĩnh Khang - Ảnh 2.

Ông Mạnh Hoành Vĩ (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại phiên họp toàn thể của Interpol ở Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Kyodo)

Vào thời điểm năm 2015 khi ông Chu bị kết tội, ông Mạnh vẫn “bình an vô sự” dù là cấp dưới trực tiếp của ông Chu. Cuối năm 2016, một năm sau khi ông Chu chịu án tù chung thân, các trợ lý thân cận của ông Chu trong Bộ Công an Trung Quốc đều bị bắt giữ hoặc mất uy tín, ông Mạnh vẫn được bầu làm Chủ tịch Interpol và là người Trung Quốc đầu tiên đảm nhận chức vụ này.

Theo nhà bình luận chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh, việc ông Mạnh bị “ngã ngựa” không liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang.

“Nếu ông Mạnh thực sự là một thành viên trong phe phái của Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc sẽ không bao giờ đề xuất ông ấy làm lãnh đạo Interpol. Tôi nghĩ ông Mạnh đã mắc sai phạm khác, chứ không phải bị bắt vì có liên quan tới bất kỳ mưu đồ nào của Chu Vĩnh Khang, hay do là đồng minh chính trị của ông Chu”, chuyên gia Zhang nhận định.

“Thông báo được công bố sau khi các lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc nhóm họp cũng không chỉ ra bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa ông Chu Vĩnh Khang và ông Mạnh Hoành Vĩ, ngoài việc họ từng là đồng nghiệp trong lực lượng công an”, chuyên gia Zhang nói thêm.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất bị kết tội tham nhũng tại Trung Quốc kể từ năm 1949. Đây là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát dộng kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2012. Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, ông Chu là người giám sát toàn bộ bộ máy an ninh trong nước, tòa án và cơ quan công tố của Trung Quốc.

Các nhà phân tích của tạp chí Economist cũng đồng tình với quan điểm trên. “Nếu ông Chu và ông Mạnh có mối quan hệ cá nhân gần gũi, ông Mạnh không thể được Trung Quốc cất nhắc vào vị trí cấp cao tại Interpol sau khi ông Chu bị bỏ tù”, Economist nhận định.

Kể từ khi Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc được thành lập từ tháng 3 năm nay, 16 quan chức nước này đã bị phế truất khỏi vị trí công tác, trong đó chủ yếu với lý do “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và điều lệ đảng”. So với các quan chức Trung Quốc khác đang bị điều tra, ông Mạnh Hoành Vĩ chỉ bị điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Giáo sư Su Wei tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, hành vi phạm pháp của ông Mạnh có thể không chỉ liên quan tới tham nhũng, mà còn có thể “gây tổn hại cho an ninh quốc gia”. Zhu Lijia, chuyên gia về hành chính công tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nhận định thông báo của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy ông Mạnh Hoành Vĩ có thể đã “không chấp hành nghiêm chỉnh các điều lệ đảng.

Ông Mạnh Hoành Vĩ là Thứ trưởng thứ hai của Bộ Công an Trung Quốc bị điều tra sau đại hội đảng lần thứ 18 của Trung Quốc. Cựu Thứ trưởng Li Dongsheng từng bị kết án 15 năm tù vì nhận hối lộ hồi tháng 1/2016.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm