Mối đe dọa lơ lửng trên không với chiến dịch phản công lớn của Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, Nga đang sử dụng với tần suất cao các UAV tự sát, gây ra mối đe dọa trên không đối với dàn vũ khí mà Ukraine đang sử dụng cho cuộc phản công lớn.
Forbes đưa tin, các video và báo cáo từ chiến trường cho thấy Nga đang tăng cường triển khai các loại UAV tự sát, còn gọi là đạn lảng vảng, để ngăn đà phản công của Ukraine. Chuyên gia chỉ ra rằng Nga đang sử dụng các UAV tự sát góc nhìn thứ nhất (FPV).
Theo Forbes, dù chỉ là các vũ khí đơn giản nhưng dòng UAV này có thể gây ra mối đe dọa lớn cho các vũ khí, khí tài hiện đại như xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ.
Theo Sam Bendet, chuyên gia quân sự tại tổ chức CNA (Mỹ), Nga gần đây đã thúc đẩy mạnh mẽ việc huấn luyện binh sĩ, tình nguyện viên huấn luyện sử dụng UAV tự sát trong chiến đấu.
Các UAV tự sát hoạt động theo cơ chế bay lơ lửng trên không, chờ thời điểm thích hợp để lao xuống tấn công mục tiêu. Có 2 loại UAV theo dạng này: phiên bản quân sự có kích thước lớn hơn như Phoenix Ghost của Mỹ và Lancet-3M của Nga; cũng như các UAV kích thước nhỏ được cải tiến từ các máy bay không người lái dân sự.
Với các UAV FPV, người điều khiển sẽ đeo kính thực tế ảo để lái máy bay. Với chế độ quan sát ở góc nhìn thứ nhất, quân nhân sẽ xác định vị trí mục tiêu, điều khiển UAV lao xuống, mang theo đầu đạn xuyên giáp hoặc thuốc nổ.
Một đoạn video đăng tải ngày 10/6 cho thấy xe tăng Leopard 2A6 bị UAV Lancet của Nga đánh trúng và phá hủy. Trong khi đó, một đoạn video khác do phía Nga đăng tải cho thấy 3 UAV FPV lao xuống xe tăng Leopard. Ngoài ra, các UAV này cũng tấn công những phương tiện bọc thép khác như thiết giáp kháng mìn MRAP, thiết giáp Humvee, các loại xe chiến đấu M113 và Bradley.
Đạn lảng vảng đang đặt ra một thách thức mới so với các vũ khí chống tăng trước đây, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong nhiều thập niên, lính bộ binh đã dùng 2 loại vũ khí chống tăng chính là tên lửa vác vai hoặc tên lửa dẫn đường có kích thước lớn hơn. Phương pháp cơ bản để đối phó với 2 mối đe dọa này là dùng hỏa lực gấp đôi từ pháo binh, súng máy vào các vị trí triển khai để áp chế.
Tuy nhiên, đạn lảng vảng lại là một mối đe dọa khác. Người điều khiển UAV có thể ở cách xa vài km, ẩn trong boongke và không thể trở thành mục tiêu cho hỏa lực chế áp. Và đạn lảng vảng có thể bay vòng quanh hoặc tấn công từ trên cao.
Ngoài ra, đạn lảng vảng có tầm bắn lớn hơn nhiều so với vũ khí bộ binh truyền thống. Ngay cả một UAV FPV cơ bản cũng có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 10km và Lancet-3 của Nga có phạm vi đột kích lên tới 40km, cho phép UAV này tìm kiếm và tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên một khu vực rộng lớn.
Các biện pháp gây nhiễu có thể hiệu quả chống lại các UAV thương mại cỡ nhỏ, nhưng cũng không đủ để đánh chặn các UAV tấn công bay ở tầm rất thấp.
Mặt khác, Ukraine cũng đang xây dựng một đội UAV FPV hùng hậu, huy động mọi nguồn lực từ chính phủ, viện trợ cho tới các nhóm tình nguyện và tổ chức tư nhân tham gia. Đây cũng có thể được xem là mối đe dọa lớn cho Nga trong giai đoạn kế tiếp dù Moscow cũng được xem là cường quốc tác chiến điện tử.