“Mổ xẻ” chương trình tên lửa đáng gờm của Triều Tiên
(Dân trí) - Triều Tiên được tin là sở hữu hơn 1.000 quả tên lửa khả năng khác nhau, trong đó có các tên lửa tầm xa có thể tấn công Mỹ một ngày nào đó.
Đồ hoạ mô phỏng tầm xa của các tên lửa Triều Tiên.
Chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đã tiến bộ trong vài thập niên qua từ các pháo phản lực chiến thuật vào những năm 1960 và 70 tới các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn vào những năm 1980 và 90. Các tên lửa có tầm bắn xa hơn được tin là đang được nghiên cứu và phát triển.
Theo Hội đồng quan hệ đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu chính sách độc lập tại Mỹ, một số tên lửa của Triều Tiên cũng có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được tin là chưa phát triển những đầu đạn như vậy.
Chương trình tên lửa của Triều Tiên chủ yếu được phát triển từ các loại tên lửa Scud.
Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên sở hữu các tên lửa chiến thuật từ Liên Xô vào năm 1969 nhưng các tên lửa Scud đầu tiên được cho là nhận từ Ai Cập vào năm 1979. Ai Cập được cho là đã cung cấp cho Triều Tiên các tên lửa và các bản thiết kế để đổi lấy sự ủng hộ của nước này nhằm chống lại Israel trong cuộc chiến Yom Kippur.
Nhưng vào năm 1984, Triều Tiên đã thiết kế các tên lửa Scud của riêng mình, Hwasong-5 và Hwasong-6, cũng như một loại tên lửa tầm trung, Nodong. Tên lửa mới nhất của Triều Tiên kết hợp các công nghệ này là một loại tên lửa tầm xa, Taepodong.
Các tên lửa tầm ngắn
Triều Tiên được tin sở hữu nhiều tên lửa tầm ngắn, như KN-02, có thể bay xa 120km và nhắm tới các địa điểm quân sự tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc.
Hwasong-5 và Hwasong-6, được biết tới là Scud-B và C, có tầm bắn xa hơn, 300 và 500km, theo Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ. Các tên lửa này có thể mang đầu đạn thông thường, nhưng cũng có thể có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, hoá học và sinh học.
Các chuyên gia quân sự tin rằng Hwasong-5 và 6 đều đã được thử nghiệm và triển khai, và cho phép Triều Tiên tấn công bất kỳ nơi nào tại Hàn Quốc.
Quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên vẫn căng thẳng và về mặt kỹ thuật hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh. 2 miền Triều Tiên chưa từng ký một hiệp định hoà bình sau thoả thuận ngừng bắn kết thúc cuộc xung đột 1950-53.
Hai nước bị chia cắt bởi một trong những đường biên giới đường canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới và cả hai nước đều có lực lượng quân đội hùng mạnh.
Triều Tiên đã theo đuổi một chương trình vào cuối những năm 1980 nhằm chế tạo tên lửa mới, được gọi là Nodong, với tầm xa khoảng 1.000km. Mục tiêu tiềm năng của nó là Nhật Bản.
Nhưng, theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Tại Anh, rất ít thông tin được biết tới về việc phát triển, sản xuất và triển khai tên lửa Nodong.
Viện Anh tin rằng Nodong không đủ độ chính xác để sử dụng hiệu quả nhằm đối phó với các mục tiêu quân sự, như các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.
Một báo cáo tháng 3/2006 của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ, kết luận rằng Nodong có sai số khoảng 2-4km, có nghĩa là 50% số tên lửa được bắn ra có thể rơi ngoài bán kính đó.
Do đó, các nhà phân tích tin rằng nếu Nodong được sử dụng như một vũ khí chống lại Nhật Bản, nó có thể dẫn tới thương vong cao đối với các dân thường.
Tên lửa Musudan
Musudan, được biết tới là Nodong-B hay Taepodong-X, là tên lửa đạn đạo tầm trung. Các mục tiêu tiềm năng của nó là Okinawa (Nhật Bản) và các căn cứ của Mỹ tại Thái bình Dương.
Ước tính tầm bắn của Musudan rất khác nhau. Tình báo Israel tin rằng Musudan có tầm xa 2.500km, trong khi Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ nói Musudan có tầm xa 3.200km, các nguồn tin khác ước tính giới hạn cao nhất là 4.000km.
Những khác biệt trên phần lớn là do Musudan chưa bao giờ được thử nghiệm công khai, theo Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ. Cũng không rõ trọng tải của nó.
Tên lửa aepodong-1 và 2 (bao gồm cả tên lửa đẩy Unha)
Taepodong-1 - được biết tới là Paektusan-1 tại Triều Tiên - là tên lửa đa tầng đầu tiên của nước này.
Dựa vào các bức ảnh vệ tinh, Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (FAS), một tổ chức nghiên cứu chính sách độc tập, tin rằng tầng đầu tiên là một tên lửa Nodong và tầng thứ 2 là Hwasong-6.
Nó có tầm xa ước tính 2.200km, nhưng được cho là thậm chí còn thiếu chính xác hơn Nodong.
Taepodong-1 được tin là đã được bắn thử một lần vào tháng 8/1998 với chức năng là tên lửa đẩy. Thay vì mang một tọng tải tên lửa đạn đạo thông thường, tên lửa mang tầng thứ 3 nhằm đưa một vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo thấp của trái đất.
FAS tin rằng mặc dù 2 tầng đầu đã hoạt động, nhưng tầng thứ 3 không hoạt động đúng như thiết kế và vệ tinh không đi vào quỹ đạo. FAS cũng nhận định có khả năng Taepodong-1 chỉ nhằm được phát triển thành một tên lửa đẩy và không bao giờ trở thành một tên lửa quân sự tầm trung.
Taepodong-2 - hay Paektusan-2 - cũng là một tên lửa đạn đạo 2-3 tầng nhưng tiến bộ vượt bậc so với Taepodong-1. Tầm xa của nó nước tính từ 5.000-15.000km. Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ ước tính tầm xa của nó là 6.000km.
Taepodong-2 và công nghệ của nó đã được thử nghiệm 2 lần, vào năm 2006 và 2009, nhưng cả 2 lần đầu thất bại.
Vào sáng sớm ngày 5/7/2006, Taepodong-2 chỉ bay được 42 giây trước khi phát nổ, theo các nguồn tin Mỹ.
Một phiên bản tên lửa đẩy 3 tầng của Taepodong-2 sau đó đã được sử dụng trong nỗ lực nhằm đưa một vệ tinh vào quỹ đạo tháng 4/2009 nhưng thất bại. Vụ phóng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ là nguỵ trang cho một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa.
Triều Tiên gọi phiên bản tên lửa đẩy của Taepodong-2 là Unha - trong tiếng Triều Tiên có nghĩa là Ngân hà.
Mặc dù các vụ phóng tên lửa và vũ trụ có các đường bay hơi khác nhau và tên lửa có thể được sử dụng cho mục đích này hay mục đích kia, nhưng công nghệ cơ bản được sử dụng là giống nhau, cả về cấu trúc, động cơ và nhiên liệu.
Nếu tên Taepodong-2 được phóng thành công và đạt tới tầm xa tối đa như dự đoán, sức mạnh của nó có thể đặt Australia và các khu vực của nước Mỹ, cùng các nước khác, trong tầm ngắm.
An Bình
Theo BBC