1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Bình Nhưỡng thừa nhận thất bại của vụ phóng tên lửa

(Dân trí) - Khoảng 6 tiếng sau vụ phóng tên lửa nhằm đưa một vệ tinh quan trắc vào quỹ đạo, Triều Tiên hôm qua đã thừa nhận thất bại. Đây được cho là lần thừa nhận thất bại hiếm hoi của nước này. Vì sao vậy?

 

Vì sao Bình Nhưỡng thừa nhận thất bại của vụ phóng tên lửa
Phát thanh viên Triều Tiên thông báo về thất bại của vụ phóng vệ tinh Triều Tiên.
 

Những lần phóng vệ tinh trước đó của Triều Tiên vào năm 1998 và 2009 bị nhiều người coi là thất bại. Lần phóng gần đây nhất chỉ bay lên không trung được 40 giây. Tuy nhiên Triều Tiên lại khẳng đinh họ đã phóng thành công ít nhất một vệ tinh vào quĩ đạo, và rằng vệ tinh đó đang phát đi các bản nhạc ái quốc.

 

Trong khi đó, lần này Morris Jones, một phân tích gia không gian độc lập, người theo dõi các chương trình hỏa tiễn ở châu Á, cho biết ông  “hơi ngạc nhiên” khi Triều Tiên thừa nhận thất bại, nếu xét về tinh thần quốc gia quyết liệt trong bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên.

 

Mặc dù vậy, ông nói rằng vụ phóng không thành công được coi là một trở ngại đáng kể cho chương trình phi đạn của Triều Tiên và là thất bại lớn đối với tân lãnh đạo Kim Jong-Un. Theo ông, Triều Tiên có thể đã cảm thấy áp lực buộc phải thừa nhận thất bại một phần vì sự hiện diện đông đảo và chưa từng có của báo chí nước ngoài được mời đến để chứng kiến vụ phóng này tận mắt.
 

Giáo sư Takesada Hideshi, thuộc trường đại học Yonsei, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, cho biết đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên thừa nhận thất bại trong một vụ phóng tên lửa. Vì vậy động thái rất đáng chú ý của một Triều Tiên mới dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-Un. Theo ông, có lẽ, Triều Tiên chấp nhận lập trường thừa nhận thất bại. Nhưng cùng lúc đó sẽ tiếp tục tiến hành cải tiến công nghệ.

 

Trong vụ phóng tên lửa năm 2009, bộ phận đẩy tầng tên lửa thứ nhất không được trang bị các cánh để kiểm soát sự ổn định. Nhưng tên lửa được phóng đi ngày hôm qua được trang bị các cánh nói trên. Trông nó giống hệt như tên lửa đẩy vệ tinh mà Iran đã từng phóng thành công. Rất có thể Triều Tiên sử dụng công nghệ của Iran.

 

Triều Tiên đã khá tự tin vào khả năng thành công của mình. Bằng chứng là họ đã cho báo chí nước ngoài chiêm ngưỡng tên lửa Unha-3. Điều này có thể cho thấy Triều Tiên gần như tin là vụ phóng tên lửa lần này sẽ không thể thất bại vì Iran đã từng thành công trước đó.
 
Ngoài ra, động thái thừa nhận thất bại cũng cho thấy sự tự tin của một bộ phận lãnh đạo của Triều Tiên cũng như tham vọng thực hiện các vụ phóng tương tự với mức độ thường xuyên hơn trong tương lai của Bình Nhưỡng. Tổng biên tập tuần báo quốc phòng IHS Jane cho biết, những ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân thứ 3.

 

Một nguyên nhân khác cho việc Triều Tiên thừa nhận thất bại, theo giáo sư Hideshi, có thể là nước này đang cố gắng tránh các biện pháp trừng phạt mới từ cộng đồng quốc tế, trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển tên lửa vì mục đích quân sự. Có thể Triều Tiên tính toán rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ nước này mạnh mẽ hơn bao giờ hết để tránh nguy cơ bị trừng phát mới nếu nước này minh bạch hóa trong việc công bố thông tin và thừa nhận thất bại trong việc phóng vệ tinh.
 
 
Phan Anh
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm