1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

"Mổ xẻ" chính sách tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á

Liệu Mỹ có tiếp tục thực thi chính sách xoay trục ở Đông Nam Á và coi ASEAN là trọng tâm trong chiến lược này?

Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế cấp cao Peter Chalk, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu phi lợi nhuận RAND đã phần nào đưa ra câu trả lời trong bài viết vừa đăng tải trên trang mạng Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI).

mo xe chinh sach tai can bang cua my o dong nam a
Ảnh minh họa: Chính sách “tái cân bằng ở châu Á” được công bố vào tháng 1/2012 (Nguồn: VOV)

Mỹ từng có mặt ở Đông Nam Á trong một thời gian dài. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đánh giá đây là một khu vực có tầm quan trọng đáng kể, là nơi để ngăn chặn mối đe dọa chiến lược từ Liên Xô lúc đó. Tuy nhiên, mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực này đã giảm đi sau khi Liên Xô sụp đổ và các điểm nóng khác cấp bách hơn nổi lên ở Tây Âu, Trung Đông và Đông Bắc Á.

Can dự có kế hoạch

Tổng thống Barack Obama chính thức công bố chính sách “tái cân bằng ở châu Á” vào tháng 1/2012. Đây được coi là sự "xoay trục" của Washington, với nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải củng cố quan hệ với các quốc gia đối tác trong khu vực. Với chính sách đó, Mỹ hiểu rằng cần phải tận dụng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của những nước này để xây dựng một mạng lưới đồng minh và đối tác nhằm duy trì và củng cố trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết hiệu quả các thách thức trong khu vực.

Mỹ đã theo đuổi bốn lĩnh vực hợp tác chính với nhiều cam kết song phương và đa phương với các nước Đông Nam Á như hỗ trợ sự phát triển của Cộng đồng ASEAN; Hỗ trợ cải cách quốc phòng và tái cơ cấu; Tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ thảm họa nhân đạo; Hỗ trợ đối phó với nguy cơ khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Sự can dự có kế hoạch này thể hiện việc Mỹ đánh giá ngày càng cao tầm quan trọng của ASEAN như một khối thống nhất.

Tuy nhiên, sự quan tâm này cũng liên quan khá nhiều đến sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể là những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và các nguy cơ từ sự bành trướng này đối với tự do hàng hải trên một trong những tuyến đường năng lượng và thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.

Kế hoạch thiếu vững chắc?

Chiến lược xoay trục mang lại cho Mỹ cơ hội về địa chiến lược và về thể chế, giúp Washington cân bằng và bù đắp các “thiệt hại” trước những ảnh hưởng ngày một tăng trong khu vực của Trung Quốc. Song nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch tái cân bằng của Mỹ thiếu vững chắc và đặt câu hỏi liệu Washington có thể kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh, nhất là trong vấn đề Biển Đông, bằng cách tích cực can dự vào châu Á.

mo xe chinh sach tai can bang cua my o dong nam a
Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN tại Mỹ. (Nguồn: AP)

Thực tế là hiện nay Trung Quốc vẫn chưa hề có bất kỳ nỗ lực cụ thể nào trong việc giải quyết các tranh cãi về chủ quyền trên Biển Đông đối với một số quốc gia ven biển như Philippines. Trong khi đó, Bắc Kinh dường như lại đang theo đuổi một lập trường ngày càng quyết đoán, liên tục có các hành động đơn phương gây tranh cãi nhằm khẳng định và củng cố quyền kiểm soát đối với tất cả vùng lãnh thổ trong phạm vi cái mà Trung Quốc gọi là "đường chín đoạn".

Do đó, không ít người nhận định chính sách xoay trục của Mỹ thực tế đã thất bại trong việc bảo đảm Trung Quốc trỗi dậy với vai trò là “đối tác có trách nhiệm” nhằm củng cố và duy trì trật tự vốn có trong khu vực.

Vấn đề cốt lõi đang đặt ra là liệu Mỹ có tiếp tục thực thi chính sách coi ASEAN là trọng tâm trong chiến lược can dự vào châu Á nữa hay không? Cuối năm nay, có thể một tổng thống không thuộc đảng Dân chủ sẽ nắm quyền điều hành nước Mỹ, do đó, ưu tiên của Washington có thể sẽ thay đổi và trở lại tập trung phối hợp giải quyết những điểm nóng ở Trung Đông và châu Âu.

Ngay cả trong trường hợp các chính đảng không làm chệch hướng chính sách xoay trục ở Đông Nam Á thì họ cũng bị hạn chế về ngân sách. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng có thể cản trở đáng kể việc triển khai các hạng mục đầu tư lớn và cần thiết để tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á.

Nếu tiếp tục duy trì chính sách này, rõ ràng thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt sẽ là thuyết phục Trung Quốc rằng việc Washington quay trở lại Đông Nam Á không phải để ngăn chặn Bắc Kinh, mà là để khôi phục và tăng cường quan hệ đối tác tại một trong những khu vực quan trọng của thế giới.

Để đạt được điều này, Mỹ có thể tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực cứu trợ thảm họa tự nhiên và an ninh xuyên quốc gia nhằm mang lại sự tự tin cần thiết để giải quyết vấn đề nhạy cảm ở Biển Đông.

Cụ thể hơn, Washington nên thể hiện với Bắc Kinh rằng chính phủ hai nước có nhu cầu chung là hợp tác để đối phó với một loạt mối đe dọa toàn cầu, nhất là các thách thức xuyên biên giới đang hiện hữu ở Đông Nam Á. Sự hợp tác này sẽ khó đạt hiệu quả trong một môi trường tồn tại cạnh tranh quyền lực giữa hai bên tại khu vực.

Theo Hằng Phạm (tổng hợp)

Thế giới và Việt Nam