1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Miền Đông Ucraina tiếp tục căng thẳng trước giờ ngừng bắn

Thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ucraina đang bị đe dọa nghiêm trọng khi đến sát ngày thực thi thỏa thuận, tình hình chiến sự tại khu vực này vẫn diễn biến phức tạp và căng thẳng.

Theo thỏa thuận vừa đạt được tại Hội nghị hòa bình ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 12-2, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-2 (giờ Kiev, tức khoảng 5 giờ sáng 15-2 theo giờ Việt Nam), các bên tham chiến ở miền Đông Ucraina ngừng bắn và bắt đầu rút các vũ khí hạng nặng khỏi khu vực xung đột.
 
Tuy nhiên, theo AFP, đến sát ngày ngừng bắn, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn tại miền Đông Ucraina, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng chỉ riêng trong ngày 13-2. Quân đội Ucrai-na cho biết, lực lượng đòi độc lập tại miền Đông vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng tại các khu vực xung đột. Căng thẳng cũng chưa có dấu hiệu lắng xuống xung quanh thị trấn chiến lược Debaltseve. Quân đội Ucraina cáo buộc các tay súng miền Đông tấn công một ga đường sắt đã bị bao vây nằm giữa thành trì của lực lượng đòi độc lập ở Donetsk và Lugansk.
 
Lực lượng quân đội Ucraina tại khu vực gần thị trấn Debaltseve ngày 13-2 (Ảnh: AP)
Lực lượng quân đội Ucraina tại khu vực gần thị trấn Debaltseve ngày 13-2 (Ảnh: AP)

... Người phát ngôn quân đội Ucraina Anatoly Stelmakh ngày 14-2 được dẫn lời nhấn mạnh: "Tình hình vẫn chưa tạm lắng, hơn nữa phe ly khai tiếp tục tấn công Debaltseve". Thị trấn này là một đầu mối giao thông chiến lược ở phía đông bắc thành phố Donetsk, nơi diễn ra những cuộc giao tranh dữ dội nhất trong vài tuần qua.

Đáng chú ý, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã công bố báo cáo cho biết, trong các trận pháo kích ở thành phố Lugansk thuộc quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ucraina đã xuất hiện đạn chùm, là vũ khí bị cấm theo luật quốc tế.

Cùng ngày, nhóm các nước công nghiệp phát triển hay còn gọi là G7 (gồm Đức, Anh, Italia, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản) đã ra tuyên bố nêu rõ, việc thực hiện thỏa thuận Minsk cho thấy triển vọng đạt được một giải pháp hòa bình toàn diện và dài hạn cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ucraina. Tuy nhiên, G7 cũng bày tỏ sự quan ngại tình hình chiến sự ở thị trấn Debaltseve không có dấu hiệu giảm nhiệt. G7 kêu gọi các bên xung đột nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận và triển khai ngay lập tức các biện pháp sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, đồng thời tuyên bố sẵn sàng thi hành các biện pháp cần thiết đối với những ai vi phạm thỏa thuận Minsk, cũng như vi phạm chế độ ngừng bắn và đảm bảo rút vũ khí hạng nặng.

Tổng thống Ucrai-na Petro Poroshenko cũng cho rằng, bất chấp việc thỏa thuận được ký kết, song nguy cơ leo thang xung đột tại khu vực Donbass ở miền Đông Ucraina vẫn còn nguyên. Theo ông Poroshenko, không có gì bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ được thực thi. Tổng thống Ucraina cho biết, nếu lệnh ngừng bắn không được thực hiện đúng thời hạn đã định, ông sẽ đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng châu Âu về vấn đề này.

Trong khi đó, AFP cho hay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp vào hôm nay (15-2), để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ucraina vừa đạt được tại Minsk ngày 12-2. Dự kiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ phê chuẩn một nghị quyết do Nga soạn thảo, theo đó kêu gọi tất cả các bên thực thi thỏa thuận liên quan tới lệnh ngừng bắn.

Theo Anh Vũ
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm