Mì ăn liền đắt hàng tại Trung Quốc giữa thương chiến Mỹ - Trung
(Dân trí) - Lượng tiêu thụ mì ăn liền Trung Quốc tăng khá mạnh trở lại sau đà giảm vài năm trước làm dấy lên lo ngại rằng người tiêu dùng nước này có thể đang “thắt lưng buộc bụng” vì nỗi lo triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.
Theo SCMP, sự tăng trưởng nhanh về mặt doanh số của mặt hàng mì ăn liền tại Trung Quốc dường như đang củng cố cho một luận điểm kinh tế rằng người tiêu dùng tại quốc gia đông dân số nhất trên thế giới đang cắt giảm chi tiêu vì nỗi lo liên quan tới suy thoái kinh tế.
Cuộc tranh luận này được đánh giá là quan trọng vì chính phủ Trung Quốc đang dựa vào sức mua của người tiêu dùng để ủng hộ cho nền kinh tế trong bối cảnh họ đang kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nếu người Trung Quốc giảm chi tiêu, triển vọng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại đáng kể.
Tiêu thụ mì ăn liền ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong bắt đầu giảm từ năm 2014, một phần vì sự bùng nổ của các doanh nghiệp vận tải đồ ăn mang tới những bữa ăn giá rẻ. Doanh số mì ăn liền giảm xuống 38,5 tỷ khẩu phần vào năm 2016, nhưng đã tăng trở lại 40 tỷ vào năm 2018, chiếm 38,8% tổng tiêu thụ toàn cầu, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới. Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ tiếp tục tăng vào năm nay.
Mì ăn liền là sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng gắn liền với quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc trong 40 năm qua. Doanh số mặt hàng này tăng nhanh chóng tương ứng với sự gia tăng của tầng lớp công nhân, và giảm tỉ lệ nghịch với sự tăng của nhóm trung lưu Trung Quốc, những người có thu nhập cao hơn và chi tiền nhiều hơn để mua đồ ăn.
Cùng với mì tôm, doanh số xe hơi cũng là một trong những thước đo về sức tiêu thụ của người Trung Quốc. Việc tăng mua các sản phẩm giá trị lớn và giảm mua sản phẩm giá trị thấp sẽ cho thấy một phần xu hướng tiêu dùng của người dân nước này.
Trên thực tế, doanh số xe hơi Trung Quốc đã giảm liên tục trong 14-15 tháng qua, theo Hiệp hội sản xuất xe hơi Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu bắt nguồn từ sự kết hợp giữa việc thu nhập tăng chậm, tỉ lệ nợ tăng cao và nỗi quan ngại về triển vọng kinh tế cũng như việc làm. Những yếu tố này tác động khiến người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn với việc chi tiền.
Thêm vào đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tiếp tục đà giảm trong những tháng gần đây, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Quan điểm của nhà nước
Truyền thông nhà nước Trung Quốc lại đánh giá việc doanh số mì ăn liền gia tăng trong thời gian qua theo một hướng tích cực hơn. Họ cho rằng đó là câu chuyện thành công về việc không ngừng cải tiến sản phẩm thu hút người tiêu dùng thể hiện qua việc nhiều phiên bản mì ăn liền cao cấp hơn vẫn đang được tiêu thụ.
“Sự quay trở lại của mì ăn liền và rau bảo quản không phải vì người mua giảm mức tiêu dùng mà vì các công ty đã nắm bắt được cơ hội thị trường cho người Trung Quốc để cải tiến thông qua khác biệt hóa và giới thiệu những sản phẩm phân khúc cao hơn”, một bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo viết hồi tháng trước.
Tingyi Holding, công ty sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc, cho biết giá trị hàng bán của sản phẩm này đã tăng 3,68% từ năm 2018 lên 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm, theo hồ sơ giao dịch được gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong.
Sự tăng trưởng này phần lớn là vì các sản phẩm mì cao cấp có giá đắt hơn một tô mì bò phục vụ trong một số nhà hàng ở Trung Quốc.
Chuyên gia Meng Suhe, Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Trung Quốc cho rằng người Trung Quốc đã chi tiêu mạnh tay hơn vì sự đa dạng của các sản phẩm.
Tuy nhiên, tăng trưởng thu nhập bình quân tại Trung Quốc, yếu tố quyết định tới sức tiêu thụ tại một thị trường, lại chứng kiến sự sụt giảm. Điều này một phần tác động tới sức mua của những người có thu nhập thấp và trung bình.
Mặc dù vậy, các hộ gia đình thu nhập cao cũng trở nên thận trọng hơn với việc chi tiền. Công ty tư vấn Hurun Report chỉ ra rằng chỉ số giá tiêu dùng xa xỉ tại Trung Quốc đã giảm trong năm nay, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015.
Trong khi đó, ông Tao Dong, giám đốc điều hành của Credit Suisse Private Banking Asia-Pacific khẳng định rằng sức tiêu thụ “hình thành trên kỳ vọng thu nhập tương lai”.
“Triển vọng về thu nhập trở nên bất ổn và người tiêu dùng dĩ nhiên sẽ thận trọng hơn với việc chi tiêu”, chuyên gia trên bình luận.
Đức Hoàng
Theo SCMP