MH370: Cuộc tìm kiếm khó khăn nhất trong lịch sử hàng không
(Dân trí) - Cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 đã thu hẹp trong những ngày gần đây sau khi ảnh vệ tinh cho thấy mảnh vỡ nghi của máy bay ngoài khơi thành phố Perth (Úc). Nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng đây có thể là cuộc tìm kiếm khó khăn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.
Khu vực tìm kiếm đã thay đổi về quy mô nhiều lần. Lúc rộng nhất, nó diễn ra trên khu vực rộng 7,8 triệu km2, tương đương 11% Ấn Độ Dương và 1,5% bề mặt trái đất. Trong các giai đoạn tìm kiếm ban đầu, các tàu, máy bay và các vệ tinh đã rà soát 2 hành lang, kéo dài từ Malaysia tới phía bắc và phía nam.
Nhưng dần dần, khi các bằng chứng bắt đầu cho thấy máy bay đi về phía nam tới nam Ấn Độ Dương, cuộc tìm kiếm bắt đầu tập trung vào một khu vực ở phía tây nam thành phố Perth.
Các bức ảnh vệ tinh về các khu vực lớn chứa nhiều mảnh vỡ trong những ngày gần đây đã thu thu hẹp hơn nữa cuộc tìm kiếm xuống 2 vùng - rộng 55.000 km2 ở phía tây và 22.000 km2 ở phía đông.
Các tàu hiện đang có mặt tại khu vực để tìm kiếm các mảnh vỡ của MH370 cùng một loạt các máy bay tìm kiếm chuyên dụng. Tuy nhiên, hôm qua 27/3, Cơ quan an toàn hàng hải Úc (AMSA), vốn điều phối chiến dịch tìm kiếm, cho biết đã rút toàn bộ 11 máy bay về đất liền do thời tiết xấu. Cho tới nay, chưa một mảnh vỡ nào của MH370 được trục vớt.
Tổng cộng 6 quốc gia đang trợ giúp chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chuyến bay MH370 - gồm Úc, New Zealand, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chiến dịch đang được sự phối hợp của giới chức Malaysia, vốn cũng đang hợp tác với Cục tình báo trung ương Mỹ (FBI), Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) và các tổ chức thực thi pháp luật quốc tế khác.
Các thành viên từ Cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc và giới chức từ Văn phòng điều tra và phân tích an toàn hàng không dân sự cũng tham gia cuộc điều tra vụ mất tích bí ẩn của MH370.
Pháp đang hi vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm từ vụ tìm kiếm kéo dài 2 năm chuyến bay 447 của Air France, vốn rơi xuống gặp nạn ở Đại Tây Dương hồi năm 2009, làm toàn bộ 228 người thiệt mạng.
Công ty vệ tinh Anh Inmarsat cùng Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Anh cũng cung cấp các phân tích dữ liệu vệ tinh chi tiết để trợ giúp cuộc tìm kiếm.
Các thiết bị chủ chốt đang được sử dụng
Thiết bị dò tìm tiếng “ping” (TPL) (màu vàng).
Thiết bị sẽ được kéo dưới nước sau một tàu ở tốc độ chậm và sử dụng hydrophone - thiết bị dò rất nhạy cảm - để phát hiện bất kỳ tín hiệu siêu âm nào từ hộp đen của máy bay.
Tàu ngầm mini robot, Bluefin-21.
Con tàu cũng sẽ chở một tàu ngầm mini robt, Bluefin-21, do hải quân Mỹ cung cấp.
Bluefin 21 có định thiết bị định vị và thiết bị đo sâu đa tia, vốn có thể rà soát các vật thể dưới nước chi tiết và hoạt động ở độ sâu tới 4.500 m.
2 máy bay Ilyushin Il-76 của Trung Quốc cũng đang hoạt động từ căn cứ Pearce của không quân hoàng gia Úc gần thành phố Perth.
Khu vực tìm kiếm ở Ấn Độ Dương hẻo lánh tới nỗi một máy bay phải mất 4 giờ để bay tới đó và 4 giờ để quay trở lại, đồng nghĩa với việc chỉ còn đủ nhiên liệu trong 2 giờ để tìm kiếm các mảnh vỡ MH370.
Một loạt các tàu cũng có mặt tại khu vực, trong đó có HMAS Success, một tàu chở dầu hải quân, được trang bị cần trục có thể được sử dụng để trục vớt bất kỳ mảnh vỡ nào.
Một số tàu của Trung Quốc, trong đó có tàu phá băng Xue Long, cũng đang trợ giúp cuộc tìm kiếm, trong khi tàu khảo sát đa năng HMS Echo của Anh đang trên đường tới khu vực.
Xem video:
An Bình
Theo BBC