1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Máy bay Trung Quốc thủng đầu vì va chạm với chim trên không

(Dân trí) - Một máy bay của hãng hàng không Trung Quốc Air China đã bị thủng một lỗ rộng khoảng 1 m trên đầu sau khi va chạm với chim trên không.

Đầu máy bay của hãng Air China đã thủng lớn sau khi va chạm với chim. (Ảnh: Huanqiu)
Đầu máy bay của hãng Air China đã thủng lớn sau khi va chạm với chim. (Ảnh: Huanqiu)

Theo Dailymail, máy bay Boeing 737-800 của hãng Air China bay từ Thiên Tân, Trung Quốc lúc 10h21 sáng đã va chạm với chim khi bay. Kết quả là, sau khi hạ cánh xuống Hong Kong lúc 1h13 chiều, máy bay đã bị thủng một lỗ rộng khoảng 1 m. Ảnh chụp hiện trường cho thấy xung quanh lỗ thủng, có thể thấy có những vết máu chạy dài.

Đại diện hãng Air China cho biết ngoại trừ phần đầu bị hỏng, các phần còn lại của máy bay vẫn hoạt động bình thường trong suốt chuyến bay 3 giờ đồng hồ và không có hành khách nào bị thương. Các hành khách đã được di tản ra khỏi máy bay ngay khi hạ cánh xuống sân bay Hong Kong.

Cơ quan Quản lý Sân bay Hong Kong trả lời báo Oriental Daily, cho biết vụ va chạm dường như không xảy ra trên bầu trời Hong Kong và họ cũng không nhận được tín hiệu xin trợ giúp từ chuyến bay số hiệu CA 103 của hãng Air China.

Theo Apple Daily, một chuyên gia về hàng không cho biết các radar thời tiết thường được lắp đặt bên trong đầu máy bay chở khách. Phần này thường được làm bằng vật liệu như sợi thủy tinh để có thể bảo vệ các thiết bị bên trong máy bay và vẫn có thể truyền tín hiệu ra bên ngoài.

Đây không phải lần đầu những sự cố tương tự xảy ra. Hồi năm 2015, máy bay của hãng Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) buộc phải hạ cánh khẩn cấp sau khi gặp phải sự cố va chạm với chim. Hay năm ngoái, máy bay chở khách của hãng hãng hàng không Delta, Mỹ đã bị lõm đầu sau khi đâm phải chim trên độ cao 9.000 m.

Va chạm với chim là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến an toàn hàng không. Trong nhiều trường hợp, chim có thể đã lọt vào bên trong 2 động cơ. Chúng thường không mắc kẹt lại, nhưng do lực tác động quá mạnh khi máy bay đang di chuyển với tốc độ cao, chúng có thể làm hỏng các bộ phận dẫn tới trục trặc động cơ.

Đức Hoàng

Theo Dailymail