1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Máy bay quân sự Mỹ tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc phản đối

(Dân trí) - Các hoạt động thường xuyên của Không quân Mỹ tại Biển Đông có thể không thu hút sự chú ý của dư luận như Hải quân Mỹ, song vẫn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Máy bay quân sự Mỹ tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc phản đối - 1

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein (Ảnh: Bloomberg)

Tướng Charles Brown, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết các máy bay quân sự của Mỹ, bao gồm máy bay ném bom, máy bay trinh sát U-2 và máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, thường xuyên tiến hành các chiến dịch đảm bảo “tự do hàng hải” tại Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai các hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trong khu vực.

“Chúng tôi đã bay tại và xung quanh Biển Đông trong khoảng 15 năm qua, và tôi có thể nói rằng chúng tôi đã thực hiện một số hoạt động như vậy trong tuần này”, Tướng Brown phát biểu tại Hawaii ngày 6/12, sau hội nghị của các tư lệnh không quân tại Thái Bình Dương.

Tướng Brown cho biết các máy bay của Không quân Mỹ được triển khai bên cạnh các máy bay chống ngầm P-3/P-8 của Hải quân Mỹ. Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương thừa nhận, mặc dù các chuyến bay của Không quân Mỹ tại Biển Đông không thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông như các hoạt động của Hải quân Mỹ tại khu vực này, song phía Trung Quốc vẫn phản ứng rất mạnh mẽ.

“Thực ra không có gì đáng chú ý khi nhắc tới tự do hàng hải và môi trường biển, nhưng bây giờ chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ Trung Quốc về vấn đề này”, Tướng Brown cho biết.

Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra thường kỳ gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông để thách thức cái mà Washington gọi là “yêu sách quá đáng” của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã ngang nhiên tiến hành các hoạt động quân sự hóa tại các thực thể trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của nước này.

Mặc dù Nhà Trắng đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và hai nước vẫn đang “xung đột” trên nhiều mặt trận từ thương mại cho tới công nghệ, song Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vẫn so sánh mối quan hệ quân sự giữa hai nước là yếu tố duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương.

Máy bay quân sự Mỹ tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc phản đối - 2

Máy bay chiến đấu F-18 của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson trong cuộc tuần tra thường kỳ tại Biển Đông. (Ảnh: Reuters)

Tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết nhiệm vụ của quân đội Mỹ là tạo điều kiện cho các nhà đàm phán Mỹ trong các cuộc đàm phán với đối phương.

“Nhiệm vụ của chúng tôi sau cùng vẫn là trang bị các phương án cho các nhà ngoại giao của chúng tôi để họ có thể đàm phán ở vị thế tốt hơn, vì chúng tôi đã đưa ra cho họ những phương án quân sự đáng tin cậy, trong đó không những chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể triển khai những phương án đó, mà bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào cũng sẽ hiểu rằng chúng tôi có thể triển khai chúng một cách hiệu quả. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm rằng họ sẽ có những thứ họ cần để có thể đàm phán cho một nền hòa bình tốt hơn”, Tướng Godlfein nhấn mạnh.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho biết mặc dù Không quân Mỹ đã giảm đáng kể số lượng máy bay và chuyến bay tại châu Âu, song việc triển khai các máy bay tại Thái Bình Dương vẫn được duy trì ổn định, chứng tỏ rằng khu vực Thái Bình Dương vẫn là “ưu tiên số một” trong chiến lược quốc phòng của Mỹ.

Thành Đạt

Theo SCMP