1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Máy bay Malaysia mất tích: Hoài nghi và giận dữ

(Dân trí) - Những thấp thỏm, lo lắng cho số phận chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia cùng với 239 người giờ đây đang chất chứa thành giận dữ và hoài nghi khi giới phê bình chỉ trích giới chức Malaysia “thiếu sự phối hợp một cách tệ hại” trong vụ việc.


Máy bay Malaysia mất tích: Hoài nghi và giận dữ
Người thân của các hành khách trên máy bay bị mất tích vẫn hi vọng vào điều kỳ diệu. Một số thậm chí còn ước là máy bay bị bắt cóc, còn hơn là khả năng rơi xuống biển.

“Tâm trạng của người Malaysia trong vụ tìm kiếm 239 người mất tích trên chuyến bay MH370 giờ đây đang chuyển từ kiên nhẫn thành xấu hổ và giận dữ”, tờ Malaysian Insider, tờ báo hàng đầu của Malaysia, cho biết trong một bài bình luận.

Máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines đã biến mất vào sớm ngày 8/3 vừa qua khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.Trong vụ mất tích được xem là bí ẩn nhất lịch sử ngành hàng không này, hàng chục máy bay và tàu của 10 nước, trong đó có hải quân Mỹ, sau nhiều ngày, đã không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào để nhận biết được số phận của máy bay.

“Tôi buồn khi với nỗ lực của đất nước chúng tôi và vài nước khác…mà không một thông tin nào về chuyến bay được Malaysia Airlines công bố”, Syed Faris Hakem, 26 tuổi, nhân viên văn phòng ở Kuala Lumpur cho hay.

“Cá nhân tôi cho rằng họ có thể đang che giấu vụ việc nhưng tôi không rõ lý do đằng sau đó là gì. Đây có thể là do thiếu thông tin và do thông tin mâu thuẫn nhau”, anh nói, phản ánh đúng tâm trạng của nhiều người Malaysia.

Không thấy máy bay quay đầu, vì sao mở rộng tìm kiếm sang Malacca?

Mạng xã hội của Malaysia cũng tràn ngập những thông điệp lo lắng và cả hi vọng cho số phận của các hành khách cùng phi hành đoàn bị mất tích, trong đó có 38 người Malaysia.

Tuy nhiên, tâm trạng đó đang bắt đầu đổi thành giận dữ sau khi xuất hiện thông tin khó hiểu mới nhất liên quan đến cuộc tìm kiếm chiếc máy bay.

Người đứng đầu không lực hoàng gia Malaysia, Tướng Rodzali Daud, hôm nay 12/3 đã phủ nhận thông tin báo chí trước đó dẫn lời ông cho hay, máy bay đã được radar quân đội phát hiện ở Eo Malacca, vị trí cách rất xa đường bay dự kiến của nó.

Ông giải thích ông đã bị trích dẫn sai. Song một loạt những diễn biến tiếp theo lại khiến nhiều người đặt nghi vấn về mức độ nắm bắt tình hình của giới chức trách.

“Nếu quân đội Malaysia không thấy MH370 quay trở lại Eo Malacca, thì tại sao lại phải mở rộng tìm kiếm sang nơi đó? Ai quyết định tìm kiếm ở đó và tại sao?”, một người dùng mạng Twitter chất vấn.

“Tôi nghĩ chính phủ đang lừa dối về chuyện thay đổi hướng bay”, một người khác bình luận.

Trong khi đó, biên tập viên về an toàn của tạp chí công nghiệp Flightglobal David Learmount viết trên blog rằng, có cảm giác “thiếu sự phối hợp một cách tệ  hại” trong công tác tìm kiếm của Malaysia.

Còn phía Malaysia lại cho biết họ đang phối hợp tốt trong công tác tìm kiếm và đã mở rộng về hướng tây, vào Biển Andaman, rất xa khu vực họ tập trung tìm kiếm ban đầu.

Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm kiếm được gì, và giới chức Malaysia liên tục “được” lên báo nhờ những phát ngôn đối nghịch nhau. Sự đối nghịch đó bao gồm cả thông tin trái chiều về sắc tộc của 2 người dùng hộ chiếu ăn cắp trên máy bay mất tích, có 2 hay 4 người dùng hộ chiếu ăn cắp, có hay không có hành khách mua vé nhưng không lên máy bay.

Sự tức giận và xấu hổ ở Malaysia càng bị nhân lên khi một chương trình tin tức của Úc đưa tin cơ phó trên máy bay mất tích từng vi phạm quy định an ninh buồng lái vào năm 2011, khi cho 2 phụ nữ trẻ Nam Phi vào trong buồng lái của họ. Theo quy định từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào Mỹ, hành khách bị cấm vào buồng lái trong suốt chuyến bay. Còn hãng hàng không Malaysia Airlines dường như không hay biết gì về chuyện này, bởi họ lại thốt ra “sốc” trước thông tin.

Tuy nhiên, theo Gerry Soejatman, nhà phân tích hàng không ở Indonesia, đây là điều khó tránh khỏi khi một nước đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng quy mô lớn như hiện nay. “Áp lực công chúng có thể khiến cấu trúc chỉ huy và sự thống nhất trong công tác tìm kiếm bị rạn nứt. Đó không phải là điều chúng tôi mong muốn.”

Vũ Quý

Tổng hợp