Máy bay Canada tránh được tử thần
Hai tháng trước, một phi công Hà Lan đã dự báo sẽ xảy ra tai nạn giống máy bay Airbus A320 đâm vào núi ở Pháp.
Chiều 29-3 (giờ địa phương), Văn phòng An toàn vận tải Canada thông báo còn quá sớm để xác định nguyên nhân máy bay Airbus 320 mang số hiệu 624 của hãng hàng không Air Canada hạ cánh hỏng.
Chuyến bay quốc nội cất cánh từ Toronto lúc 21 giờ đêm 28-3 chở theo 133 hành khách cùng phi hành đoàn năm người, gặp nạn lúc 0 giờ 45 tại sân bay quốc tế Stanfield ở Halifax.
Theo Văn phòng An toàn vận tải, máy bay đã rơi xuống đất cách đường băng 300 m rồi va đập vào nhiều cột điện và trượt thêm 335 m nữa mới dừng lại. Một động cơ, càng hạ cánh, phần dưới cánh và mũi máy bay bị văng khỏi máy bay.
Đài phát thanh Canada cho biết các tiếp viên đã giúp hành khách sơ tán trong thời gian quy định 90 giây. May mắn là mọi người đều thoát nạn. Đến tối 29-3 chỉ còn một người trong 25 nạn nhân bị thương nằm bệnh viện.
Các điều tra viên của Pháp và chuyên viên hãng Airbus đã đến phối hợp điều tra với Văn phòng An toàn vận tải Canada.
Ông Klaus Goersch, Phó Tổng Giám đốc điều hành hãng Air Canada, cho biết máy bay đảo vòng rất lâu trên sân bay trước khi hạ cánh.
Ông khẳng định dù sức gió 55 km/giờ và trên sân bay có bão tuyết nhưng điều kiện hạ cánh vẫn an toàn. Ông nói phi công có 15 năm kinh nghiệm và nắm vững máy bay Airbus 320.
Tai nạn kể trên đã làm cho nỗi lo của các nhân viên hàng không ngày càng gia tăng.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Canada Lisa Raitt đã bắt buộc lúc nào cũng phải có hai phi công trong buồng lái sau sự kiện phi công phụ trên máy bay Airbus A320 của hàng giá rẻ Germanwings (Đức) tự ý giảm độ cao cho máy bay đâm vào dãy núi Alpes ở Pháp làm 150 người thiệt mạng hôm 24-3.
Cách đây hai tháng, tạp chí chuyên ngành hàng không Piloot en Vliegtuig (Phi công và Máy bay) đã đăng bài viết của cơ trưởng Jan Cocheret người Hà Lan làm việc cho hãng hàng không Emirates (Qatar).
Bài viết với tựa đề “Anh có thể mở cửa cho tôi hay không?” đã tiên đoán trùng khớp tai nạn máy bay Airbus A320 ở Pháp.
Cơ trưởng Jan Cocheret đặt nghi vấn về các biện pháp an toàn được áp dụng sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Ông giải thích: “Với cánh cửa bọc thép cực kỳ an toàn, không khó để một phi công ngăn cản đồng nghiệp vào buồng lái. Chỉ cần đợi cho đồng nghiệp nọ đi vệ sinh thì khóa cửa, đồng nghiệp này sẽ không bao giờ mở được cửa”.
Ông viết: “Tôi thường tự hỏi ai ngồi bên tôi trong buồng lái? Làm sao tôi có thể chắc chắn tin tưởng anh ta? Anh ta có vừa trải qua chuyện gì đó khủng khiếp trong cuộc sống mà không thể vượt qua?... Chắc chắn có cách để vào buồng lái nhưng người trong buồng lái vô hiệu hóa cách mở cửa thì cũng chịu. Không còn cách nào khác ngoài cách đến ngồi với các hành khách chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra”.
Sau khi máy bay Airbus A320 của Đức đâm vào núi ở Pháp, cơ trưởng Jan Cocheret viết trên Facebook: “Câu chuyện khủng khiếp này đã trở thành sự thật”.
Ngày 30-3, công tố viên ở Dusseldorf (Đức) thông báo trước khi lấy bằng lái, phi công phụ Andreas Lubitz (người gây tai nạn máy bay Airbus A320 ở Pháp) từng được điều trị tâm lý nhiều năm vì có xu hướng tự sát. Dù vậy, kết quả khám sức khỏe gần đây không bộc lộ xu hướng tự tử hay tấn công người khác. Sau khi báo chí Đức công bố nhiều thông tin đời tư của phi công phụ, Pháp cho biết từ nay chỉ thông báo diễn biến điều tra về an toàn bay. 2 người phải thường xuyên có mặt trong buồng lái. Ngày 30-3, Phó Thủ tướng Úc Warren Truss đã chỉ đạo áp dụng ngay quy định này. Nhiều nước vừa mới ban hành quy định như thế. _____________________________________ Tôi hy vọng sau khi đi ra ngoài vệ sinh, tôi sẽ không bao giờ đứng trước cánh cửa buồng lái đã khóa trái. Cơ trưởng Hà Lan JAN COCHERET |