1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Manh mối lạ về 22 phút cuối của máy bay MH370 trước khi mất tích bí ẩn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một kỹ sư hàng không nói rằng ông đã có "phát hiện có thể coi là đột phá" về đường bay của chiếc máy bay MH370 hơn 20 phút trước khi nó mất tích bí ẩn 7 năm trước.

Manh mối lạ về 22 phút cuối của máy bay MH370 trước khi mất tích bí ẩn - 1

Hình ảnh 3D mô phỏng giả thuyết máy bay MH370 gặp trục trặc, rơi xuống Ấn Độ Dương (Ảnh minh họa: Nat Geo).

Theo Daily Star, kỹ sư hàng không vũ trụ Richard Godfrey đang sử dụng công nghệ mới để tìm kiếm máy bay MH370 mất tích của Malaysia và hy vọng rằng những khám phá của ông đủ thuyết phục để một cuộc điều tra mới được tiến hành.

Theo những dữ liệu mới nhất mà ông Godfey có được, kỹ sư này cho rằng máy bay MH370 có thể đã được đặt trong chế độ "giữ trên không" trong 22 phút trước khi nó biến mất. Chế độ này chỉ việc máy bay chỉ di chuyển trong một vùng không phận cố định trong một khoảng thời gian và không rời đi.

"Tôi khá ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, MH370 không chỉ trải qua chế độ 'giữ' mà nó còn duy trì chế độ 'giữ' đó trong khoảng 22 phút", ông Godfrey cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các dữ liệu từ vệ tinh Inmarsat (một công ty viễn thông của Anh) khớp với những gì ông khám phá ra. Ông ước tính, MH370 ở chế độ "giữ" khi cách đường bờ biển đảo Sumatra khoảng 277 km.

Ông Godfrey cho rằng, những khám phá này khá kỳ lạ và đặt ra câu hỏi là vì sao cơ trưởng của MH370 Zaharie Shah lại đưa máy bay vào trạng thái "giữ".

"Nếu mục tiêu của phi công là làm MH370 biến mất không dấu vết, vì sao ông ta lại lãng phí nhiên liệu ở chế độ 'giữ' và sao không đưa máy bay đi thẳng tới khu vực xa xôi nhất ở Ấn Độ Dương", ông Godfrey đặt ra câu hỏi.  

Ông Godfey nhận định rằng, đây có thể là một đột phá trong quá trình tìm kiếm máy bay MH370 đã mất tích nhiều năm qua. Ông cho biết, mình đã phát hiện ra manh mối này nhờ sử dụng dữ liệu của hệ thống truyền sóng vô tuyến tín hiệu yếu (WSPR) - một mạng lưới toàn cầu gồm những nhà vận hành nghiệp dư. Họ thường gửi các tín hiệu công suất thấp lên các dải tần số trung bình và cao thông qua một phần mềm để kiểm tra đường truyền.

Hệ thống WSPR có thể bị ảnh hưởng và bị bóp méo bởi các chướng ngại vật, ví dụ như máy bay băng qua đường truyền của chúng. Vì vậy, theo ông Godfrey, bằng cách xem xét các đường truyền WSPR ở khu vực xung quanh nơi MH370 biến mất khỏi các radar và những điểm bất thường trong đó, việc tìm thấy đường đi tiếp theo của MH370 là khả thi.

Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines số hiệu MH370 đã mất tích sau khi xuất phát từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur, dự kiến tới Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/3/2014. Chiếc máy bay chở theo 239 người đã trở thành một trong những vụ biến mất bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Hàng loạt giả thuyết đã được đưa ra xung quanh vụ việc, cũng như rất nhiều cuộc tìm kiếm đã được tiến hành nhưng đều chưa đạt được kết quả.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, là một trong những phi công kỳ cựu nhất của Malaysia Airlines. Trong những giả thuyết liên quan tới số phận của MH370, có nghi vấn vụ việc là do phi công gây ra. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh điều này.