1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mảnh ghép còn thiếu trong cuộc phản công của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine đã áp dụng chiến thuật tác chiến của phương Tây trong chiến dịch phản công. Tuy nhiên, chiến thuật này chưa phát huy được hiệu quả do thiếu những yếu tố cần thiết.

Mảnh ghép còn thiếu trong cuộc phản công của Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở miền Đông (Ảnh: Reuters).

Cuộc phản công của Ukraine bắt đầu từ hai tháng trước nhưng quân đội của họ đã chuẩn bị cho việc này suốt nhiều năm qua bằng cách học hỏi phương thức chiến đấu như quân đội NATO với sự kết hợp của bộ binh, pháo binh, xe bọc thép và không quân.

Sau hơn một năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chính quyền Tổng thống Joe Biden mới "bật đèn xanh" cho các nước NATO gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Ukraine. Tuy nhiên, dường như quá muộn nếu phải chờ đến khi phi công Ukraine được huấn luyện vận hành để hỗ trợ và bảo vệ các lực lượng mặt đất vốn đang vất vả vượt qua giai đoạn khốc liệt hiện nay.

Tất cả những điều đó đặt ra một câu hỏi: Nếu không có sức mạnh không quân đủ lớn, một trụ cột trong các chiến thuật chiến tranh mà phương Tây đã thúc giục Ukraine áp dụng, liệu cuộc phản công của Kiev có thành công? Câu trả lời dường như là "Có", nhưng rõ ràng mọi thứ sẽ khó khăn hơn nếu Ukraine không có được F-16.

Mảnh ghép còn thiếu

Với hàng loạt hỏa lực pháo binh và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), cuộc phản công của Ukraine đến nay vẫn chưa tạo được đột phá lớn nào.

Philip M. Breedlove, một tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy NATO, cho biết quân đội Ukraine sẽ có lợi thế lớn khi học hỏi và triển khai chiến thuật kết hợp vũ khí.  

Ông nhấn mạnh: "Nếu muốn Ukraine chiến đấu như cách NATO chiến đấu, họ phải có những công cụ mà chúng ta có, song chúng ta đã không trao cho họ những công cụ đó". Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Mảnh ghép còn thiếu trong cuộc phản công của Ukraine - 2

Một máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: AFP).

Một số chuyên gia cho biết việc thiếu hụt sức mạnh không quân khiến Ukraine gặp bất lợi trong cuộc phản công vào mùa hè này. Các máy bay trực thăng tấn công của Nga đã hạ gục một lượng lớn xe tăng và xe bọc thép của Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, ít nhất một số trực thăng của Nga được trang bị tên lửa chống tăng có khả năng bắn rất xa hoặc rất thấp nên lực lượng phòng không của Ukraine gặp khó trong việc đánh chặn.

Đại tá Markus Reisner, người giám sát việc phát triển lực lượng tại học viện huấn luyện quân sự chính của Áo, nhận định nếu có nhiều máy bay chiến đấu hơn, Ukraine có thể bảo vệ lực lượng bộ binh của mình hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công đó.

"Theo logic quân sự, phải có ưu thế trên không, bạn mới có thể tiến hành các chiến dịch trên bộ thành công", ông Reisner nói.

Trên thực tế, cả Ukraine và Nga đều không giành được ưu thế trên không kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Theo Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu, vào thời điểm đó, Nga có số lượng máy bay chiến đấu nhiều gấp 10 lần Ukraine, với Moscow có 772 và Kiev có 69. Tuy nhiên, trong 18 tháng sau đó, cả hai bên đều dựa vào pháo binh, UAV và tên lửa tầm xa để tấn công lẫn nhau.

Đó là bởi Ukraine với tên lửa Patriot và Nga với hệ thống phòng không S-400 đều có khả năng phòng không đáng gờm. Họ sử dụng chúng để ngăn cản đối phương tiến hành các cuộc không kích ở gần hoặc phía sau chiến tuyến bằng máy bay chiến đấu có người lái.

Các phi công Ukraine hiện lái máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi thời Liên Xô của họ một cách rất cẩn thận, tức là không đến quá gần mục tiêu hoặc ở trên không quá lâu, để tránh trở thành mục tiêu. Họ chỉ lái máy bay tới đủ gần mục tiêu để có thể bắn tên lửa trúng vào kho nhiên liệu và đạn dược cũng như các mục tiêu quân sự khác trước khi lao đi.

Trước những hạn chế đó, một quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết không rõ liệu lực lượng Ukraine có thể hỗ trợ cho bộ binh ngay cả khi họ có F-16 hay không.

Chiến thuật đòi hỏi thời gian

Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề ngay từ đầu chiến dịch phản công khi cố gắng chiến đấu theo chiến thuật kết hợp vũ khí. Trong bối cảnh đó, một số chỉ huy đã quyết định từ bỏ nỗ lực này và quay trở lại chiến thuật mà họ hiểu rõ nhất, tức là bắn pháo và tên lửa để làm tiêu hao khả năng chiến đấu của Nga.

Điều đó không có gì lạ đối với các chuyên gia quân sự. Đại tá đã nghỉ hưu Steve Boylan cho biết lực lượng chiến đấu của Mỹ phải mất nhiều năm để học cách triển khai chiến thuật này một cách hiệu quả, chứ không phải chỉ qua một trận đánh".

Phương pháp chiến đấu hiện đại là sự kết hợp giữa bộ binh, xe tăng bọc thép, hỏa lực mặt đất của pháo binh và sức mạnh không quân nhằm chiếm ưu thế tất cả vị trí của một cuộc chiến trên bộ. Ông Boylan cho biết các chiến thuật này được phát triển sau Thế chiến I, nhưng phải đến Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, quân đội Mỹ mới có thể áp dụng hiệu quả.

Chiến đấu mà không có một trong các yếu tố như sức mạnh không quân có thể khiến các đơn vị phải điều chỉnh chiến thuật. "Tôi nghĩ rằng Ukraine sẽ sử dụng sự hướng dẫn, huấn luyện và chiến thuật của chúng tôi làm cơ sở và điều chỉnh để phù hợp nhất với họ", ông Boylan nói.

Quân đội Ukraine là một trong những quân đội được trang bị tốt nhất và được thử nghiệm nhiều nhất ở châu Âu. Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho hay, Ukraine đang tiến hành kế hoạch mua máy bay chiến đấu của phương Tây. Ông khẳng định: "F-16 sẽ xuất hiện trên bầu trời của chúng tôi".

Để vận hành F-16, các binh sĩ Ukraine sẽ phải trải qua một thời gian đào tạo dài, mà bắt đầu là với ngôn ngữ. Các quan chức Mỹ cho biết Ukraine hiện chỉ xác định được 8 phi công chiến đấu, ít hơn một phi đội thông thường, nói tiếng Anh đủ tốt để bắt đầu khóa đào tạo kéo dài ít nhất một năm. Khoảng 20 người khác sẽ được cử đến Anh trong tháng này để học ngoại ngữ.

Douglas Barrie, chuyên gia hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết việc chỉ có một số ít phi công lái máy bay F-16 tham chiến sẽ không tạo ra nhiều khác biệt trong cuộc chiến hiện tại. Nếu Ukraine có nhiều phi đội F-16 được huấn luyện và trang bị phù hợp, ông Barrie cho rằng cuộc phản công của họ sẽ có nhiều tiến triển về lý thuyết.

Theo New York Times