1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc" mới của Mỹ

Khái niệm an ninh mới được Mỹ đưa ra tại Đối thoại Shangri-La 2016 cho thấy điều Washington đã, đang và sẽ thực hiện ở châu Á - Thái Bình Dương,

The Diplomat (Nhật Bản) mới đây đăng bài phân tích về khái niệm “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra ngày 4/6 tại Đối thoại Shangri-La 2016 vừa qua.

Theo bài viết, tại hội nghị quốc phòng quan trọng nhất châu Á này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có bài diễn văn quan trọng, vạch ra những nội dung cơ bản về cái mà ông gọi là “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” của châu Á - một tập hợp những cơ chế song phương, ba bên, đa phương trong khu vực, tập trung vào gìn giữ những giá trị cốt lõi và thúc đẩy chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La 2016. (Nguồn: Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La 2016. (Nguồn: Reuters)

Khái niệm bao quát nhất

Những điều ông Carter nói về hệ thống an ninh có nguyên tắc không phải mới được tuyên bố công khai lần đầu tiên mà thực tế cho thấy ông đã từng nhấn mạnh đến các khía cạnh của nó dưới nhiều hình thức khác nhau ở các bài phát biểu trước đây, kể cả bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2015. Tuy nhiên, tuyên bố của Washington về một khái niệm và tầm nhìn rõ ràng mang tính tích cực, định hướng cho tương lai cũng như có tính tổng hợp và toàn diện như lần này là rất đáng chú ý.

Cũng như các quan chức khác của Mỹ, ông Carter đã từng đề cập đến các khía cạnh của khái niệm này trước đây trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược tái cân bằng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm từ việc duy trì "trật tự dựa trên luật pháp" đến các cơ chế mới trong quan hệ đối tác của Mỹ.

Khái niệm về “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” là sự kết hợp giữa các nguyên tắc cốt lõi mà Mỹ tin rằng sẽ đoàn kết khu vực như: quyền tự quyết, giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, tự do hàng hải và hàng không... cùng với triển vọng về việc khái niệm này sẽ giúp dẫn đến việc các quốc gia phối hợp cùng nhau nhiều hơn.

Với “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc”, các quan chức quốc phòng Mỹ dường như cuối cùng cũng đã tìm ra một khái niệm bao quát về các khía cạnh của tầm nhìn mà bấy lâu nay họ tìm cách diễn tả. Khái niệm này cũng mang đến một cảm nhận rõ ràng về việc Mỹ ủng hộ ai cũng như cách Mỹ nhìn nhận về sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương.

Như ông Carter nói, tầm nhìn này cho thấy khi các quốc gia tiếp tục phát triển thịnh vượng thì họ sẽ càng tìm cách thể hiện vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực, đồng thời xây dựng các mối quan hệ để giải quyết những thách thức và gìn giữ các nguyên tắc lâu đời.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn tồn tại nhiều vấn đề an ninh phức tạp. (Nguồn: Trans-Pacific Project)
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn tồn tại nhiều vấn đề an ninh phức tạp. (Nguồn: Trans-Pacific Project)

Thúc đẩy chia sẻ gánh nặng an ninh

Bên cạnh tầm quan trọng của khái niệm này, ông Carter cũng tuyên bố rõ ràng đây là một cách thức tổng hợp và toàn diện. Theo ông, từ các sáng kiến do Mỹ dẫn đầu như liên kết ba bên Mỹ-Nhật-Ấn và Mỹ-Nhật-Australia cho đến phối hợp ba bên Mỹ-Thái-Lào vẫn chỉ là một khía cạnh trong “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc”.

Mạng lưới này cũng bao gồm các biện pháp được tiến hành bởi các quốc gia trong khu vực như quan hệ ba bên Australia-Ấn-Nhật hay gồm cả các sáng kiến đa phương trong nội bộ khu vực, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter cũng nhấn mạnh những sáng kiến không phải do Mỹ dẫn đầu trước đây đều thuộc một phần của “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” mà Washington đang theo đuổi. Sẽ thật không công bằng khi cho rằng Washington chỉ duy trì trật tự khu vực với Mỹ đóng vai trò trung tâm hoặc chỉ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc gìn giữ môi trường ổn định châu Á - Thái Bình Dương thông qua hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực của mình.

Bằng khái niệm an ninh bao quát mới, nước Mỹ cho thấy mình đang đa dạng hóa cách thức duy trì an ninh khu vực cũng như nhấn mạnh hình ảnh, mà phía Mỹ mô tả, về một Trung Quốc đang dựng lên "Vạn lý trường thành tự cô lập" mình trước các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế.

Tổng thống thứ 37 của Mỹ - Richard Nixon và Vạn lý trường thành của Trung Quốc. (Nguồn: Nixon Legancy)
Tổng thống thứ 37 của Mỹ - Richard Nixon và Vạn lý trường thành của Trung Quốc. (Nguồn: Nixon Legancy)

Chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối “Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc”. Đồng thời với việc nêu ra những nội dung chính của mạng lưới này và sự loại trừ Trung Quốc khỏi mạng lưới, ông Carter cũng đưa ra các quan điểm đã tồn tại trong khu vực về mức độ mà các quốc gia sẵn sàng đứng lên ủng hộ các nguyên tắc mà ông đề ra.

Có thể thấy ông Carter đã tuyên bố công khai về quan điểm rõ ràng nhất của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh có nhiều tranh luận về tương lai của khu vực này. Tuy nhiên, trước hàng loạt thách thức do Trung Quốc đặt ra, việc "mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc" này của Mỹ có thể đem lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực hay không vẫn còn là một ẩn số.

Theo TNB