Màn “so găng” quyết liệt của Mỹ - Trung trên “mặt trận” Shangri-La
(Dân trí) - Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 vừa kết thúc tại Singapore sẽ được nhớ đến như một sự kiện tầm cỡ khu vực mà ở đó Trung Quốc có thể đứng “ngang hàng” với Mỹ, ít nhất thông qua những bài phát biểu của quan chức cấp cao hai nước.
Ba lập trường nổi cộm của Mỹ
Đăng đàn tại Đối thoại Shangri-La 2019, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã nêu bật lập trường cũng như các chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Giới phân tích nhận định 3 điểm quan trọng từ các phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc.
Thứ nhất, Bộ trưởng Patrick Shanahan muốn khẳng định rằng Mỹ là “người nhà” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dường như đoán trước được phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc rằng, các lực lượng “bên ngoài” đang gây bất ổn cho khu vực, ông Shanahan đã đề cập tới “vị trí địa lý chung” và “sự hiện diện tự nhiên” của Mỹ tại khu vực.
“Chúng tôi là một nước Thái Bình Dương. Chúng tôi là một cường quốc tại đây với các mối liên kết sâu sắc về kinh tế, văn hóa và con người, gắn kết chặt chẽ với sự tăng trưởng và sức mạnh của khu vực năng động nhất thế giới này”, Bộ trưởng Shanahan nói.
Thứ hai, ông Shanahan khẳng định Mỹ là “nhà đầu tư” kỳ cựu vào các vấn đề an ninh và thịnh vượng của khu vực. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn so sánh với sự đầu tư của Trung Quốc.
“Thương mại hai chiều hàng năm của Mỹ trong khu vực là 2,3 nghìn tỷ USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ là 1,3 nghìn tỷ USD, nhiều hơn của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại”, Bộ trưởng Shanahan cho biết.
Phát biểu gây chú ý thứ ba của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, dù không nói thẳng tên Trung Quốc, đó là chỉ trích Bắc Kinh gây tổn hại cho khu vực bằng hành động quân sự hóa hung hăng, các chiến dịch mở rộng ảnh hưởng và chèn ép về kinh tế. Đối với một khu vực nơi Trung Quốc được xem là một đối tác kinh tế lớn, một nước láng giềng và là nguồn di sản văn hóa, phát biểu của người đứng đầu Lầu Năm Góc thực sự gây chú ý.
Trong bài phát biểu của mình, ông Shanahan đã giải thích chi tiết Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Mở và Tự do của Mỹ, trong đó hướng tới việc xây dựng mạng lưới trải dài từ bờ biển phía tây của lục địa Mỹ tới Ấn Độ, để đối phó với những thách thức khu vực, trong đó có thể bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sự thay đổi đáng chú ý của phái đoàn Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (Ảnh: SCMP)
Các phái đoàn Trung Quốc tới dự Đối thoại Shangri-La trong những năm gần đây thường phàn nàn về việc họ không được sắp xếp nhiều thời gian phát biểu để bày tỏ quan điểm như phái đoàn Mỹ.
Đáp lại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-la, nhiều lần nói rằng nếu phái đoàn Trung Quốc cử một cấp đủ cao tham gia sự kiện, tiếng nói của họ cũng sẽ được nâng cao.
Năm nay, lần đầu tiên trong vòng 8 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới tham dự Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực. Xuất hiện trong phiên họp của ngày làm việc thứ ba tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có bài phát biểu bảo vệ các lập trường của Trung Quốc.
Trong khi Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tránh nói thẳng tên Trung Quốc trong bài phát biểu một ngày trước đó, Tướng Ngụy tỏ ra không hề e ngại. Ngay từ những câu mở màn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã nhắc tới Mỹ.
“Chúng tôi có quan điểm khác biệt với Mỹ về một số vấn đề và phản đối những phát ngôn cũng như hành động sai trái của nước này trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông và Đài Loan”, Tướng Ngụy phát biểu.
Kể từ năm 2011, Trung Quốc chỉ cử các quan chức cấp thấp tới dự Đối thoại Shangri-La. Đối với Trung Quốc, việc dự một diễn đàn được “thống trị” bởi Mỹ và các đồng minh của Washington đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ bị chỉ trích vì các hành động của họ trong khu vực, chẳng hạn trên Biển Đông.
Trưởng đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Trung tướng He Lei, thậm chí không phát biểu tại phiên họp toàn thể, mà chỉ phát biểu tại một trong số các phiên thảo luận được tổ chức đồng thời.
Năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã “chiếm sóng” phiên họp toàn thể của ngày thứ 3. Phái đoàn Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-La lần này cũng đông nhất từ trước đến nay với hơn 70 người, trong đó có một số chuyên gia từ quân đội Trung Quốc và các viện nghiên cứu cũng như các trường liên quan.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hội đàm tại Singapore ngày 31/5, trước khi tham dự Đối thoại Shangri-La (Ảnh: Reuters)
Sự thay đổi của Trung Quốc là có cơ sở. Khi mối quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi và sự đối đầu giữa hai nước trong khu vực ngày càng tăng lên, Trung Quốc không muốn vắng mặt tại một diễn đàn vốn được Mỹ sử dụng để lan tỏa các chính sách cũng như tầm ảnh hưởng của nước này với các nhà lãnh đạo trong khu vực.
“Họ lo ngại rằng nếu Trung Quốc không xuất hiện và đưa ra tuyên bố cũng như giải thích lập trường của Trung Quốc, có lẽ một số quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ - Thái Bình Dương, từ đó họ sẽ ngả về phía chính sách và lập trường của Mỹ nhiều hơn”, Phó Giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam nhận định.
Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không né tránh những câu hỏi nhạy cảm từ các đại biểu như việc bắt giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương tại các trại tập trung, thậm chí cả vụ việc xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn liên quan tới những người biểu tình ủng hộ dân chủ cách đây 30 năm.
Phó Giáo sư Li Mingjiang cho rằng Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa đã không lảng tránh các câu hỏi dù nhạy cảm tới đâu, thậm chí ông còn tận dụng cơ hội để giải thích các quan điểm chính thức của Trung Quốc.
Thành Đạt
Tổng hợp