1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ: Trung Quốc muốn bá quyền ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, thống trị thế giới

(Dân trí) - Mỹ cho rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang đối mặt với một Trung Quốc ngày càng tự tin và quyết đoán, sẵn sàng chấp nhận va chạm để tìm kiếm các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh rộng lớn hơn.

Mỹ: Trung Quốc muốn bá quyền ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, thống trị thế giới - 1

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La ngày 1/6 (Ảnh: Reuters)

Trong báo cáo về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được công bố ngày 1/6, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc - trong khi tiếp tục lớn mạnh về quân sự và chính trị - “muốn bá quyền tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và cuối cùng là thống trị thế giới về lâu dài”.

Báo cáo gọi Trung Quốc là một “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” mà dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm suy yếu hệ thống thế giới từ bên trong bằng cách khai thác các lợi ích trong khi làm xói mòn các giá trị và nguyên tắc của trật tự dựa trên các quy định.

Báo cáo cũng nhận định rằng, Nga đang sử dụng các phương tiện quân sự, chính trị và kinh tế để có được ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương; và Triều Tiên là một quốc gia thù địch vốn sẽ vẫn là một thách thức an ninh đối với Mỹ và các đồng minh, các đối tác và các đối thủ cho tới khi “việc giải trừ hạt nhân cuối cùng, toàn toàn và được kiểm chứng” hoàn tất.

Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Lầu Năm Góc công bố cùng thời điểm Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan có bài phát biểu đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-Lai tại Singapore. Trong bài phát biểu, ông đã vạch ra các nét chính trong Chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời phát đi những cảnh báo cứng rắn, mạnh mẽ với Trung Quốc.

Để đối mặt với các thách thức này, Mỹ muốn xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác ba bên và sẽ tiếp tục hỗ trợ các thể chế đa phương như ASEAN để có được tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, báo cáo viết.

Mỹ cũng khuyến khích các mối quan hệ an ninh nội Á, như thông qua các thỏa thuận quốc phòng mới và tăng cường các cuộc tập trận, vì Mỹ tin rằng việc chia sẻ gánh nặng tốt hơn sẽ tăng cường khả năng để ngăn chặn xung đột và gia tăng sự cơ động nhằm đối phó với các thách thức.

“Khi chúng ta cùng nhau thúc đẩy các quan hệ đối tác cùng chung mục đích, một cấu trúc an ninh kết nối - với các giá trị sẻ chia, các cách thức hợp tác và các khả năng tương thích và bổ sung - sẽ tạo nên một khối mở, tự do và vững mạnh kết nối khu vực với nhau, giữ vững chủ quyền, hòa bình và sự ổn định khu vực trong những năm sắp tới”, báo cáo viết.

Cùng ngày ra mắt báo cáo, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La trong đó ông vạch ra các khía cạnh chính của Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Shanahan chỉ ra rằng Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ vẫn là “sân khấu chính” của Mỹ, khẳng định rằng Mỹ có sự hiện diện tự nhiên trong khu vực với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương.

Mỹ xác định khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương kéo dài từ bờ biển lục địa Mỹ tới Ấn Độ và nối với 2 đại dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy một mạng lưới kết nối, báo cáo nói rằng Lầu Năm Góc chú trọng mạnh mẽ tới các cơ chế 3 bên nhằm kết nối các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, như quan hệ đối tác Mỹ-Nhật-Hàn hay Mỹ-Nhật-Ấn.

Dẫn ra cuộc tập trận hàng hải Mỹ-ASEAN là một ví dụ cho hợp tác đa phương, báo cáo cho hay cuộc tập trận sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Bangkok và vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á.

Trung Quốc từ lâu vẫn lo ngại về khái niệm Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu nêu ra tại APEC năm 2017 và chính thức được Bộ Ngoại giao Mỹ xây dựng hồi tháng 4 năm ngoái.

Tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã nói về khía cạnh an ninh của chiến lược trong bài phát biểu của ông.

Giới chuyên gia Trung Quốc nói gì?

Mặc dù tên đầy đủ là “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa”, nhưng với người Trung Quốc nó không có gì là “tự do và mở cửa”. Các học giả Trung Quốc cho rằng chiến lược này chỉ nhằm kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Theo Straitstimes, trong một bài viết hồi cuối năm ngoái, Giáo sư Đại học Phục Đán Zhao Huasheng cho rằng có thể hiểu được khi Trung Quốc xem chiến lược của Mỹ với sự hoài nghi và thờ ơ vì chiến lược thiếu thân thiện đối với cường quốc châu Á.

“Vì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương không thân thiện với Trung Quốc, không có nhiều không gian để Bắc Kinh hợp tác với Mỹ trong chiến lược này”, ông viết.

Ngày 1/6, chuyên gia Zhu Feng về quan hệ quốc tế Trung Quốc tại Đại học Nam Kinh đã bày tỏ lo ngại về báo cáo của Mỹ.

Ông Zhu nhận định, báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương rõ ràng đã cho thấy định nghĩa mới về Trung Quốc của Mỹ - Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh nhau, giữa hai thế giới rất khác nhau, nền kinh tế Trung Quốc rất mang tính lợi dụng.

“Định nghĩa như vậy về Trung Quốc rất rủi ro và rất sai lệch. Nó sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập và làm hạn chế không gian mà cả hai nước có thể giải quyết các bất đồng mang tính xây dựng”, ông Zhu cảnh báo.

An Bình

Tổng hợp