1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Malaysia bên bờ vực thảm họa Covid-19, chính thức phong tỏa toàn quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Malaysia ngày 1/6 bắt đầu thực thi lệnh lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 ở nước này đang chuyển sang giai đoạn tồi tệ nhất.

Malaysia bên bờ vực thảm họa Covid-19, chính thức phong tỏa toàn quốc - 1

Người dân xếp hàng để vào Pasar Besar Jalan Othman ở Petaling Jaya để mua các mặt hàng thiết yếu hôm 29/5 trước ngày phong tỏa toàn quốc (Ảnh: The Star).

Các ca mắc mới tại Malaysia những ngày gần đây tăng theo cấp số nhân và thậm chí tỷ lệ phần trăm dân số mắc bệnh mỗi ngày còn cao cả Ấn Độ - tâm dịch thế giới hiện nay.

Các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở các bệnh viện tại Malaysia đang quá tải khi số bệnh nhân nặng tăng lên mức kỷ lục. Thực tế này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này rơi vào khủng hoảng, trong đó các bác sĩ ưu tiên chăm sóc cho những bệnh nhân có cơ hội hồi phục cao hơn.

Malaysia đã chứng kiến làn sóng bùng nổ đại dịch trong những tuần qua. Số cao bệnh mới cao gấp 5 lần số ca bệnh kể từ đầu năm. Số bệnh nhân mới mỗi ngày cao kỷ lục lên đến hàng nghìn người sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.

Làn sóng lây nhiễm gần đây bắt nguồn từ các cuộc tập trung đông người và di chuyển nhiều trong những ngày cuối tháng ăn chay Ramadan, bất chấp lệnh giãn cách.

Theo của Bộ Y tế nước này (MoH), số ca mắc có thể duy trì ở mức trên 8.000 ca mới mỗi ngày vào ngày 5/6 tới nếu các hướng dẫn an toàn hoặc Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) không được tuân thủ.

Lệnh phong tỏa 14 ngày đầu tiên

Khi số ca mắc và số người chết tăng lên chóng mặt, người dân ngày càng tức giận và chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Sau khi bị chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn khi tình trạng lây nhiễm gia tăng, Thủ tướng Yassin ngày 28/5 tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 3 giai đoạn, bắt đầu giai đoạn một trong 14 ngày đầu tiên, áp dụng từ ngày 1/6.

"Nếu hành động quyết liệt không được thực hiện ngay, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ, và chúng ta sẽ đối mặt với một thảm họa lớn hơn", Thủ tướng Yassin nói trên truyền hình. Trước khi thực hiện lệnh phong tỏa, Thủ tướng Yassin công bố bổ sung gói hỗ trợ tài chính 40 tỉ ringrit (khoảng 9,7 tỉ USD). Số tiền này bao gồm khoản bơm tài chính trực tiếp, tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình thu nhập thấp cũng như trợ cấp lương.

Hồi tháng 1, chính phủ của Thủ tướng Yassin cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch, khiến Quốc hội đình chỉ hoạt động và trao cho thủ tướng quyền lực ban hành luật. Lệnh tình trạng khẩn cấp, được Nhà vua Malaysia chấp thuận (Nhà vua trước đó bác bỏ đề xuất tương tự từ Thủ tướng trong tháng 10/2020), sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/8. Nhưng đại dịch tồi tệ hơn có thể khiến chính phủ Thủ tướng Yassin tìm cách gia hạn tình trạng này.

Mới đây nhất, để ngăn chặn số ca mắc Covid-19 gia tăng, ngày 11/5, Thủ tướng Yassin tuyên bố triển khai trên toàn quốc Lệnh hạn chế di chuyển (MCO), trong đó cấm tụ tập xã hội và hạn chế di chuyển, các doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng giảm tần suất.

"Tình hình hiện tại của chúng tôi khá nghiêm trọng", Zainal Ariffin Omar, cựu chuyên gia tư vấn của WHO về phòng chống bệnh không lây nhiễm, cho biết.

Lo lắng, bất an và mua sắm điên cuồng

Từ ngày 1/6, quốc gia Đông Nam Á bước vào giai đoạn 1 của 2 tuần phong tỏa cứng rắn đầu tiên. Theo đó, chỉ một số lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thiết yếu, như cửa hàng thực phẩm và đồ uống, ngân hàng và thương mại điện tử, được phép hoạt động.

Và theo giới chức nước này, quyết định phong tỏa lần này được đưa ra do tình hình diễn biến đáng lo ngại khi biến thể Covid-19 rất dễ lây lan. Malaysia đã phát hiện trường hợp đầu tiên có liên quan đến biến thể B1617 của Ấn Độ vào đầu tháng này.

Tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này kể từ khi đại dịch xuất hiện là 572.357 người, với 2.796 người chết. Malaysia đang chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất Đông Nam Á so với quy mô dân số, mặc dù tổng ca nhiễm thấp hơn Indonesia và Philippines.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 23/5, Thủ tướng Yassin cho hay ông không muốn áp dụng lại lệnh phong tỏa hoàn toàn, vốn được thực thi từ tháng 3 đến tháng 5/2020, vì lo ngại rằng nền kinh tế có thể "sụp đổ" và gây nhiều trở ngại trong đời sống của người dân.

Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay, người dân Malaysia buộc phải sẵn sàng thích nghi với thời gian khó khăn trước mắt.

Tại bãi đậu xe của một trung tâm mua sắm ở Selangor, anh Agus Kurniawan rao bán bánh quy để kiếm thêm tiền. Anh Kurniawan, 23 tuổi, là công nhân xây dựng đến từ Indonesia. Anh buộc phải nghỉ việc từ hôm 28/5 khi chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ phong tỏa nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 1/6. Hầu hết các hoạt động kinh tế, kể cả trong lĩnh vực xây dựng, đều bị đình trệ. Và anh buộc phải xin làm bất cứ công việc gì có thể để kiếm ăn.

"Tôi không muốn lãng phí thời gian. Tôi đi tìm việc khắp nơi vì không đủ tiền tiết kiệm để sống qua hết thời gian phong tỏa. Tôi đã xin được việc bán thời gian là đóng gói bưu kiện để ship cho khách", anh nói với báo Straits Times. "Tôi được trả 5RM mỗi giờ có thể nhận việc về phòng làm. Tôi cảm thấy an tâm hơn một chút".

Agus chỉ là một trong số rất nhiều người ở Malaysia đang phải gồng mình chống chọi khó khăn khi Malaysia bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai này nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Nhiều gia đình hầu hết cũng đang cảm thấy nóng bức khi phải làm việc tại nhà trong khi còn phải chăm sóc con cái. Kỹ thuật viên Nazrin Rosli, 37 tuổi, cho biết: "Tôi quyết định mua cho con một số cuốn sách hoạt động và đăng ký một số ứng dụng di động tương tác để giúp chúng làm bài tập về nhà. Tôi hy vọng chúng ở yên khi tôi tham gia các cuộc họp hàng ngày và làm việc".

Trong khi đó, bà Nasimah Abdul Hamid, 67 tuổi, cho hay đã quyết định đầu tư mua một robot hút bụi và một máy sấy quần áo vì không thể thuê người dọn dẹp hằng ngày.

Các phương tiện truyền thông địa phương cũng đưa tin, người Malaysia đã mua sắm điên cuồng, tập trung đông đúc tại các siêu thị từ sớm mặc dù chính phủ đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Hình ảnh xếp hàng dài tại siêu thị được lan truyền trên mạng xã hội gây ra mối lo lây nhiễm.