1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý lịch khả nghi của công dân Mỹ bị Nga bắt với cáo buộc gián điệp

(Dân trí) - Không chỉ có quá khứ tội lỗi, công dân Mỹ bị Nga bắt giữ với cáo buộc gián điệp được cho là sở hữu hàng loạt hộ chiếu và có thể là công dân của 4 quốc gia.


Công dân Mỹ bị Nga bắt giữ Paul Whelan (Ảnh: EPA)

Công dân Mỹ bị Nga bắt giữ Paul Whelan (Ảnh: EPA)

Theo Washington Post, Paul Whelan, người bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt hôm 28/12/2018 với cáo buộc gián điệp, từng bị buộc tội trộm cắp hơn 10.000 USD từ chính phủ Mỹ khi được triển khai tới Iraq vào năm 2006. Vào thời điểm đó Paul Whelan đang phục vụ cho Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ.

Whelan từng làm công việc quản lý hành chính của Lực lượng Lính thủy đánh bộ. Điều này cho phép Whelan có thể tiếp cận với các hệ thống mật của lực lượng này, bao gồm các hệ thống được sử dụng để ban hành mệnh lệnh và khen thưởng.

Ngoài tội trộm cắp, Whelan còn bị phát hiện sử dụng trái phép mã số an sinh xã hội của một người khác để đăng nhập vào hệ thống đào tạo trực tuyến của Lực lượng Lính thủy đánh bộ, từ đó hoàn tất các khóa đào tạo để giúp ông này thăng hàm và tăng lương.

Ngoài ra, tòa án quân sự cũng phát hiện Whelan cố tình không khai báo những lần rời khỏi đơn vị của mình. Với những hành vi không chuẩn mực trên, Whelan đã bị buộc giải ngũ và rời khỏi Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ sau 14 năm phục vụ.

Sở hữu 4 hộ chiếu

Những thông tin liên quan tới hàng loạt tội trạng của Whelan khi còn trong quân ngũ đã cho thấy lý lịch “đen tối” của người đàn ông 48 tuổi này trước khi bị Nga bắt giữ. Vụ việc càng trở nên phức tạp hơn sau khi Ireland ngày 4/1 đã trở thành quốc gia thứ 4 xác nhận Whelan là công dân của mình và tìm cách tiếp cận lãnh sự.

Khi được hỏi về việc Paul Whelan cũng là công dân Ireland, đại sứ quán Ireland tại Moscow cho biết cơ quan này đã “đề nghị tiếp xúc lãnh sự với một công dân Ireland đang bị giam giữ tại Nga sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ”.

Theo BBC, Paul Whelan sinh ra ở Canada, có bố mẹ là người Anh và chuyển tới Mỹ sinh sống từ khi còn nhỏ. Whelan hiện sống ở bang Michigan, Mỹ và là giám đốc phụ trách an ninh toàn cầu của BorgWarner, hãng cung cấp linh kiện ôtô có trụ sở tại Michigan. Em trai của Whelan cho biết anh mình từng tới Nga làm ăn kinh doanh và nghỉ dưỡng từ hơn 10 năm nay.

Liên quan tới vấn đề lý lịch của Paul Whelan, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga hôm qua tiết lộ với hãng tin TASS rằng Whelan không chỉ có hộ chiếu của Mỹ và Anh mà có thể còn có hộ chiếu của các quốc gia khác.

“Tôi tin anh ta không chỉ là công dân Anh và Mỹ”, nguồn tin cho biết.

Trước đó, một đại diện của đại sứ quán Anh ở Nga xác nhận Whelan sở hữu một hộ chiếu của Anh và London đã đề nghị tiếp xúc lãnh sự với đối tượng này. Trong khi đó truyền thông đưa tin Whelan cũng có các hộ chiếu của Canada và Ireland.

Paul Whelan đang bị tạm giữ tại trại giam Lefortovo, một nhà tù của cơ quan tình báo quân sự Nga trước đây ở Moscow. Luật sư của Whelan, Vladimir Zherebenkov, từ chối bình luận về các cáo buộc nhằm vào thân chủ, nhưng cho biết theo các quy định của lệnh bắt giữ, Whelan có thể sẽ bị tạm giữ tại Moscow ít nhất cho tới ngày 28/2.

Bị bắt khi nhận USB


Giới phân tích cho rằng Nga bắt Paul Whelan để trả đũa Mỹ vụ bắt người đẹp tóc đỏ Maria Butina (ảnh). (Ảnh: RT)

Giới phân tích cho rằng Nga bắt Paul Whelan để trả đũa Mỹ vụ bắt người đẹp tóc đỏ Maria Butina (ảnh). (Ảnh: RT)

Một trang tin Nga tuần này đưa tin Whelan bị bắt chỉ vài phút sau khi nhận được một chiếc USB chứa tên của những người từng được tuyển mộ vào một cơ quan tuyệt mật của Nga.

Dẫn một nguồn tin an ninh, hãng tin Rosbalt cho biết Whelan nhận USB từ một người Nga tại phòng riêng của ông này ở khách sạn Metropol, Moscow hôm 28/12. Không lâu sau đó, các sĩ quan thuộc cơ quan an ninh liên bang Nga được cho là đã bất ngờ ập vào phòng và bắt giữ Whelan.

Theo Rosbalt, Paul Whelan đã bắt đầu móc nối với các đối tượng cung cấp thông tin ở Nga trên các diễn đàn trực tuyến hoặc các phòng tán gẫu trên mạng từ 10 năm trước đây. Whelan được cho là đã gặp riêng những đối tượng quen qua mạng ở Moscow và uống rượu với họ.

“Công dân Mỹ (Paul Whelan) tìm cách xác định xem liệu những người anh ta quen có nắm được những thông tin mà tình báo Mỹ quan tâm hay không, hay liệu có bất kỳ ai trong nhóm quen biết của anh ta có thể tiếp cận được với những thông tin này hay không”, Rosbalt cho biết.

Bị truy tố với tội danh gián điệp tại Nga, Paul Whelan có thể ngồi tù tới 20 năm nếu bị kết tội. Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã ngày 2/1 đã tới thăm Whelan tại nhà tù Lefortovo. Tuy nhiên nhà phân tích chính sách đối ngoại Nga Vladimir Frolov cho rằng hành động đến thăm của Đại sứ Huntsman là một sai lầm.

“Ông ấy (đại sứ Mỹ) lẽ ra nên cử một nhân viên lãnh sự tới. Một chuyến thăm ở cấp đại sứ có thể khiến tình hình căng thẳng thêm và đặt ra những nguy cơ khiến việc giải quyết sự việc trở nên khó khăn hơn”, chuyên gia Frolov nhận định.

Quân cờ chính trị?

Cơ quan an ninh liên bang Nga cho đến nay vẫn không tiết lộ thông tin cụ thể về cáo buộc gián điệp mà nước này đưa ra đối với Paul Whelan. Điện Kremlin cũng không đưa ra bình luận về vụ việc. Trong khi đó, gia đình của Whelan cho biết ông này tới Nga chỉ để tham dự một đám cưới và không rõ lý do vì sao người thân của họ bị bắt.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết ông “vô cùng lo lắng” về trường hợp của Paul Whelan và nghi ngờ Whelan là “tốt thí” trên bàn cờ chính trị.

“Các cá nhân không nên bị lợi dụng như những quân cờ ngoại giao. Chúng tôi cần biết cáo buộc nào nhằm vào ông ấy và liệu điều đó có cấu thành tội trạng hay không. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng mọi cách có thể, nhưng chúng tôi không đồng ý với việc các cá nhân bị lợi dụng trên bàn cờ ngoại giao”, ông Hunt nói.

Theo Washington Post, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về việc liệu vụ bắt giữ Paul Whelan có phải là cách để Nga trả đũa Mỹ vụ bắt công dân Nga Maria Butina, người bị cáo buộc là điệp viên Nga tại Mỹ, hay không. Giới phân tích nhận định có khả năng Nga muốn bắt Paul Whelan để đổi lấy Maria Butina và đây là kế hoạch đã được Moscow chuẩn bị từ trước nhằm răn đe các động thái của Washington nhằm vào công dân Nga trong tương lai.

Thành Đạt

Tổng hợp