1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do WHO và Mỹ không ủng hộ hộ chiếu vắc xin Covid-19 lúc này

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi một số nước rục rịch triển khai hộ chiếu vắc xin Covid-19 để mở cửa kinh tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ủng hộ phương án này.

Lý do WHO và Mỹ không ủng hộ hộ chiếu vắc xin Covid-19 lúc này - 1

Một người dân ở Illinois (Mỹ) tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson hôm 6/4 (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo ngày 6/4, người phát ngôn WHO Margaret Harris tiết lộ lý do khiến tổ chức này chưa ủng hộ triển khai hộ chiếu vắc xin ngừa Covid-19 vào lúc này.

"Thời điểm này, chúng tôi không muốn hộ chiếu vắc xin trở thành một yêu cầu với xuất, nhập cảnh bởi vì hiện tại chưa thể chắc chắn vắc xin ngăn ngừa được tình trạng lây nhiễm", bà Harris nói. Ngoài ra, người phát ngôn WHO nhấn mạnh, yêu cầu về hộ chiếu vắc xin cũng đặt ra câu hỏi về việc phân biệt đối xử với những người không được tiêm vắc xin vì lý do nào đó.

Mỹ cũng không ủng hộ hộ chiếu vắc xin vào thời điểm hiện tại. Phát biểu với báo chí hôm qua, Thư ký truyền thông Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Ở thời điểm này và cả trong tương lai, chính phủ Mỹ không ủng hộ hệ thống yêu cầu người Mỹ phải có chứng nhận tiêm chủng vắc xin. Sẽ không có cơ sở dữ liệu tiêm chủng liên bang và không có chương trình liên bang nào yêu cầu người dân phải có một chứng chỉ tiêm chủng duy nhất".

Trước đó, trả lời phỏng vấn Politico ngày 5/4, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cũng cho rằng chính phủ nước này sẽ không triển khai mô hình hộ chiếu vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Fauci, chính phủ liên bang có thể đưa ra hướng dẫn, cho phép các doanh nghiệp tư nhân triển khai mô hình này.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia rục rịch triển khai cơ chế hộ chiếu vắc xin nhằm mở cửa kinh tế giữa đại dịch. Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố các đề xuất cho "hộ chiếu vắc xin" của Liên minh châu Âu (EU). Hộ chiếu vắc xin của EU sẽ cho phép công dân thuộc các nước thành viên di chuyển tự do trong khối mà không cần phải cách ly.

Trong khi đó, Thái Lan cũng cân nhắc triển khai hộ chiếu vắc xin nhưng theo cơ chế giảm số ngày cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài nhập cảnh từ 14 ngày xuống 7 ngày.

Một số nước coi hộ chiếu vắc xin là công cụ hiệu quả để mở cửa kinh tế trở lại một cách an toàn giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bất chấp việc các nước đẩy nhanh tốc độ chương trình tiêm chủng, Covid-19 vẫn bùng phát mạnh, Pháp thậm chí đã phải phong tỏa toàn quốc lần thứ ba.

Theo số liệu của WHO, trong tuần qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 4 triệu ca Covid-19 mới, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Trong đó, khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương có số ca Covid-19 tăng mạnh nhất. Ấn Độ ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất, tiếp đến là Brazil, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp. Trong tuần qua, thế giới cũng ghi nhận hơn 71.000 ca tử vong do Covid-19, tăng 11% so với tuần trước đó.

Theo số liệu của Worldometer, kể từ khi Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 đến nay, thế giới ghi nhận hơn 130 triệu ca mắc Covid-19, trong đó gần 3 triệu người đã tử vong.