1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Ukraine tổn thất nặng nề pháo hạng nặng khi đối đầu hỏa lực Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia lý giải nguyên nhân Ukraine mất nhiều tổ hợp pháo hạng nặng khi trong cuộc chiến hỏa lực với Nga trong gần 15 tháng qua.

Lý do Ukraine tổn thất nặng nề pháo hạng nặng khi đối đầu hỏa lực Nga - 1

Dàn lựu pháo M777 Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Theo Forbes, tính tới hiện tại, Ukraine đã nhận được ít nhất 390 khẩu pháo kéo và 440 khẩu pháo tự hành từ phương Tây. Binh sĩ Ukraine đã vận hành tương đối hiệu quả các khẩu pháo hạng nặng của NATO nhưng chúng đang chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Nga.

Dữ liệu từ chuyên trang tin tức chiến trường Oryx cho thấy rằng loại pháo kéo hạng nặng nhất của Ukraine - những khẩu súng không thể tự di chuyển hoặc không đủ tính cơ động - đang trở thành mục tiêu bị Nga tấn công. Tỷ lệ thiệt hại là rất lớn. Theo Oryx, trong số khoảng 152 khẩu pháo kéo M777 155mm được viện trợ tới Ukraine, hơn 1/3 đã bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy, Nga đang nhằm mục tiêu hiệu quả vào các khẩu pháo hạng nặng 155mm theo chuẩn NATO. Các tổ hợp này có đặc điểm chung là đứng yên ở một chỗ quá lâu, yếu tố giúp Nga kích hoạt radar phản pháo, truy dò và nhắm mục tiêu để phá hủy.

Ngoài M777 bị nhằm mục tiêu vì không thể tự di chuyển, Nga cũng đang tấn công vào các khẩu pháo tự hành kiểu cũ như AHS Krab hay M-109. Theo Oryx, tỷ lệ thiệt hại của Ukraine với 2 dòng pháo này vào khoảng 18-21%.

Theo Forbes, nguyên nhân của thực trạng này là do chiến thuật triển khai của Ukraine. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy, một nửa các khẩu pháo bị phá hủy được triển khai ở các điểm bắn tĩnh, hoặc thiết lập thành một trận địa hỏa lực cố định, yếu tố giúp Nga có thể dễ dàng đoán biết được vị trí của hỏa lực đối phương trên chiến trường.

Ngược lại, các khẩu pháo hạng nhẹ và có khả năng cơ động cao của Ukraine dường như không bị phá hủy quá nhiều. Cho tới nay, ít nhất 166 khẩu pháo kéo 105mm đã được đưa tới Ukraine. Trong số các khẩu L118/119 của Anh, M101 và M119 do Mỹ chế tạo, cùng với một số pháo OTO Melara Mod 56 105mm, giới quan sát chỉ xác nhận thiệt hại đối với một khẩu 105mm duy nhất.

Các khẩu 105mm nặng chưa bằng một nửa so với tổ hợp 155mm. Vì đạn 105mm nhỏ hơn và sức công phá kém hơn nhiều so với đạn 155mm tầm xa, nên những tổ hợp này thường hoạt động gần tiền tuyến, nơi hệ thống phòng thủ và thiết bị gây nhiễu của Ukraine gây khó khăn cho các UAV của Nga. Đây có thể là một lý do khiến cho các tổ hợp pháo 105mm dễ sống sót hơn so với pháo hạng nặng.

Mặt khác, vì các khẩu pháo 105mm tác chiến gần tiền tuyến, kíp điều khiển buộc phải thích nghi để sống sót vì chúng nằm trong tầm tấn công của các hệ thống hỏa lực Nga. Chính vì vậy, các khẩu 105mm thường có xu hướng áp dụng chiến thuật bắn rồi di chuyển nhanh chóng để ngăn Nga phản pháo.

Theo Forbes, để ngăn Nga gây thiệt hại lớn cho các khẩu pháo hạng nặng, Ukraine có thể sẽ cần cơ động các vũ khí linh hoạt hơn trên chiến trường. Ngoài ra, báo Mỹ cho rằng, Ukraine cần thêm công nghệ gây nhiễu và tác chiến điện tử vì các UAV tự sát của Nga như Lancet, vốn đang hoạt động tương đối hiệu quả. Nga trong thời gian qua liên tục đăng tải video Lancet phá hủy những tổ hợp vũ khí có giá trị gấp nhiều lần UAV này.

Theo Forbes