1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do ông Trump từ chối lời mời tới Ukraine của Tổng thống Zelensky

Minh Phương

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối đến Ukraine theo lời mời của ông Volodymyr Zelensky và nêu rõ lý do cho quyết định này.

Lý do ông Trump từ chối lời mời tới Ukraine của Tổng thống Zelensky - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Telegram).

"Tôi rất tôn trọng Tổng thống Zelensky nhưng cho rằng việc đến Ukraine vào thời điểm này là không phù hợp. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang làm việc với chính quyền của ông Zelensky và tôi không muốn tạo ra xung đột lợi ích", ông Trump nói với kênh truyền hình Mỹ Newsmax ngày 6/11.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn NBC ngày 5/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Tôi muốn mời ông Trump đến Ukraine. Nếu ông ấy đến đây, tôi cần 24 phút, đúng, chỉ 24 phút, không hơn để chứng minh rằng kế hoạch của ông ấy không thể chấm dứt cuộc xung đột này. Ông ấy không thể mang lại hòa bình".

Ông Zelensky giải thích, chỉ khi đến đây, ông Trump mới có thể hiểu tình hình và hiểu rằng đề xuất hòa bình mà ông ấy đưa ra là không khả thi.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu ông tái đắc cử. Tuy nhiên, đến nay, cựu chủ nhân Nhà Trắng chưa nêu cụ thể giải pháp mà ông đề xuất.

Hồi tháng 7, ông chỉ tiết lộ cách thức mà ông tin sẽ hiệu quả: "Tôi sẽ nói với (Tổng thống Ukraine) Zelensky rằng hãy dừng lại, ông phải chấp nhận một thỏa thuận. Tôi sẽ nói với ông Putin rằng nếu ông không đàm phán, chúng tôi sẽ cấp cho Ukraine nhiều hơn. Tôi sẽ chốt thỏa thuận trong một ngày, chỉ một ngày".

Tổng thống Zelensky nhiều lần phản bác tuyên bố của ông Trump, hoài nghi về khả năng của cựu Tổng thống Mỹ trong việc giải quyết xung đột.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần hai năm và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev bế tắc kể từ cuối tháng 3 năm ngoái. Đến cuối năm 2022, ông Zelensky thậm chí ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Zelensky nêu rõ, công thức hòa bình 10 điểm mà ông đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái sẽ là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm với Nga. Theo đề xuất này, Nga phải rút hết quân khỏi Ukraine, bồi thường thiệt hại chiến tranh và đáp ứng một số yêu cầu khác.

Tuy nhiên, Moscow cho rằng những đề xuất này của Kiev là không thực tế. Nga cáo buộc Ukraine không có thiện chí đàm phán và nhấn mạnh hòa đàm chỉ có thể nối lại khi Kiev rút lại sắc lệnh cấm đàm phán với Moscow.

Điện Kremlin cũng cho biết, một điều kiện tiên quyết để nối lại hòa đàm là Ukraine phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ", hàm ý việc Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở vùng lãnh thổ này. Tháng 10 năm ngoái, Nga tiếp tục sáp nhập 4 vùng gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia cũng dựa trên kết quả trưng cầu dân ý.

Ukraine khẳng định sẽ không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Kiev cũng kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự để giúp nước này chiến thắng trên chiến trường nhằm nâng cao vị thế trên bàn đàm phán sau này với Nga.

Theo Pravda