1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Ngân hàng thế giới chưa cho Trung Quốc vay tiền để đối phó dịch nCoV

(Dân trí) - Ngân hàng thế giới (World Bank) sẽ hỗ trợ kỹ thuật giúp Trung Quốc đối phó dịch do virus corona mới gây ra, song sẽ không có các khoản cho vay, Chủ tịch World Bank David Malpass cho biết.

 
Lý do Ngân hàng thế giới chưa cho Trung Quốc vay tiền để đối phó dịch nCoV - 1

Chủ tịch World Bank David Malpass (Ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 10/2, Chủ tịch World Bank David Malpass cho biết, ngân hàng này đang phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ Trung Quốc, trong đó gồm tư vấn dựa trên các cuộc khủng hoảng y tế trước kia. Tuy nhiên, ông Malpass cũng nhấn mạnh, World Bank sẽ không hỗ trợ tài chính bởi vì Trung Quốc “rất dồi dào nguồn lực”.

“Tôi nghĩ là tất cả chúng ta đều mong muốn nhanh chóng ngăn chặn virus corona ở Trung Quốc. Chúng tôi đã hỗ trợ kỹ thuật ở khía cạnh chính sách y tế, vệ sinh, dịch tễ”, ông Malpass nói.

Ông Malpass, một cựu quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết các chuyên gia của World Bank đã thảo luận với giới chức Trung Quốc và có thể hỗ trợ ngay lập tức về các vấn đề như an toàn thực phẩm, giám sát dịch, phân tích tác động của dịch bệnh đến kinh tế Trung Quốc

Được thành lập sau Thế chiến thứ 2, World Bank hiện có khối tài sản khoảng 470 tỷ USD. Trung Quốc là một trong những quốc gia vay nợ World Bank nhiều nhất với 14,8 tỷ USD khoản vay được cam kết kể từ năm 2011. Trung Quốc cũng là cổ đông lớn thứ 3 của World Bank chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

“Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn”, ông Malpass cho biết và nhấn mạnh thời điểm này World Bank không xem xét bất cứ khoản vay mới nào cho Bắc Kinh. Trung Quốc được cho là có kho dự trữ ngoại hối lên tới 3.115 tỷ USD tính đến tháng 1/2020.

Ông Malpass từ chối bình luận về tác động của dịch nCoV đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và thế giới. “Rõ ràng, virus corona sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2020. Còn về tác động dài hạn, chúng tôi còn phải chờ xem hiệu quả ứng phó của các bên”, ông nói.

Minh Phương
Theo Reuters